Thời đại hoàng kim của kháng sinh đã qua, trước mắt sẽ là cơn ác mộng với loài người

26/03/2016 13:32 PM | Kỹ năng

Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới.

Năm 1928, penicillin, loại kháng sinh đầu tiên được tìm ra bởi một nhà sinh học người Scotland, Alexander Fleming. Ông được coi là người đã mở ra kỷ nguyên vàng của kháng sinh trong y học. Nó được gọi là thần dược của tây y, khi đã cứu hàng triệu người bệnh mỗi năm khỏi cái chết gây ra bởi nhiễm khuẩn.

Tuy nhiên, câu chuyện tuyệt vời ấy dường như đang đi đến hồi kết. Sau hơn 70 năm kháng sinh được đưa vào y học, thời đại hoàng kim của nó đã không còn được duy trì. Có hàng triệu người đã chết mỗi năm trong thời đại chưa có kháng sinh, và rồi sẽ là một con số tương tự trong những năm sắp tới. Cơn ác mộng này mang tên "kháng kháng sinh", và xuất phát từ chính sự lạm dụng thuốc của con người.

Kháng kháng sinh là gì?

Kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh hay vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng không những tồn tại mà còn sinh sản ra những thế hệ vi khuẩn mới, cũng có đặc tính kháng thuốc và hóa chất điều trị nhiễm trùng.

Một chủng vi khuẩn có thể phát triển đế chống lại từ một cho đến hàng chục loại thuốc kháng sinh khác nhau. Khi đó, bệnh nhiễm trùng trở nên khó khăn hoặc thậm chí không thể điều trị. Trong một vài trường hợp, bệnh nhân có thể phải trải qua phẫu thuật cắt bỏ, hoặc thậm chí tử vong vì kháng kháng sinh.

Tại sao kháng kháng sinh là một cơn ác mộng với loài người?

Nếu bạn quay lại trước những năm 1943, khi thuốc kháng sinh chưa xuất hiện, mọi cái chết xung quanh chúng ta không đến từ ung thư hay bệnh tim mạch. Con người sẽ chết vì các vết thương khi bị ngã, trúng đạn, tai nạn lao động… Phần lớn những vết thương dẫn đến nhiễm trùng và kết thúc cuộc sống của một ai đó.

Tuy nhiên, tất cả thay đổi sau khi Fleming tìm ra penicillin. Nhiễm trùng được coi là án tử, đột nhiên lại có thể chữa trị chỉ sau "một cái búng tay" với kháng sinh. Giống như một phép lạ vậy, điều đó mở ra một kỷ nguyên vàng son cho thuốc tây y. Những viên kháng sinh được coi là thần dược.

Cho tới nay, đã hơn 70 năm trôi qua, và chúng ta nghi ngờ rằng có mấy khi một thời kỳ vàng son của điều gì có thể kéo dài đến vậy. Chẳng còn sớm nữa để nghĩ về sự sụp đổ của thời đại kháng sinh, khi vi khuẩn đang ngày càng kháng thuốc :


Những năm 1943, thuốc kháng sinh được coi là phép màu.

Những năm 1943, thuốc kháng sinh được coi là phép màu.

Nói về một nền văn minh hiện đại, chúng ta hay tưởng tượng đến nhà máy điện, máy vi tính, thiết bị cầm tay… Nhưng mấy ai biết rằng kháng sinh là một trong những trụ cột đang chống đỡ thế giới ấy. Nếu thời đại kháng sinh sụp đổ, nền văn minh sẽ rung chuyển như thế nào?

Đầu tiên, chúng ta sẽ mất hết lá chắn phòng vệ cho những người có hệ miễn dịch yếu. Họ bao gồm bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV, trẻ em đẻ non… Điều này đồng nghĩa với cái chết của tất cả những con người này.

Tiếp đến, kỹ thuật phẫu thuật của loài người bị vô hiệu hóa. Nhiều ca phẫu thuật được yêu cầu sử dụng kháng sinh phòng ngừa. Khi kháng sinh mất tác dụng, phòng phẫu thuật của bệnh viện như không có mái che.

Chúng ta sẽ không thể mổ tim, ghép thận, đưa ống thông cho bệnh nhân đột quỵ… Chúng ta không thể phẫu thuật dù chỉ đơn giản là chỉnh lại khớp gối. Không thể đẻ mổ, và dù cho trong những bệnh viện hiện đại nhất, cứ 100 sản phụ sẽ có 1 người tử vong.


Kháng kháng sinh dẫn đến sự thất bại trong điều trị nhiễm trùng.

Kháng kháng sinh dẫn đến sự thất bại trong điều trị nhiễm trùng.

Nhiễm trùng gây ra nỗi sợ hãi từ những bệnh tầm thường. Viêm họng liên cầu gây suy tim. Viêm phổi giết chết 3 trong 10 trẻ em mắc bệnh. Nhiễm trùng da đồng nghĩa với phẫu thuật cắt bỏ chi. Hãy nhớ lại trường hợp đầu tiên được điều trị penicillin. Albert Alexander trước đó đã mất một con mắt trong tình trạng da đầu rỉ mủ, chỉ bắt đầu từ việc bị gai xước vào mặt trong khi làm vườn.

Rồi thì bạn còn dám làm gì nữa khi mà bất cứ tổn thương nào cũng có thể giết người. Bạn có dám đi xe máy, trượt patin, trèo thang để sửa mái nhà hay đặt con bạn chơi đùa dưới sàn nhà?

Bao giờ thì những điều này xảy ra?

Bạn có giật mình không khi biết rằng chúng ta đã ở trong cơn ác mộng này rồi?

Cho tới ngày hôm nay, loài người có trong tay trên dưới 100 loại kháng sinh. Con số không khác biệt là mấy từ những năm đầu thế kỷ 21. Nhưng năm 2000, một bệnh nhân người Mỹ đầu tiên được Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh và Phòng ngừa Hoa Kỳ (CDC) xác nhận kháng tất cả các kháng sinh, chỉ trừ hai loại.

Năm 2008, các bác sĩ Thụy Điển phải đối mặt với trường hợp một bệnh nhân Ấn Độ nhiễm trùng mà kháng toàn bộ kháng sinh chỉ trừ 1 loại.


10 triệu người sẽ chết mỗi năm vì kháng kháng sinh vào năm 2050.

10 triệu người sẽ chết mỗi năm vì kháng kháng sinh vào năm 2050.

Nhưng bạn đừng nghĩ đó chỉ là những trường hợp đơn lẻ. Mỗi năm, riêng Hoa Kỳ và Châu Âu có khoảng 50.000 người chết vì nhiễm trùng mà không có thuốc chữa. Một dự án được tài trợ bởi chính phủ Anh mang tên “Chương trình Đánh giá Kháng kháng sinh” ước tính tổng số ca tử vong loại này trên thế giới là 700.000 người mỗi năm. Năm 2050, con số sẽ lên đến 10 triệu ca với tốc độ kháng kháng sinh phát triển như hiện nay.

Bỏ qua những con số, bạn cũng có thể biết được cơn ác mộng đã đến với chính mình và người thân. Thời gian trước đây, triệu chứng tiểu buốt do nhiễm trùng đường tiết niệu có thể chữa khỏi hoàn toàn bằng một đơn kháng sinh ngắn ngày. Bây giờ, bạn có thể phải dùng đến vài ba loại thuốc.

Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng con bạn có nguy cơ nằm trong 25% trẻ em nhiễm trùng đường tiết niệu phải sử dụng 3 loại kháng sinh khác nhau. 25% còn lại phải điều trị với 2 loại thuốc và chỉ còn một nửa trẻ em có thể trị khỏi bằng một loại thuốc duy nhất.

Ngày 30 tháng 4 năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố trong một báo cáo rằng nhân loại thực sự đang ở trong cơn ác mộng của kháng kháng sinh. Nó là một mối đe dọa nghiêm trọng và thách thức y học trong thời điểm này. WHO nói “không hành động ngay hôm nay, tương lai chúng ta sẽ chẳng còn thuốc chữa bệnh”.

Fleming đã biết trước mọi thứ


Alexander Fleming, người mở đường cho thời kỳ vàng của tây y với kháng sinh.

Alexander Fleming, người mở đường cho thời kỳ vàng của tây y với kháng sinh.

Alexander Fleming, nhà sinh học người Scotland được coi là cha đẻ của kháng sinh khi ông phát hiện ra penicillin vào năm 1928. Năm 1943, những liều penicillin thương mại đầu tiên được tung ra. Hai năm sau đó, Fleming nhận giải Nobel cho phát hiện của mình.

Nhưng ngay trong buổi phỏng vấn sau đó, ông đã cảnh báo đến viễn cảnh không vui khi vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. “Những người lạm dụng penicillin ngày hôm nay, họ phải chịu trách nhiệm cho cái chết của những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng penicillin sau này”, Flenming nói. “Tôi hy vọng điều nguy hiểm này có thể được kiểm soát”.

Và rồi đúng như vậy. Năm 1943, penicillin được tung ra thì năm 1945, vi khuẩn kháng penicillin xuất hiện. Con người lại đi tìm những loại kháng sinh mới. Năm 1972, vancomycin được điều chế, kháng vancomycin xuất hiện năm 1988.

Imipenem ra đời năm 1985 thì đến năm 1998, kháng imipenem xuất hiện. Một trong những loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, daptomycin ra đời năm 2003 thì chỉ 1 năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó.

Điều này được ví như trò chơi nhảy cừu. Thuốc ra đời, vi khuẩn kháng nó và rồi chúng ta lại đi tìm loại thuốc mới. Nhưng có vẻ như loài người đang hụt hơi khi mà một chủng vi khuẩn mới sinh ra cứ mỗi 20 phút, các công ty dược phẩm thì cần đến cả thập kỷ đế nghiên cứu một loại kháng sinh.

Chúng ta có thể làm gì?

Trước hết, hãy nói về nguyên nhân tại sao vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc. Xét dưới góc độ tế bào, nó là việc vật chất di truyền DNA của vi khuẩn được biến đổi để: tránh sự xâm nhập của kháng sinh vào chúng, giúp vi khuẩn tổng hợp enzyme gây bất hoạt hoặc phân hủy kháng sinh, thay đổi con đường chuyển hóa và chúng thải được kháng sinh ra khỏi tế bào.


Con người đã và đang lạm dụng thuốc kháng sinh.

Con người đã và đang lạm dụng thuốc kháng sinh.

Bỏ qua những điều phức tạp này, bạn nên biết đến chính con người đã tiếp tay cho vi khuẩn biến đổi gen của chúng. Đó là những hành động được gọi chung cái tên: lạm dụng thuốc kháng sinh.

Bạn có bao giờ dùng kháng sinh để điều trị bệnh cúm mà không biết nó gây ra bởi virus chứ không phải vi khuẩn? Bạn có bao giờ tự ý giảm liều lượng hay thời gian điều trị kháng sinh của bác sĩ xuống một nửa mà không biết điều đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sống sót và tạo gen kháng thuốc?

Rồi khi chúng ta sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thú y, sản xuất nông nghiệp và ngư nghiệp, đó là điều kiện cho những vi khuẩn ở động vật kháng thuốc rồi ảnh hưởng tới cả con người. Sử dụng chất diệt khuẩn trong lau rửa thường xuyên cũng tạo ra những dòng vi khuẩn kháng thuốc.

Cho tới nay, kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề toàn cầu chỉ bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt nhưng ai cũng làm thường xuyên như vậy. Những giải pháp toàn cầu cũng sẽ phải được đặt ra. Có thể là chúng ta nên nghiêm cấm hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và ngư nghiệp. Thiết lập một cổng kiểm soát kê đơn kháng sinh để tránh lạm dụng bừa bãi hay xây dựng hệ thống giám sát cảnh báo kháng thuốc sắp xảy ra…

Nhưng rồi đó là những điều quá to lớn và cần một nguồn tài trợ không hề nhỏ. Tại sao chúng ta không bắt đầu bằng những hành động của từng cá nhân?


Mỗi cá nhân cần hành động để chống lại vi khuẩn kháng thuốc.

Mỗi cá nhân cần hành động để chống lại vi khuẩn kháng thuốc.

Bằng cách đọc bài viết này, bạn cũng đã góp phần vào nguy cơ giảm kháng kháng sinh xảy ra trong tương lai. Nếu bạn thực sự muốn chung tay cùng nhân loại chiến đấu trong cơn ác mộng chung, dưới đây là một số khuyến cáo mà nên được thực hiện và chia sẻ với mọi người:

1. Đừng bao giờ tự ý sử dụng kháng sinh. Ví dụ như bệnh cúm thông thường do virus, bạn có uống kháng sinh cũng không thể hiệu quả được.

2. Nói chuyện với bác sĩ nếu họ kê đơn kháng sinh cho bạn. Hãy hỏi họ xem liệu có thể điều trị ngoài kháng sinh hay không? Và nếu bắt buộc, loại kháng sinh đó có phù hợp với cơ thể bạn?

3. Tuân thủ nghiêm ngặt liều và thời gian điều trị với kháng sinh của bác sĩ, ngay cả khi bạn nghĩ mình đã tốt hơn hoặc đã khỏi bệnh. Giảm liều hay dừng điều trị sớm tạo điều kiện cho vi khuẩn tồn tại kháng thuốc và tái nhiễm.

4. Đừng tiết kiệm kháng sinh đã điều trị ở đợt trước để dùng lại. Vứt bỏ chúng, bởi lần sau có lẽ chúng sẽ mất tác dụng.

5. Cùng một bệnh nhưng đừng sử dụng đơn thuốc của người khác. Như đã nói không phải kháng sinh nào cũng phù hợp với bạn.

6. Bỏ ngay thói quen yêu cầu bác sĩ kê kháng sinh cho mình. Họ là những người có kinh nghiệm và nếu bạn không có dấu hiệu nhiễm trùng, điều trị các triệu chứng với thuốc ngoài kháng sinh là đủ.

Cùng chuyên mục
XEM