Thu nhập 20 triệu/tháng nên mua vàng, chơi chứng, gửi ngân hàng hay mua bảo hiểm nhân thọ?

14/07/2016 15:37 PM | Kinh doanh

Muốn chọn lựa được kênh đầu tư hợp lý và tối ưu nhất, cần quan tâm xem bạn có bao nhiêu tiền, bạn ở lứa tuổi nào, mục đích trong tương lai là gì?

Vợ chồng anh Thành, chị Hiền đều làm nhân viên văn phòng, mỗi tháng thu nhập của hai anh chị là 20 triệu đồng/tháng. Chi tiêu hàng tháng cho 2 người lớn và một em bé 2 tuổi đã ngốn mất nửa già số lương của anh chị. Phần còn lại gia đình chị Hiền muốn tích lũy để chuẩn bị những kế hoạch sau này.

Theo ý chị Hiền thì muốn mua bảo hiểm nhân thọ để chuẩn bị tài chính cho con đến năm 18 tuổi nhưng chồng chị lại không chịu vì cho rằng bảo hiểm nhiều rủi ro còn gửi tiết kiệm sẽ chắc chắn hơn. Trong lúc hai vợ chồng chị đang bàn bạc thì ngoài thị trường, sóng vàng ập đến, vàng lấp lánh thu hút nhiều người. Thấy vậy, anh chị dự định mua vàng, nhưng đúng lúc chuẩn bị mua thì vàng "đổ gục". Ở một "chiến tuyến" khác mọi người lại bàn tán sôi nổi vì chứng khoán lập đỉnh trong 8 năm. Vậy là mỗi người một ý, anh chị đang không biết đầu tư thế nào để lợi hơn.

Liều ăn nhiều hay chậm mà chắc

Mấy ngày trước, những người đang nắm giữ vàng thắng đậm, có khi lời cả vài triệu đồng/lượng chỉ trong tích tắc. Nhưng khi con sóng thần vàng rút đi, thị trường bình tĩnh trở lại, nhiều người lại rơi vào cảnh lỗ lớn vì nhảy vào không đúng nhịp. Lúc này mới thấy những người thắng lớn vì vàng thì ít, người thua thì nhiều và chỉ thấy các nhà vàng "vớ bẫm".

Trong khi đó, thị trường chứng khoán ngợp sắc xanh và lên điểm từng ngày. Anh Hiển, một nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm dự đoán trong quý III năm nay chứng khoán sẽ có đà tăng điểm, nhưng trong dự tính cũng chỉ khoản 650 điểm, còn hôm qua (13/7) thị trường đã có một phiên thăng hoa đầy cảm xúc rồi nhanh chóng vượt mốc 670 điểm và đang tràn đầy năng lượng để chinh phục mốc 700 điểm trong nay mai.

Sau phiên giao dịch ấn tượng, anh Hiển nhận xét: "Tất nhiên chứng khoán lên là điều tốt vì ai cũng có lời. Song cũng cần thận trọng, chứng khoán Việt Nam chưa có nền tảng từ kinh tế tăng trưởng tốt để có lực tăng như chứng khoán Mỹ. Kinh tế trong nước đang có cải tiến tích cực, nhưng chưa đến mức lạc quan để đánh lên quá xa. Mấu chốt là dòng tiền cá nhân và nhất là nước ngoài chưa tăng thực chất thì lực cầu đang ở vị thế lướt sóng và đòn bẩy chứ không phải đầu tư cho triển vọng 2017".

Khi thấy nhiều người ăn mừng vì tài khoản đã nhân đôi nhân ba, thì không ít người tỏ ra sốt ruột khi trót gửi tiết kiệm quá nhiều.

Lại một lần nữa, SWOT (ưu điểm - nhược điểm - cơ hội - thách thức) tất cả các kênh đầu tư bên trên được đưa ra bàn luận. Phần đông đều kết luận xét về yếu tố an toàn và hiệu quả nhất thì không một phương án đầu tư nào bằng gửi tiền tiết kiệm.

Rốt cuộc nên làm thế nào?

Với những trường hợp tích lũy hàng tháng như vợ chồng anh Thành chị Hiền nói trên, quan điểm của một số chuyên gia cho rằng muốn chọn lựa được kênh đầu tư hợp lý và tối ưu nhất, cần quan tâm xem bạn có bao nhiêu tiền, bạn ở lứa tuổi nào, mục đích trong tương lai là gì?

Nếu trong một năm chỉ tiết kiệm được trên dưới 100 triệu đồng thì nên gửi tiền vào ngân hàng hoặc có thể chia nhỏ ra một ít để mua vàng. Còn lại, con số này không đủ lớn để mang qua đầu tư những lĩnh vực mang tính liều lĩnh, rủi ro.

Nhưng nếu từ 100 triệu đến 500 triệu thì bắt đầu phân bổ vào các kênh khác nhau tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro và độ tuổi. Ví dụ, với người trẻ họ có nhiều hoài bão, có nhiều kế hoạch tài chính trong tương lai như cho con đi du học, xây nhà, lập công ty...; họ nắm bắt thông tin nhanh nhạy thì đầu tư vào chứng khoán, bất động sản sẽ là hướng đầu tư số một, có thể khuếch đại con số này hơn nhiều lần nếu may mắn và đầu tư khôn ngoan.

Còn với những người già, người về hưu thì vấn đề an toàn phải đặt lên đầu tiên, lúc này vàng và gửi tiết kiệm dường như được khuyến cáo gửi gắm vào đó nhiều hơn.

Với những người có vốn lớn hơn, từ 500 triệu đồng trở lên thì cần phải có chiến lược đầu tư, phân bổ vào các kênh theo tỷ lệ có chiến thuật. Và khuyến nghị không bao giờ lỗi thời: trứng nên bỏ nhiều giỏ. Ví dụ, đầu tư vàng có thể chiếm 30%, 50% chơi chứng khoán và 20% còn lại gửi tiết kiệm ngân hàng, hoặc liều lượng có thể tùy chỉnh.

Kênh đầu tư phổ biến còn lại là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm có ý nghĩa nhân đạo và dự phòng nhiều hơn khía cạnh lợi ích đầu tư. Cuộc sống không biết trước những bất trắc xảy ra, vậy nên không quá khó khăn khi hàng tháng trích từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng để tham gia bảo hiểm, đảm bảo yếu tố tâm lý được an lành. Theo đúng nguyên tắc của nhiều người chia sẻ, nếu trong tay họ có 10 đồng, sẽ dành 9 đồng để đầu tư, tiết kiệm còn 1 đồng đầu tư cho bảo hiểm phòng gia đình xảy ra những rủi ro không mong muốn. Vừa không ảnh hưởng gì đến kế hoạch tài chình dài hạn của gia đình, vừa yên tâm khi đã mua cho gia đình một chiếc khóa an toàn.

Nhìn chung, tất cả mọi lĩnh vực được mở ra đều nhằm đáp ứng quyền lợi và nhu cầu tốt đẹp cho mọi người có như vậy nó mới tồn tại được và tất cả mọi lĩnh vực đều có mặt trái của nó. Điều quan trọng là nhu cầu và mục đích trong tương lai của mỗi người như thế nào.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM