Để tạo điều kiện giảm lãi suất, NHNN có thể sẽ phải hoãn áp dụng Basel II và sửa đổi Thông tư 36

07/05/2016 16:36 PM | Kinh tế vĩ mô

Với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18-20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân thì có vẻ quy định áp dụng Basel 2 và nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 36 về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ chưa được áp dụng ngay.

Theo báo cáo mới đây của CTCK TP.HCM (HSC), nhiều ngân hàng lớn, chủ yếu là ngân hàng quốc doanh đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp và áp dụng các gói cho vay ưu đãi đặc biệt cho các nhóm đối tượng chịu tác động của tình trạng cá chết hàng loạt gần đây tại các tỉnh miền trung.

"Tuy nhiên hiện cho đến nay giá trị các khoản cho vay còn khiêm tốn trong khi lãi suất cũng chưa giảm nhiều. Một số ngân hàng chỉ cam kết giữ lãi suất ở mặt bằng hiện tại lâu nhất trong khả năng của mình", báo cáo nhận định.

Chính sách tiền tệ đang được nới lỏng

Động thái trên càng làm tăng thêm niềm tin là chính sách tiền tệ đang được nới lỏng và sự nới lỏng này là thành phần quan trọng trong gói kích thích do Chính phủ đề xuất.

Theo HSC, điều này có lẽ buộc phải thực hiện trước tình hình ngân sách eo hẹp nên khó có thể sử dụng chính sách tài khóa để kích thích. Và giống như ở các nước khác, sẽ cần phải sử dụng chính sách tiền tệ để có thể kích thích đáng kể nền kinh tế.

Động thái này diễn ra sau Hội nghị doanh nghiệp tổ chức mới đây do Thủ tướng chủ trì. Tại Hội nghị diễn ra vào thứ 6 tuần trước giữa Thủ tướng và các doanh nghiệp để bàn các biện pháp kích thích kinh tế, tân Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cam kết các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp ở một số khu vực. Trong đó lãi suất có thể giảm 0,3-0,5% cho kỳ hạn ngắn và giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10%.

Mặc dù lạm phát tăng và một số sức ép tăng lãi suất đặt ra thách thức nhất định, Thống đốc cho biết NHNN sẽ giữ ổn định lãi suất sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện tại lãi suất cho vay bình quân kỳ hạn ngắn là từ 6-9% trong khi trung dài hạn là từ 9-11%.

Theo khảo sát lãi suất của HSC vào cuối tháng 4, lãi suất cho vay bình quân là 9,37% (cuối tháng 3 là 9,42%). Lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn là 8,96% và cho vay trung dài hạn là 10,5%.

Vào ngày 29/4, một số ngân hàng như BIDV và SHB đã công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn và cam kết giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10%. Cùng ngày, Vietcombank cam kết giữ lãi suất cho vay trung dài hạn dưới 10% trong 1 năm và đưa ra gói hỗ trợ cho vay trị giá 300 tỷ đồng. VietinBank cam kết giảm 1% lãi suất cho những dự án sản xuất đủ điều kiện.

Các ngân hàng quốc doanh cũng công bố các gói cho vay hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng từ hiện tượng cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).

Hạn chế rõ ràng về khả năng giảm lãi suất

Song, HSC cũng chỉ ra các ngân hàng có những hạn chế rõ ràng về khả năng giảm lãi suất. Các ngân hàng có hạn chế về khả năng giảm lãi suất do tỷ lệ NIM bình quân của cac ngân hàng niêm yết hiện ở mức thấp là 2,5-3%; lãi suất cho vay đang trong xu hướng tăng từ đầu năm với lãi suất cho vay bình quân tại thời điểm cuối tháng 4 tăng 0.2% so với đầu năm.

Theo BIDV, lợi nhuận năm nay có thể giảm 400-500 tỷ đồng nếu lãi suất cho vay đồng loạt giảm. Và BIDV xem xét mức giảm lãi suất tối đa là 1% và chỉ khi NHNN hỗ trợ NHTM bằng việc nới lỏng các yêu cầu chẳng hạn như tỷ lệ dự trự bắt buộc.

NHNN có thể sẽ phải hoãn áp dụng quy định mới để tạo điều kiện cho các NHTM giảm lãi suất. Với mục tiêu đạt tăng trưởng tín dụng 18-20% cộng với yêu cầu giảm lãi suất cho vay bình quân thì có vẻ quy định áp dụng Basel 2 và nội dung dự thảo sửa đổi thông tư 36 về các hệ số an toàn tài chính có thể sẽ chưa được áp dụng ngay.

Trong khi đó, mới đây, nhiều ngân hàng đã đề xuất với NHNN lùi thời gian áp dụng Thông tư 36 sửa đổi. Bởi nếu áp dụng sớm, các ngân hàng có thể gặp khó khi cho vay trung và dài hạn.

"Nếu Chính phủ muốn nới lỏng chính sách tiền tệ thì khó có thể đồng thời siết chặt các quy định", báo cáo lưu ý.

Theo Mai Ngọc

Cùng chuyên mục
XEM