Thiếu nhân sự trong nước trầm trọng, hàng loạt doanh nghiệp Úc chuyển sang tuyển lao động làm việc từ xa tại Việt Nam

04/07/2021 11:37 AM | Kinh doanh

Vừa qua, một doanh nghiệp có trụ sở ở Melbourne đã tuyển dụng hơn 350 nhân sự làm việc từ xa tại TP. HCM cho các doanh nghiệp Australia. Dự kiến xu hướng này sẽ ngày càng trở nên gia tăng khi việc thuê gia công tại Việt Nam đang giúp doanh nghiệp Australia tiết kiệm được "khoảng từ 30% đến 70%" chi phí lương, kể cả sau khi đã tính các chi phí bổ sung vào.

Trong bối cảnh biên giới của Australia vẫn tiếp tục đóng cửa, hàng loạt doanh nghiệp nước này vẫn có thể tìm cách tuyển dụng nhân sự mới từ nước ngoài. Tình trạng thiếu hụt nhân sự có tay nghề cao tại quốc gia này đang ngày càng nghiêm trọng, trong khi xu hướng làm việc từ xa lại dần trở nên phổ biến. Điều này đã thúc đẩy thị trường lao động Đông Nam Á trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết trong mắt các nhà tuyển dụng.

Theo ông Jason Ritterman, Giám đốc AwayTeams (trụ sở tại Melbourne), mặc dù nhiều doanh nghiệp đã tuyển nhân sự tại các nước Đông Nam Á từ trước giai đoạn đại dịch Covid-19, nhưng đến nay xu thế này mới thực sự bùng nổ. AwayTeams là một doanh nghiệp outsourcing (thuê ngoài) tại Melbourne, Australia.

Đặc biệt, trong vòng một năm qua, quy mô nhân sự AwayTeams tuyển được cho các doanh nghiệp tại Australia đã tăng gấp 3 lần, ở mức hơn 350 nhân viên tại TP. HCM.

Ông Jason chia sẻ với Business Insider: "Bất kể là startup hay các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp đều muốn tuyển dụng nhân sự xung quanh khu vực trụ sở chính. Song, các doanh nghiệp đều phải vật lộn trong việc tuyển dụng nhân sự hoặc nhận thấy rằng chi phí thuê nhân sự tại khu vực quá cao, nhất là đối với các doanh nghiệp thuộc ngành IT".

 Thiếu nhân sự trong nước trầm trọng, hàng loạt doanh nghiệp Úc chuyển sang tuyển lao động làm việc từ xa tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, việc tuyển nhân sự ngành công nghệ đã khiến không ít doanh nghiệp gặp khó, khi mức lương nhân lực ngành này tăng quá nhanh, có lúc lên tới 6 con số. "Hôm trước tôi có nói chuyện với CEO của một doanh nghiệp IT lớn, và ông ấy nói rằng mức lương của một kỹ sư thời điểm 3 năm trước rơi vào khoảng 80.000 USD/năm. Thời điểm hiện tại, kỹ sư cùng vị trí và trình độ đang được trả 150.000 USD/năm", đại diện AwayTeams nói thêm.

Ông Jason Ritterman ước tính, việc thuê gia công tại Việt Nam đang giúp doanh nghiệp Australia tiết kiệm được "khoảng từ 30% đến 70%" chi phí lương, kể cả sau khi đã tính các chi phí bổ sung vào.

Chưa kể hiện nay, vấn đề không còn chỉ là tiền. Cứ 4 doanh nghiệp Australia thì có 1 doanh nghiệp cho biết họ không thể tìm được ứng viên phù hợp. Con số này thậm chí đang ngày một tăng cao khi mà số lượng các ứng viên có thể tuyển dụng dần giảm.

Một đại diện khác của AwayTeams, ông Aidan Wollner cũng cho hay: "Tôi từng cố gắng tìm kỹ sư điện toán đám mây AWS và chi ra 900 USD cho quảng cáo, rồi nhận được hồ sơ của 4 ứng viên. Sau đó thì tất cả họ đều không đạt yêu cầu. Và rồi tôi đưa ra thông tin tuyển dụng tại Việt Nam, 2 tuần sau tôi đã có ứng viên phù hợp".

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy xu hướng tuyển dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp Australia ngày càng mạnh mẽ hơn. Nhiều doanh nghiệp cũng đã phải xem xét kỹ lưỡng về bộ máy nhân sự của mình. Việc thuê người làm ở nước ngoài đã tồn tại nhiều thập kỷ qua, nhưng chủ yếu mới chỉ diễn ra đối với một số ngành tiếp thị từ xa, chứ không phải diễn ra trên diện rộng.

Founder của Empata, ông Tim Vorbach nhấn mạnh, nhiều quan niệm sai lầm của doanh nghiệp Australia giờ đây đã buộc phải thay đổi. Theo ông, những quốc gia như Philippines có rất nhiều yếu tố hấp dẫn, điển hình như nguồn nhân lực giỏi tiếng Anh, dễ thích nghi và chi phí thấp hơn rất nhiều.

"Tình trạng thiếu nhân lực đã tồn tại ở Australia trong thời gian dài và kể cả nếu biên giới các nước mở cửa trở lại, tình trạng này cũng không sớm được giải quyết", ông Tim khẳng định. Founder Empata kết luận, xu hướng thuê người lao động ở nước ngoài sẽ tiếp tục tồn tại, khi các chiến lược thuê nhân sự nước ngoài dần được các doanh nghiệp Australia áp dụng như một phần trong chiến lược kinh doanh.

Tham khảo: Business Insider

Hà Trần

Cùng chuyên mục
XEM