Thỏa thuận đột phá và kỳ vọng lớn tại Hội nghị khí hậu COP26

12/11/2021 10:00 AM | Xã hội

Ngày 10/11, Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) ở Glasgow (Anh) đã bước sang giai đoạn đàm phán mới khi bản dự thảo đầu tiên về tuyên bố chung được công bố sau hơn 1 tuần diễn ra.

Dự thảo là này là danh sách tất cả cam kết và nguyện vọng của các quốc gia tham gia do nước chủ nhà COP26 tổng hợp lại. Phiên bản cuối cùng sẽ được công bố sau các cuộc đàm phán và nhất trí giữa phái đoàn đại dịện các nước trong 2 ngày tới.

Đáng chú ý, tại hội nghị lần này, Mỹ và Trung Quốc bất ngờ thông báo đạt được thỏa thuận chung về biến đổi khí hậu. Theo đó, 2 quốc gia phát thải lớn nhất thế giới cam kết sẽ xây dựng các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo thỏa thuận mang tên "Tăng cường hành động vì khí hậu trong những năm 2020", được công bố ngày 10/11, Mỹ và Trung Quốc thừa nhận mức độ nghiêm trọng, cấp bách của cuộc khủng hoảng khí hậu”, đồng thời cam kết tăng cường hợp tác chống biến đổi khí hậu.

Hai bên nhất trí thúc đẩy nỗ lực cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính, ngăn chặn nạn phá rừng bất hợp pháp, thành lập một nhóm làm việc chung về khí hậu. Nhóm này sẽ nhóm họp vào nửa đầu năm 2022. Mỹ và Trung Quốc cũng khẳng định cam kết cùng làm việc nhằm đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C đề ra trong Hiệp định Paris.

Thỏa thuận nói trên không chỉ đánh dấu sự hợp tác hiếm hoi giữa 2 cường quốc luôn đối đầu và cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực mà còn làm thay đổi bầu không khí ở Glasgow- nơi các nhà đàm phán đang tiến hành những cuộc thảo luận đầy căng thẳng về cách thức đẩy nhanh các biện pháp nhằm kiềm chế sự ấm lên toàn cầu. Trước đó vào năm 2015, một thỏa thuận song phương giữa Mỹ và Trung Quốc đã mở đường cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mang tính bước ngoặt.

Ông Nick Mabey, Giám đốc điều hành tổ chức E3G, chuyên nghiên cứu về biến đổi khí hậu nhận xét: “Mỹ và Trung Quốc đã gửi đi tín hiệu rằng hai bên sẽ chấm dứt cuộc khẩu chiến gay gắt trong thời gian qua. Điều đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng”. Đáng chú ý, động thái này diễn ra trước thềm Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến diễn ra vào tuần tới.

Phát biểu với báo chí, Đặc phái viên khí hậu của Trung Quốc Giải Chấn Hoa nhấn mạnh: “Việc đạt được thỏa thuận chung một lần nữa cho thấy sự hợp tác là lựa chọn duy nhất của cả Mỹ và Trung Quốc. Bằng cách làm việc cùng nhau, hai bên có thể đạt được những mục tiêu quan trọng không chỉ đối với riêng mỗi nước mà còn với cả thế giới”. Về phần mình, Đặc phái viên khí hậu Mỹ John Kery cho biết, ông “hài lòng” về thỏa thuận hợp tác nói trên”.

Lần đầu tiên đề cập nhiên liệu hóa thạch

Dự thảo tuyên bố chung khẳng định sự cần thiết phải hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1.5 độ C. Nếu được thông qua, đây sẽ là thắng lợi lớn đối với COP26 do một số quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất trên thế giới đến nay vẫn ngần ngại cam kết thực hiện mục tiêu này.

Dự thảo cũng yêu cầu chính phủ các nước “đẩy nhanh việc loại bỏ than và cắt giảm trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch”. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên vì cho đến nay, chưa có hiệp định COP nào đề cập cụ thể đến nhiên liệu hóa thạch. Alden Meyer, một chuyên gia cấp cao tại E3G cho biết: “Thật vô lý khi chúng ta phải trả hàng trăm tỷ USD tiền thuế mỗi năm để khuyến khích sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Quy tắc đầu tiên của việc ra khỏi một chiếc hố là hãy ngừng đào đất. Thế nhưng chúng ta đang khiến chiếc hố này trở nên sâu hơn bằng cách trả tiền cho những người gây ô nhiễm và sử dụng nhiều carbon hơn”.

Tuy vậy, không có gì đảm bảo điều khoản này sẽ nhận dược sự ủng hộ trong 2 ngày đàm phán tiếp theo. Alden Meyer dự đoán rằng sẽ có một cuộc tranh cãi gay gắt trước khi các bên thống nhất về văn bản cuối cùng”.

Mong muốn thay đổi trong ngành công nghiệp ô tô

Trong một tuyên bố ngày 10/11, Anh – nước chủ nhà của Hội nghị COP26 muốn chính phủ các nước cùng các nhà sản xuất và nhà đầu tư “nỗ lực hướng tới việc bán các loại xe ô tô không phát thải trên toàn cầu vào năm 2040. Đối với các thị trường hàng đầu, nỗ lực này cần được thực hiện trước năm 2035”.

Nhưng đề xuất đó đã không được một số quốc gia hoan nghênh. Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ không ký vào bản tuyên bố. Đại diện của các tập đoàn sản xuất ô tô lớn như Toyota, Volkswagen, BMW và Nissan cũng từ chối tham gia. Bộ trưởng Môi trường Đức Jochen Flasbarth ngày 10/11 nói rằng Đức và các quốc gia khác "có thể đã ký" tuyên bố nếu Anh không đặt ra "rào cản không cần thiết", đề cập đến việc thỏa thuận không tính đến nhiên liệu tổng hợp.

Trước đó, một số ông lớn trong ngành công nghiệp ô tô đã dội gáo nước lạnh vào ý tưởng cho rằng COP26 có thể là khởi đầu cho sự kết thúc của kỷ nguyên sử dụng động cơ đốt trong gây phát thải lớn.

Khoảng cách giàu nghèo

Dự thảo tuyên bố chung COP26 có thể chưa đưa ra đủ những giải pháp để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong bối cảnh khoảng cách giữa nước giàu với nước nghèo ngày càng lớn, Giám đốc Văn phòng Điều phối các vấn đề Nhân đạo của Liên Hợp quốc Hansjoerg Strohmeyer lưu ý.

“Mức tài trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất vẫn còn thấp, trong khi việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo vẫn ở mức độ giới hạn. Khi nhiệt độ trên toàn cầu gia tăng, nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cũng tăng theo và hầu hết là ở nước nghèo”.

Dự thảo nêu rõ sự cần thiết phải tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm cho các nước phát triển. Đây là cam kết mà các nước giàu nhất thế giới đưa ra cách đây một thập kỷ. Tuy vậy, kế hoạch cụ thể vẫn chưa rõ ràng.

Chủ tịch COP26 Alok Sharma bày tỏ hy vọng “văn bản gần như cuối cùng” sẽ sớm được công bố và nhấn mạnh thỏa thuận của hội nghị sẽ định hướng tương lai cho các thế hệ mai sau./.

Hồng Anh

Cùng chuyên mục
XEM