‘Việt Nam vô địch’ nhìn từ học thuyết hồi quy trung bình

11/11/2021 17:12 PM | Xã hội

Vinh quang là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi. Hãy vững niềm tin, bền ý chí.

Hoàng đế nổi tiếng nước Pháp Napoleon Bonaparte đã từng nói: "Vinh quang chỉ là thứ thoáng qua, nhưng sự vô danh thì tồn tại mãi mãi".

Ý nghĩa của câu nói này ám chỉ đời người bao giờ cũng sẽ có những phút chốc vinh quang như giành chức vô địch, được khen thưởng hay có phong độ xuất thần cao hơn so với ngày thường. Thế nhưng những thời điểm đó chỉ là thoáng qua và mọi thứ lại trở về bình thường như ban đầu. Rồi mọi người sẽ lãng quên tất cả và sự vô danh sẽ luôn trở lại. Đời người có thể có vài lần vinh quang hoặc chẳng có sự tích gì, nhưng sự vô danh thì luôn tồn tại.

‘Việt Nam vô địch’ nhìn từ học thuyết hồi quy trung bình - Ảnh 1.

Câu nói của Napoleon phản ánh rõ quan điểm vinh quang là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi khi dù có thắng thua, ở trên đỉnh sự nghiệp hay dưới đáy của thất bại thì nền tảng bản chất của một người hoặc bất kỳ sự vật nào cũng khó thay đổi. Một đội bóng có thể thắng thua, nhưng lối chơi, đẳng cấp của họ sẽ chẳng mất đi chì vì những trận nhất thời.

Tương tự cuộc đời một con người cũng có thể "lên voi xuống chó", nhưng bản lĩnh, kinh nghiệm, tính cách và kỹ năng của họ sẽ khó lòng biến mất.

Xét trên về mặt lý thuyết thuật học, câu nói trên phù hợp với quan điểm "hồi quy về giá trị trung bình" được nhà thống kê Francis Galton nêu ra vào cuối những năm 1800 khi nghiên cứu mối quan hệ chiều cao trẻ với cha mẹ chúng.

"Vô địch" nhìn từ thống kê học

Năm 1886, Galton đã thực hiện nghiên cứu rồi phát hiện ra quy luật thú vị. Ông nhận thấy những cặp gia đình có bố mẹ cao thì con thường thấp và ngược lại. Tất nhiên nghiên cứu này không hoàn hảo do còn bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nhưng chính từ đó mà Galton đã đề ra được thuyết hồi quy về giá trị trung bình (Regression Toward the Mean-RTM).

Thuyết hồi quy về giá trị trung bình đề cập đến ý tưởng rằng các sự kiện hiếm khi xảy ra thường được theo sau bởi một sự kiện bình thường hơn. Theo thời gian, các kết quả này sẽ hồi quy tại điểm giá trị trung bình.

Trong thống kê học, sự hồi quy về mức bình quân (Regression toward the mean) là một lý thuyết có thể dùng để giải thích cho sự sa sút phong độ của các vận động viên có thành thích tốt trong năm đầu tiên. Thông thường các đội tuyển hay vận động viên sẽ có giai đoạn thi đấu tốt và giai đoạn xuống phong độ. Tuy nhiên nhìn chung đẳng cấp của họ sẽ không mất đi nếu không có đột biến.

‘Việt Nam vô địch’ nhìn từ học thuyết hồi quy trung bình - Ảnh 2.

Thống kê chiều cao của con trẻ liên quan đến chiều cao của bố mẹ

Lý thuyết này cũng có thể áp dụng cho các nhân viên có phong độ thất thường.

Giả sử trong một môi trường mà các yếu tố khác không đổi, các nhân viên sẽ có tuần làm việc tốt và có tuần làm việc kém hơn so với mức trung bình. Dù nhận được lời khen hay chỉ trích thế nào từ sếp thì họ cũng sẽ làm tốt hơn so với tuần kém và bị giảm sút phong độ so với tuần làm tốt.

Nói một cách đơn giản nếu năm ngoái bộ phận của bạn tăng trưởng 100% thì năm nay bạn khó lòng giữ được đà đi lên này nếu không thể gia tăng gấp 3-4 lần hiệu quả công việc thêm nữa. Dù gì thì nhân viên không phải máy móc và nếu không có thêm nguồn lực, việc giữ đà tăng trưởng cao liên tục hầu như bất khả thi trong bối cảnh thị trường không có đột biến.

Ngược lại nếu bộ phận của bạn giảm sâu trong năm ngoái thì năm nay nếu giữ được hiệu suất làm việc bình thường, bạn có thể tăng trưởng tốt trở lại bất kể sếp có chỉ trích hay khen thưởng gì đi chăng nữa.

Lý thuyết sự hồi quy về mức bình quân khiến nhà quản lý khiển trách nhân viên hiểu lầm rằng thành tích của họ được cải thiện nhờ vào sự nghiêm khắc của mình, trong khi những nhà quản lý rộng lượng lại cho rằng việc quá khoan dung đã khiến hiệu suất công việc đi xuống.

Vững niềm tin, bền ý chí

Lý thuyết RTM đã được Galton đăng trên bài báo năm 1886 với nhan đề "Sự hồi quy về giá trị trung bình trong vóc người di truyền", qua đó giải thích bằng các số đo của thế hệ con cháu kế tiếp nhau trong chiều cao.

Tuy nhiên cho đến tận khi tác giả Daniel Kahneman, người từng đoạt giải Nobel kinh tế năm 2002 xuất bản cuốn sách "Tư duy nhanh và chậm" thì lý thuyết sự hồi quy về mức bình quân mới được nhiều doanh nhân chú ý tới.

Trong cuốn sách, chuyên gia kinh tế Kahneman đã đưa ra nhiều ví dụ thực tế cho thấy nhân viên, vận động viên hay bất kỳ ai cũng có phong độ thất thường và rất khó lòng ổn định được năng suất như một cái máy.

‘Việt Nam vô địch’ nhìn từ học thuyết hồi quy trung bình - Ảnh 3.

Tác giả Daniel Kahneman

Tác giả Kahneman đã làm thí nghiệm và chứng minh rằng các sĩ quan chỉ huy đã quở trách nhầm binh lính của họ khi thành tích kém bởi trước đó những người lính này đã được thưởng bởi một thành tích tiến bộ.

Theo Kahneman, cái gọi là vận may, cơ hội, phong độ và hiệu suất làm việc của con người không thể tồn tại mãi mãi bởi vậy chúng thường gây ra những hiểu lầm không đáng có cho cổ động viên, quan chỉ huy hay những người lãnh đạo.

Với thể thao mà đặc biệt là bóng đá, lý thuyết RTM có thể thấy rõ qua rất nhiều ví dụ và đương nhiên chúng thường gây hiểu lầm cho truyền thông cũng như vận động viên khi cầu thủ hay đội nhà vô địch hoặc thất bại. Bởi vậy thay vì chỉ trích hay khen ngợi thái quá, có lẽ cái mà các vận động viên hay đội tuyển cần là sự tin tưởng mãi mãi của người hâm mộ về đẳng cấp của họ.

Huyền Băng

Cùng chuyên mục
XEM