Thiếu khí đốt, châu Âu tìm cách sưởi ấm bằng nguồn năng lượng không ngờ

30/12/2022 13:55 PM | Kinh doanh

Châu Âu đang nghiên cứu cách tái chế điện dư thừa từ loạt các trung tâm dữ liệu tiêu hao năng lượng.

Thiếu khí đốt, châu Âu tìm cách sưởi ấm bằng nguồn năng lượng không ngờ - Ảnh 1.

Châu Âu đang nghiên cứu cách tái chế điện để tạo nhiệt sưởi ấm văn phòng và các hộ gia đình, theo WSJ. Động thái diễn ra trong bối cảnh một loạt các trung tâm dữ liệu ngốn điện đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về hiệu suất sử dụng, từ đó đặt áp lực lên vai các quan chức châu Âu trong việc chuyển lượng nhiệt dư thừa vào hệ thống sưởi ấm của thành phố.

Sau nhiều năm thảo luận về việc sử dụng nhiệt dư thay vì đơn giản thải bỏ, ngày càng có nhiều dự án “xanh” được hiện thực hóa. Cụ thể, trong năm qua, Amazon, Apple và Microsoft đã bắt đầu kết nối các trung tâm dữ liệu lớn với hệ thống sưởi cấp quận ở Ireland, Đan Mạch và Phần Lan. Google cũng cho biết đang lên kế hoạch tận dụng sức nóng từ các trung tâm dữ liệu trên khắp châu Âu để tạo điện mới.

Trong khi đó, Meta thu hồi nhiệt dư thừa từ trung tâm dữ liệu tại Odense, Đan Mạch, kể từ năm 2020. Công ty mẹ Facebook hiện đang mở rộng cơ sở trên, với mong muốn cung cấp đủ nhiệt để sưởi ấm cho khoảng 11.000 ngôi nhà vào năm tới. Các trung tâm khai thác dữ liệu khác cũng có động thái tương tự, đơn cử như Equinix với tham vọng mở rộng dự án tại Helsinki, Đức và một số quốc gia khác.

Tại Hà Lan, hiện đã có 10 trung tâm dữ liệu đã có thể cung cấp nhiệt, trong khi 15 dự án khác đang được xây dựng hoặc nghiên cứu, theo Hiệp hội Trung tâm Dữ liệu Hà Lan.

Theo các chuyên gia, đà tăng cao của giá năng lượng - hệ lụy từ tình trạng gián đoạn nguồn cung do xung đột Nga-Ukraine đã tạo động lực cho các công ty công nghệ đầu tư vào hệ thống xử lý lượng nhiệt dư thừa. “Một cách bất ngờ, hoạt động này trở nên sôi động hơn nhiều so với vài năm trước đây”, Stijn Grove, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Trung tâm Dữ liệu Hà Lan cho biết, đồng thời khẳng định áp lực đối với việc sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng được coi là động lực chính.

Thiếu khí đốt, châu Âu tìm cách sưởi ấm bằng nguồn năng lượng không ngờ - Ảnh 2.

Thiếu khí đốt, châu Âu tìm cách sưởi ấm bằng nguồn năng lượng không ngờ: Dữ liệu

Được biết, Liên minh châu Âu đang trong giai đoạn đàm phán cuối về hiệu quả năng lượng, yêu cầu nhiều công ty tiến hành nghiên cứu sử dụng lượng nhiệt dư để sưởi ấm văn phòng và các hộ dân. Chính quyền địa phương từ Pháp đến Đan Mạch cũng đã đưa ra nhiều ưu đãi thuế để thúc đẩy cuộc cách mạng xanh này.

“Ý tưởng cơ bản là tốt và hiện nó đang được mở rộng. Công ty tham gia vào một dự án thu nhiệt thải từ trung tâm dữ liệu Amazon ở Dublin và đang hợp tác với Microsoft để tái sử dụng nhiệt từ 2 trung tâm dữ liệu lớn tại Phần Lan”, Timo Piispa, phó Chủ tịch phụ trách hệ thống sưởi và làm mát của công ty năng lượng Fortum Oyj thuộc sở hữu nhà nước của Phần Lan, cho biết.

Trên toàn cầu, các trung tâm dữ liệu ước tính chiếm khoảng 1% lượng điện sử dụng, theo một bài báo năm 2020 trên tạp chí Science. Tuy nhiên, tại EU, các nhà hoạch định chính sách cho biết do mật độ cao các trung tâm dữ liệu, hiệu suất sử dụng đã tăng lên trong những năm gần đây.

Nghiên cứu từ ReUse Heat, một dự án do EU tài trợ nhằm thúc đẩy việc tái sử dụng nhiệt thải cho biết các trung tâm dữ liệu gần hệ thống sưởi của khu vực có thể cung cấp lượng nhiệt dư thừa khoảng 50 terawatt giờ mỗi năm. Theo dữ liệu từ Eurostat, con số này chiếm từ 2% đến 3% năng lượng mà các hộ gia đình EU đã sử dụng để sưởi ấm vào năm 2020.

Thiếu khí đốt, châu Âu tìm cách sưởi ấm bằng nguồn năng lượng không ngờ - Ảnh 3.

Amazon, Apple và Microsoft đã bắt đầu kết nối các trung tâm dữ liệu lớn với hệ thống sưởi cấp quận ở Ireland, Đan Mạch và Phần Lan.

Được biết trong ít nhất 1 thập kỷ qua, các công ty công nghệ đã sử dụng cách này để tiết kiệm năng lượng, từ đó đạt được các mục tiêu về khí thải. Tuy nhiên, bản thân các hệ thống tận dụng nhiệt dư thừa vẫn gặp một số khó khăn khi áp dụng vào thực tiễn.

Hầu hết máy móc tại các trung tâm dữ liệu đều đã được làm mát, vậy nên lượng nhiệt thải ra không đủ để sưởi ấm. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty công nghệ hoặc tiện ích phải lắp đặt thêm thiết bị để nhiệt gia tăng lên mức có thể sử dụng được. Theo các chuyên gia, các công ty năng lượng thường sẽ cam kết cung cấp nhiệt trong ít nhất 10 năm.

Một vấn đề lớn khác là các trung tâm dữ liệu phải ở gần lưới điện để đảm bảo nhiệt không bị tiêu tán.

“Chúng ta có trung tâm dữ liệu nhưng lại không thể sử dụng nó để sưởi ấm một tòa nhà hay một hồ bơi. Không phải lúc nào nhiệt cũng được sinh ra, trừ khi có cơ sở hạ tầng phù hợp gần đó”, Yannick Duport, Giám đốc quốc tế của Dalkia, công ty con của EDF SA, cho biết.

Thiếu khí đốt, châu Âu tìm cách sưởi ấm bằng nguồn năng lượng không ngờ - Ảnh 4.

Châu Âu đang nghiên cứu cách tái chế điện dư thừa từ loạt các trung tâm dữ liệu tiêu hao năng lượng.

Tại thị trấn Viborg của Đan Mạch, các quan chức địa phương đã thúc đẩy Apple kết nối một trung tâm dữ liệu rộng 45 nghìn mét vuông với mạng lưới nhiệt địa phương. Phía Apple cho biết họ đang làm việc với giới chức về cách sử dụng nhiệt từ nhà máy như một cách để thực hiện dự án năng lượng tái tạo.

“Áp lực đang gia tăng. Nếu có thể sử dụng nhiệt từ các trung tâm dữ liệu, chúng ta có thể tiết kiệm hóa đơn năng lượng và làm điều gì đó cho môi trường”, Niels Fuglsang, một thành viên Nghị viện Châu Âu, người đang dẫn đầu các cuộc đàm phán về luật tiết kiệm năng lượng, cho biết.

Ngoài tận dụng các trung tâm dữ liệu, châu Âu còn đang khai thác một nguồn năng lượng không ai nghĩ tới để sưởi ấm cho các ngôi nhà: nước lạnh được lấy từ đáy sâu biển Baltic.

Cụ thể, một công ty điện lực có tên Helen Oy sẽ hợp tác với nhà xây dựng Acciona SA của Tây Ban Ban nhà và doanh nghiệp hạ tầng cơ sở trong nước YIT Oyj để xây dựng một đường hầm lấy nước từ sâu dưới đáy biển. Nước sau đó sẽ được xử lý bằng các máy bơm nhiệt dưới lòng đất - một hệ thống tạo ra đủ nguồn nhiệt năng để phục vụ 40% người dân ở thủ đô Helsinki, Phần Lan. Đây được coi là bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo nhằm đáp ứng mục tiêu trung hoa carbon vào năm 2030 của chính phủ Helsinki.

Theo: WSJ



Vũ Anh

Cùng chuyên mục
XEM