Thói quen hại con, ảnh hưởng đến tầm vóc người Việt

31/08/2016 10:56 AM | Sống

Sính sữa xách tay, cho con ăn thoả thích các thức ăn nhanh, nước ngọt... đang khiến trẻ em Việt Nam béo nhưng lùn, ảnh hưởng đến tầm vóc, sức bền trong tương lai của người Việt.

Nỗi lo từ sữa xách tay

Mới đây, Công ty sữa Meiji (Nhật) đã cảnh báo các loại sữa Meiji tại thị trường Việt Nam có thể là hàng giả. Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cũng đưa ra những khuyến cáo, người tiêu dùng tuyệt đối không nên tin tưởng vào hàng xách tay không có nhãn phụ Tiếng Việt, bao bì toàn ngoại ngữ.

PGS Lê Thị Hồng Hảo – Viện trưởng Viện kiểm nghiệm Thực phẩm Quốc gia cho biết, việc mua sữa xách tay của mẹ Việt không đảm bảo một chút nào.

Sữa xách tay, đặc biệt là một vài sữa nội địa Nhật Bản, nội địa Mỹ, nội địa Úc, nội địa EU… rất nhiều người nghĩ rằng sẽ tốt hơn sữa nhập khẩu dành cho thị trường Việt Nam.

Nhưng PGS Hảo cho biế,t không phải sữa nội địa của nước ngoài sẽ tốt cho trẻ em Việt Nam vì thực tế, bất cứ một công thức sữa nào xây dựng ra phải phù hợp với trẻ em của nước, đó từ khí hậu, thể lực, đặc biệt là môi trường sống của trẻ.

Nếu áp sữa nội địa Mỹ, Nhật Bản về cho Việt Nam hoàn toàn không ổn vì thể trạng của trẻ em Việt Nam hoàn toàn khác với trẻ nhỏ nước ngoài. Có lẽ vì điều này mà trẻ em Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi được tầm vóc thấp bé.

Ngoài ra, PGS Hảo còn cảnh báo việc không đọc được thông tin trên nhãn mác dẫn đến bỏ sót những thông tin quan trọng về một thành phần có trong sữa có thể gây dị ứng, pha sữa không đúng công thức khuyến cáo...

Ngoài ra, nguy cơ mua phải hàng trôi nổi, hàng giả, không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của trẻ.

Do đó, PGS Hảo khuyến cáo người tiêu dùng không nên lạm dụng sữa xách tay không rõ nguồn gốc để tiền mất, tật mang.

Gánh nặng kép

Những thói quen không có lợi về dinh dưỡng của trẻ nhỏ, PGS Lê Bạch Mai – Phó viện trưởng Viện Dinh Dưỡng quốc gia cho biết đây thực sự là vấn đề cần phải quan tâm.

Nhiều cha mẹ Việt tưởng rằng việc mình làm đang rất tốt cho trẻ mà quên đi rằng hiện nay trẻ em Việt đang phải gánh một thực trạng kép đáng báo động.

Chỉ cần nhìn vào những con số mỗi đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời đã mang trên mình 38 lít bia/năm, 53 lít nước giải khát/ năm là đủ thấy thể trạng của các con ra sao.

Nước ngọt, xúc xích, gà rán hầu như trẻ nào cũng thích, trong khi đó, theo PGS Mai, thức ăn này đều có hàm lượng chất béo và đường ngọt cao hơn khẩu phần chung. PGS Mai cho biết phụ huynh cần hiểu trẻ thừa cân béo phì là thừa về năng lượng, chứ không phải dư về dinh dưỡng.

Bản thân trẻ vẫn có nguy cơ thiếu hụt canxi, sắt, kẽm, mangan... và các loại vitamin cần thiết cho cơ thể. Chính vì thế, dù thừa cân nhưng trẻ vẫn không cao, mang theo nhiều bệnh tật trong tương lai như ung thư, tăng huyết áp, tiểu đường.

Theo PGS Mai, khảo sát của Viện Dinh dưỡng quốc gia năm 2015 cho thấy, tình trạng dinh dưỡng trẻ em đã được cải thiện đáng kể so với 30 năm trước. Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 52% năm 1985 xuống 14%; thể thấp còi 60% nay còn 25%. Mặc dù giảm, song con số này giảm chậm và vẫn ở mức cao, đang có có xu hướng chững lại. Tỷ lệ này có ảnh hưởng đến tầm vóc, sức bền trong tương lai của người Việt.

Trong khi đó, tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì có xu hướng gia tăng, cao gấp 9 lần so với năm 2000. Cụ thể, sau 15 năm, nhóm trẻ thừa cân béo phì đã tăng từ 0,6% (năm 2000) lên mức 5,6% (năm 2015).

Tại các thành phố lớn, tỷ lệ trẻ béo phì có xu hướng cao hơn, TP.HCM lên tới 10,6% và là địa phương có tỷ lệ trẻ thừa cân béo phì cao nhất cả nước; Hà Nội con số này là trên 6%. Trong khi đó, mức tỷ lệ béo phì mà chúng ta đề ra chỉ có 5%. Đây thực sự là gánh nặng chứ không phải niềm tự hào.

Theo P.Thuý

Cùng chuyên mục
XEM