Lấy ý kiến về dự án Luật phá sản (sửa đổi)

05/03/2014 15:22 PM |

Các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) đã tránh được khuynh hướng hình sự hóa việc phá sản của Luật hiện hành.

Sáng nay (5/3), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức hội thảo lấy ý kiến về một số nội dung của dự án Luật phá sản (sửa đổi)

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng Dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) đã tránh được khuynh hướng hình sự hóa việc phá sản của Luật hiện hành. Với những sửa đổi cơ bản, Luật phá sản có cái nhìn mới về việc phá sản đối với quyền lợi của doanh nghiệp, các bên liên quan cũng như với cơ quan thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, để Luật sửa đổi mang tính thực tiễn cao, chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, ông Justin Yap cho rằng: phá sản phải dựa trên nguyên tắc tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, nhằm trợ giúp doanh nghiệp có khả năng tái cơ cấu để tiếp tục sản xuất, kể cả khi cần thanh lý cũng cần tối đa hóa giá trị từ việc thanh lý tài sản. Do vậy vấn đề quy định về quản tài viên (người quản lý tài sản phá sản) là hết sức quan trọng và cần được quy định chặt chẽ, khách quan.

Ông Justin Yap nói: “Để làm được yêu cầu như vậy có 2 điểm: thứ nhất là người quản lý tài sản phải được quy định của pháp luật trao quyền, đủ quyền hạn để có thể thực hiện được những kỳ vọng về trách nhiệm, nhiệm vụ của người quản tài viên. Để có thể thực hiện được và đặc biệt là có thể tạo ra được niềm tin, duy trì được niềm tin về quy trình phá sản đó là anh ta có năng lực cần thiết để có thể thực hiện được điều này và cũng phải có cơ chế giám sát đối với hoạt động của người quản lý tài sản phá sản”.


Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế, ông Justin Yap cho rằng: phá sản phải dựa trên nguyên tắc tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp

Một số đại biểu cũng cho rằng, các điều khoản trong Luật phá sản (sửa đổi) phải chặt chẽ để tránh việc khuyến khích, mở đường cho phá sản. Ông Vũ Xuân Tiền, Trưởng ban tư vấn và phản biện chính sách của Hội các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam góp ý với khoản 1 Điều 4 của Dự thảo giải thích: “Mất khả năng thanh toán là tình trạng doanh nghiệp, không thanh toán khoản nợ đến hạn khi chủ nợ yêu cầu”. Theo đó, giải thích này không chính xác, nếu sau khi Luật sửa đổi ban hành sẽ có hàng loạt đơn đề nghị yêu cầu các doanh nghiệp phá sản.

“Hiện nay, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ đến 35%, còn lại là vay. Vì vậy khả năng bị mất cân đối là tương đối nhiều. Mất cân đối dòng tiền chưa phải là đã bị phá sản, chỉ là chưa có đủ tiền trả thôi. Thứ 2 là mất khả năng thanh toán. Mất khả năng thanh toán chỉ xảy ra khi nếu bán toàn bộ tài sản doanh nghiệp theo giá trị thị trường nhưng vẫn không trả được các khoản nợ đến hạn. Chỉ trong trường hợp này, doanh nghiệp mới bị coi là lâm vào tình trạng phá sản”, ông Vũ Xuân Tiền nhấn mạnh

Ý kiến tại hội thảo là cơ sở cho việc tiếp thu giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét và thông qua vào kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII./.

Theo Nguyên Nhung

cucpth

Cùng chuyên mục
XEM