Doanh nhân Thái Lan: “Nhìn vào môi trường đầu tư thì Việt Nam là ‘Người tình của thế giới’”!

11/07/2016 08:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Các doanh nghiệp Thái đang tăng cường sự hiện diện của mình tại Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam ví von rằng môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay có thể gọi là “Người tình của thế giới", cực hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai, Thái Lan sẽ lọt top 10 quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đồng thời nâng kim ngạch thương mại 2 chiều Việt – Thái lên mức 20 tỷ USD vào năm 2020.

Môi trường đầu tư của Việt Nam giống Thái Lan cách đây 20 năm. Khi đó, Nhật Bản vào Thái Lan đầu tư, sau đó là các quốc gia khác… Nếu không, Thái Lan sẽ là nước nông nghiệp mãi mãi”, ông Sanan Angubolkul - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam – cho biết tại buổi họp báo “Thái Lan – Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác kinh tế cho sự thịnh vượng chung”.

* Thưa ông Sanan Angubolkul, ông đánh giá thế nào về môi trường đầu tư tại Việt Nam?


Ông Sanan Angubolkul - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam.

Ông Sanan Angubolkul - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan – Việt Nam.

Ông Sanan Angubolkul: Môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay, theo tôi, có thể gọi là “Darling of the World” (tạm dịch: Người tình của thế giới), rất hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn đến đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam có những yếu tố thuận lợi như chính trị ổn định, xã hội an toàn đối với nhà đầu tư. Lao động tại Việt Nam dễ tìm, chăm chỉ và chi phí khá rẻ.

Ngoài ra, việc chính phủ Việt Nam ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và khu vực trên thế giới đã tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

* Vậy Việt Nam cần làm gì để trở thành “người tình” hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư thế giới?

Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam cần cải thiện nhiều hơn là về mặt cơ sở hạ tầng, làm sao để cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn và thuận lợi trong giao thương, đi lại.

Các địa điểm du lịch ở Việt Nam cũng cần có cải thiện hơn, nhằm tăng lượng khách du lịch đến Việt Nam.

Một điểm nữa Việt Nam cần cải thiện là hệ thống logistics. Đó là điều rất quan trọng với các nhà đầu tư.

* Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, khi đến đầu tư tại Thái Lan họ sẽ được hỗ trợ thế nào?

Chúng tôi đã trao đổi với Chính phủ Thái Lan, đặc biệt là với Thủ tướng Thái Lan về việc làm thế nào có giải pháp tăng cường sự hiện diện của sản phẩm Việt Nam ở thị trường Thái Lan nhiều hơn.

Bởi Thái Lan là thị trường thu hút rất nhiều khách du lịch quốc tế, khoảng 32 triệu lượt người/năm. Chúng tôi mong muốn lượng khách du lịch này có thể tìm mua được các sản phẩm của Việt Nam tại thị trường Thái Lan như đá quý, đồ ăn uống như phở, cafe …

Hiện ở Thái Lan, lượng Việt kiều sinh sống có hơn 100 nghìn người. Ngoài việc xúc tiến về thương mại, nếu doanh nghiệp mong muốn đầu tư tại Thái Lan trong các lĩnh vực doanh nghiệp đó có lợi thế, Hội đồng Doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam cũng sẽ giúp tìm kiếm các đối tác tại Thái Lan để các bạn có thể hợp tác.

* Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015 của Việt Nam, khoảng nửa số doanh nghiệp FDI, trước khi lựa chọn Việt Nam, đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác, chủ yếu là Trung Quốc (27,9%), Thái Lan (21,2%) và Indonesia (12,6%). Tỷ lệ cân nhắc các quốc gia này đều tăng so với năm ngoái và gần gấp đôi mức năm 2013.

Khi so sánh Việt Nam với các nước khác đang cân nhắc đầu tư, Việt Nam tiếp tục được đánh giá tốt ở các lĩnh vực như: mức thuế suất thấp hơn, nguy cơ bị thu hồi tài sản thấp, khả năng tham gia vào quá trình hoạch định các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới họ cao hơn và bất ổn chính sách thấp hơn.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn xét về các yếu tố như tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công và chất lượng cũng như độ tin cậy của cơ sở hạ tầng. Nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM