Thông tư 36 sửa đổi: Chớ nên vội mừng!

29/05/2016 11:44 AM | Kinh tế vĩ mô

Thông tư 06 đang là điểm dừng hiện tại cho hoạt động giám sát ngân hàng hướng đến chuẩn mực Basel II mà NHNN đang theo đuổi. Và sự theo đuổi này đã có một lộ trình khá dài tới 17 năm.

Sau một thời gian dài, NHNN đã thu thập nhiều ý kiến phản hồi cho dự thảo sửa đổi Thông tư 36 – một Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. Và cho ban hành thay thế bởi Thông tư 06/2016/TT – NHNN vào ngày 27/5/2016.

Theo đó, Thông tư 06 có ba điều chỉnh lớn: thứ nhất, quy định hệ số quy đổi rủi ro của các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản lên tới 200% tại thời điểm 1/1/2017; thứ hai, giảm có lộ trình cho tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống 40% từ 1/1/2018; thứ ba, tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề trước của TCTD.

Đến đây, hàng loạt những câu hỏi được đặt ra, liệu Thông tư này có phải là bước tiến lớn trong hoạt động giám sát ngân hàng và thực hiện theo chuẩn mực Basel II? Hay Thông tư chỉ là sự cải tiến nhất thời và sẽ tiếp tục thay đổi hoặc điều chỉnh?Và tóm lại, sự thay đổi này nên mừng hay lo?

Chặng đường dài đến Thông tư 06

Thông tư 06 đang là điểm dừng hiện tại cho hoạt động giám sát ngân hàng hướng đến chuẩn mực Basel II mà NHNN đang theo đuổi. Và sự theo đuổi này đã có một lộ trình khá dài từ năm 1999 đến nay.

Ngày 25/8/1999, NHNN lần đầu tiên ban hành Quyết định số 297/1999/QĐ – NHNN quy định về các tỷ lệ đảm bảo an toàn vốn trong hoạt động của TCTD với mức duy trì tối thiểu là 8%. Quyết định này đã giúp Việt Nam lần đầu tiếp cận những chuẩn mực quốc tế về an toàn và hiệu quả hoạt động kinh doanh ngân hàng, mặc dù còn rất sơ khai.

Đến năm 2005, Quyết định 457/2005/QĐ – NHNN được ban hành thay thế cho Quyết định số 297. Theo đó, Quyết định 457 quy định các TCTD phải duy trì hệ số an toàn vốn tối thiểu 8% giữa vốn tự có với tổng tài sản có quy đổi rủi ro và vốn tự có bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2.

Ngày 20/5/2010, NHNN ban hành Thông tư số 13/2010/TT – NHNN thay thế Quyết định số 457/2005/QĐ – NHNN. Cùng với Thông tư 13, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 141/2006/NĐ – CP yêu cầu vốn pháp định tối thiểu của NHTM phải đạt 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010. Hai chính sách trên thực hiện một mục tiêu là đảm bảo hơn nữa an toàn vốn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ngoài ra, Thông tư 13 còn quy định thêm: (i) xác định vốn tự có cấp 1 và cấp 2 phải chi tiết, cụ thể; (ii) xác định hệ số an toàn vốn riêng lẻ; (iii) hệ số an toàn vốn hợp nhất; (iv) và nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu lên 9%.

Bốn năm sau, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT – NHNN ngày 20/11/2014 nhằm thay thế cho Thông tư 13. Thông tư 36 được nhiều chuyên gia đánh giá rất tích cực vì đã khắc phục nhiều nội dung để phù hợp bối cảnh kinh tế - tài chính như thúc đẩy hội nhập kinh tế, thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, nắn dòng tín dụng đến sản xuất – kinh doanh…Bên cạnh đó, Thông tư 36 còn tạo ra những chuẩn mực mới chặt chẽ hơn trong hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng, quản trị ngân hàng, thông tin công khai minh bạch, khả năng chịu đựng rủi ro hệ thống…Cụ thể như: (i) xác định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; (ii) cụ thể hơn về vốn cấp 1 và cấp 2; (iii) yêu cầu về tỷ lệ nợ xấu chuẩn; (iv) quy định tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (LCR)…

Và hiện tại, Thông tư 06 được thay thế cho Thông tư 36 vào ngày 27/5/2016 với ba thay đổi lớn như đề cập ở trên. Tuy nhiên, Thông tư này cũng không có gì đột phá và còn ẩn chứa nhiều điều lo lắng về lộ trình áp dụng chuẩn mực Basel II cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Bước đầu dung hòa lợi ích của các bên

Dẫu vây, Thông tư 06 vẫn có những điều làm được đáng ghi nhận.

Thứ nhất, Thông tư 06 giữ nguyên quy định tỷ lệ an toàn vốn và vẫn siết chặt các tài sản có độ rủi ro lớn để nâng cao chất lượng tài sản cho hệ thống ngân hàng, mà cụ thể ở đây là các khoản phải đòi từ kinh doanh bát động sản (thực hiện có lộ trình). Điều này không chỉ giúp ngân hàng tăng cường năng lực đề kháng rủi ro, mà còn đạt được hiệu quả về ngăn chặn hành vi kinh doanh mạo hiểm, tránh các chiến lược kinh doanh tăng trưởng nóng.

Thứ hai, Thông tư 06 tiến đến giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn theo lộ trình. Đây là một quyết định đúng đắn nhằm cho các ngân hàng có thời gian chuyển đổi cơ cấu kỳ hạn giữa tài sản Có và tài sản Nợ, đồng thời tránh hiện tượng gây sốc.Ngoài ra, về lâu dài, quy định này sẽ giúp hệ thống ngân hàng trở về bản chất là một chủ thể hoạt động trên thị trường tiền tệ và phòng tránh nhiều rủi ro hệ thống tác động.

Thứ ba, Thông tư 06 được ban hành dựa trên sự lắng nghe, tiếp thu từ nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, Thông tư vừa giải quyết được lợi ích của các nhóm kinh doanh và vừa hòa hợp với mục tiêu hoạch định chính sách của NHNN.

Những điều còn lo lắng

Tuy vậy, Thông tư 06 còn ẩn chứa nhiều điều cần lo lắng. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, mặc dù Thông tư 06 có cách tính tổng vốn, bao gồm vốn cấp 1 và vốn cấp 2 khá tương đồng với Basel, nhưng phần mẫu số mới chỉ xác định rủi ro tín dụng (việc tăng tỷ lệ quy đổi rủi ro các khoản phải đòi từ kinh doanh bất động sản là một ví dụ), chưa tính đến rủi ro tác nghiệp và rủi ro thị trường (theo chuẩn Basel II).

Thứ hai, Thông tư 06 chưa có bước tiến về khống chế rủi ro tổng thể, mà chỉ đi vào việc khống chế từng chỉ tiêu rủi ro đơn lẻ.Và để khống chế rủi ro tổng thể, Basel khuyến nghị sử dụng tỷ lệ đòn bẩy – là tỷ lệ giữa vốn cấp 1 so với tổng tài sản có chưa cộng với các khoản mục ngoại bảng.

Thứ ba, thanh khoản ngân hàng là vấn đề trọng yếu hơn so với các chỉ tiêu đo lường khác. Do đó, Basel II và III đã tiến tới quy định rất ngoặc nghèo quản trị thanh khoản (chẳng hạn, tỷ lệ khả năng chi trả tăng từ 60% đến 100% từ 2015 đến 2019). Còn Thông tư 06 vẫn giữ nguyên tỷ lệ là 50% và không có kế hoạch gia tăng.

Thứ tư, gia tăng tỷ lệ mua, đầu tư trái phiếu Chính phủ so với nguồn vốn ngắn hạn bình quân của tháng liền kề có thể sẽ giúp dòng tín dụng trở nên đa dạng khi thêm một kênh đầu tư được khuyến khích.Nhưng về lâu dài, quy định này chứa nhiều rủi ro và mâu thuẫn với tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Và cuối cùng, nếu so sánh Thông tư 06 và những chuẩn mực của hiệp ước Basel II thì chặng đường để ngân hàng Việt Nam áp dụng còn rất dài và đầy thách thức. Chính vì vậy, đề án thí điểm thực hiện Basel II cho 10 NHTM đến 2018 cần sự quyết tâm hơn nữa.

Theo NCS. Châu Đình Linh

Cùng chuyên mục
XEM