Thọ Phát, Phú Mỹ... các đối thủ của bánh bao Kido là ai?

19/08/2016 17:00 PM | Kinh doanh

Thọ Phát được thành lập cách đây hơn một thập kỷ và đang bán các loại như bánh bao trứng cút, bánh bao trứng muối, bánh bao không nhân, há cảo, bánh giò…

Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Kido, trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 17/8 cho biết, công ty ông đã phát triển thêm mảng bánh bao và đối thủ chính là Thọ Phát. Vậy Thọ Phát là ai?

Trên thị trường bánh bao hiện nay, Thọ Phát đang là một trong những doanh nghiệp lớn nhất. Công ty này được thành lập hơn một thập kỷ và đang bán các loại như bánh bao trứng cút, bánh bao trứng muối, bánh bao không nhân, há cảo, bánh giò…

Trưởng thành từ một tiệm bánh nhỏ với các sản phẩm bánh bao được chế biến bằng phương pháp truyền thống nhằm phục vụ cho người dân địa phương, đến nay, sau 15 năm phát triển, bánh bao Thọ Phát đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường.

Thọ Phát có sản phẩm bánh bao đông lạnh bán trong nhiều siêu thị tại Việt Nam. Các sản phẩm của Thọ Phát được bán nhiều trên đường phố Sài Gòn.

Tuy có thể coi là dẫn đầu thị trường bánh bao nhưng Thọ Phát mới chỉ có 2 xưởng sản xuất tại TP HCM: 1 tại Bình Chánh, 1 tại quận 8.

Công ty Bánh bao Phú Mỹ cũng sản xuất và phân phối các sản phẩm bánh bao. Các sản phẩm của Phú Mỹ như bánh bao nhân xá xíu, bánh bao nhân khoai môn, nhân gà quay, nhân bò, bánh chay… được phân phối ở hệ thống siêu thị tại Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh… như Metro, BigC, Coop Mart, Hapromart, Fivimart, Intimex…

Phú Mỹ đi vào hoạt động năm 2005. Năm 2011, công ty này xây dựng một nhà máy sản xuất tại huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Ngoài ra, trên thị trường hiện nay còn có các thương hiệu khác như bánh bao Cả Cần, Sáu Sỹ, làng bánh bao 69…. Tuy nhiên, phương thức sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, truyền thống.

Kido với nguồn tài chính dồi dào, với kinh nghiệm làm bánh nhiều năm và am hiểu thói quen ẩm thực của Việt, ắt hẳn nắm rõ sự tiềm năng của thị trường này.

Thị trường tiềm năng, biên lợi nhuận 40%

Chia sẻ về lý do lấn sân sang bánh bao, ông Nguyên cho hay thị trường bánh bao còn rất tiềm năng, mức cạnh tranh thấp. Bánh kẹo sản xuất chủ yếu theo mùa vụ, chẳng hạn như Tết hoặc Trung thu nhưng bánh bao thì lúc nào cũng có nhu cầu. Bánh bao cũng là ngành có biên lợi nhuận cao, khoảng 40%.

Ông Nguyên cho biết thêm, bánh bao tung ra thị trường rất được hưởng ứng. Kido dựa trên vốn kinh nghiệm sẵn có và am hiểu thị trường Việt Nam để sản xuất ra sản phẩm này. Bánh bao sẽ được bán bên cạnh 60.000 tủ kem trên cả nước và trong các siêu thị. Kido sẽ cung cấp cho các cửa hàng tủ bảo quản bánh bao để đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Bánh bao bán tới đâu sẽ được hấp tới đó.

Kido đang tận dụng kem để bán bánh bao. Trước đây, người ta làm bánh bao chỉ để sử dụng trong ngày, nhưng nay sản phẩm của Kido có thể sử dụng trong nhiều ngày nhờ hệ thống cấp đông. “Giờ bánh bao đang rất chạy trên thị trường. Mỗi ngày sản xuất 120.000 chiếc mà không đủ bán. Cứ mỗi điểm bán kem bán được 10 cái bánh mỗi ngày, thì số bánh bao tiêu thụ của Kido đã là 600.000 chiếc”, ông Nguyên cho biết.

Tại buổi trao đổi, lãnh đạo Kido cũng cho hay công ty ông sẽ xuất khẩu loại bánh này. Tuy nhiên, trước mắt cần ổn định thị trường trước.

Hiện Kido đang đầu tư mạnh vào bánh bao bên cạnh kem và dầu ăn bằng cách xây dựng nhà máy. Kido đã có một nhà máy sản xuất bánh bao và kem ở ngoài Bắc và đang xây dựng 2 nhà máy tại Củ Chi, trong đó có một nhà máy bánh bao và một nhà máy làm kem.

Thế Trần

Cùng chuyên mục
XEM