Vì sao khó đòi vỉa hè cho người đi bộ?

08/03/2016 15:35 PM | Xã hội

Khắp các đô thị lớn trên cả nước, vỉa hè của các tuyến phố nếu không bị “xẻ thịt”, làm nơi trông, giữ xe...

Khắp các đô thị lớn trên cả nước, vỉa hè của các tuyến phố nếu không bị “xẻ thịt”, trưng dụng làm nơi trông, giữ xe cũng bị chiếm đoạt để kinh doanh, buôn bán. Trả vỉa hè cho người đi bộ - chuyện không phải bây giờ mới nói song vẫn đang là bài toán lớn đặt ra cho các cơ quan chức năng.

Người đi bộ bị “đẩy” xuống lòng đường

Người dân vô tư căng dây trông xe, chính quyền phường, xã vì nhiều nguyên nhân cũng mặc sức “xẻ” vỉa hè làm bãi đỗ… Người đi bộ không cách nào khác buộc phải đi dưới lòng đường. Số vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ cũng vì thế mà tăng nhức nhối.

Tai nạn đau lòng và hai chữ “giá như”

Đến bây giờ, gia đình ông Đoàn Văn Kiểm, nhà ở ngõ 34 đường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội vẫn chưa quên được những tháng ngày khủng hoảng sau khi con trai cả của ông bị TNGT dẫn đến chấn thương sọ não.

“Đó là một ngày đầu năm, Điệp (con trai cả của ông Kiểm - PV) đang đi bộ trên phố Hào Nam, đoạn gần Nhạc viện Hà Nội thì bị một thanh niên điều khiển xe máy tông vào. Cú va chạm quá mạnh từ phía sau khiến Điệp chấn thương sọ não”, ông Kiểm kể lại và chia sẻ, mạng sống đã giữ lại được, nhưng người con trai khỏe mạnh của ông giờ không còn tỉnh táo như trước, mất hoàn toàn sức lao động.

Vợ anh Điệp sau đó vì chán nản, mệt mỏi cũng đã bỏ về quê. Vì vậy, hai ông bà già giờ đang phải cáng đáng thêm việc chăm sóc người con trai lý ra phải là chỗ dựa của họ lúc tuổi già.

“Giá như không có vụ tai nạn hôm ấy, giá như hôm đó con trai tôi không đi xuống lòng đường thì có lẽ chúng tôi đã không khổ thế này, gia đình cháu nó cũng không ly tán như ngày hôm nay”, ông Kiểm đau xót.

Vụ việc nêu trên chỉ là một trong số hàng trăm vụ tai nạn đau lòng khiến nạn nhân tử vong chỉ vì đi bộ dưới lòng đường.

Bạn đọc Báo Giao thông hẳn chưa hết bàng hoàng sau vụ TNGT xảy ra mới đây tại đường Ái Mộ, quận Long Biên, Hà Nội. Chiếc xe Camry sau khi đâm vào hai ông cháu đi xe máy ngược chiều đã đâm trực diện vào một phụ nữ đi bộ dưới lòng đường khiến cả 3 người tử vong. Giá như, vâng, lại 2 chữ “giá như”, người phụ nữ không đi bộ dưới lòng đường, có lẽ mọi thứ đã không tệ hại đến thế.

Vỉa hè bị “xẻ thịt”, người đi bộ bị đẩy xuống lòng đường

Ghi nhận của PV Báo Giao thông, vỉa hè nhiều tuyến phố của Hà Nội đang bị “xẻ thịt”, bị các hàng quán trưng dụng làm nơi kinh doanh, để xe cho khách. Trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, lòng đường đang bị thu hẹp mỗi bên chỉ còn khoảng 3 m nên vào giờ cao điểm, người tham gia giao thông đi lại chật kín, thậm chí trèo lên cả vỉa hè để đi. Chưa hết, các hàng quán 2 bên đường cũng thi nhau lấn chiếm vỉa hè. Người đi bộ không cách nào khác đành cố hết sức, luồn lách qua từng chiếc xe trên vỉa hè mà đi.

Em Nguyễn Thị Nhẫn, sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bức xúc: “Từ điểm dừng xe buýt vào trường em đi lại rất khó khăn. Vì phần lớn vỉa hè đều bị chiếm dụng. Nhiều chỗ chẳng còn khoảng trống nào. Chúng em đành phải luồn lách qua hàng xe máy của các cửa hàng đang dựng trên vỉa hè để đi”.

Tại đường La Thành, Hà Nội, người đi bộ cũng vô cùng bức xúc vì đường đã nhỏ, vỉa hè đã bé lại còn bị các cửa hàng buôn bán đồ gỗ lấn chiếm. Người đi bộ phải len lỏi qua các dòng phương tiện để sang đường hay đi bộ dưới lòng đường. Tình trạng tương tự cũng diễn ra trên hầu khắp các tuyến phố cổ hay các con phố: Bà Triệu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… ở quận Hà Đông.

Tại TP HCM, trên những con đường rộng như: Huỳnh Thúc Kháng (quận 1) hay hẹp như Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh), vỉa hè đều bị chiếm giữ làm nơi buôn bán, để xe. Quanh chợ Bến Thành, vỉa hè bị các quán giải khát, hàng ăn, tiệm sửa đồng hồ, quầy lưu niệm… bịt kín. Khúc giao giữa đường Huỳnh Thúc Kháng với đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đến Hồ Tùng Mậu cũng bị các bãi giữ xe máy “bủa vây”.

Cùng chung “số phận”, các đường: Lê Lai, Thủ Khoa Huân, Cống Quỳnh, Phan Bội Châu… cũng bị hàng nghìn xe máy “nuốt trọn”. Chỉ riêng ở quận 1, chúng tôi có thể kể ra hàng loạt những con đường mà vỉa hè và lòng đường bị “xâm hại” nghiêm trọng như: Đường Nguyễn Thái Bình, Lê Thị Hồng Gấm, Ký Con, Pasteur, Tôn Thất Đạm, Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Sương Nguyệt Ánh, Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Văn Tráng…

Chị Nguyễn Thị Nhung, nhân viên văn phòng ở phường Bến Nghé, quận 1 cho biết: “Đường Huỳnh Thúc Kháng, Pasteur đều một chiều, có nhiều phương tiện lưu thông với tốc độ cao. Vẫn biết dưới lòng đường là nguy hiểm nhưng đâu còn cách nào khác để chúng tôi lựa chọn”.

Cùng chuyên mục
XEM