Thiệt hại hàng tỷ USD vì hàng giả, các nhãn hàng xa xỉ tìm đến blockchain để xác thực sản phẩm
Cho đến nay đã có hơn 20 thương hiệu sử dụng Aura với hơn 17 triệu sản phẩm được đăng ký trên nền tảng blockchain này.
Hàng giả đang trở thành vấn đề lớn đối với các nhà thiết kế hàng cao cấp trên toàn cầu: chỉ riêng trong năm 2017, các thương hiệu xa xỉ mất đến 98 tỷ USD doanh số vì vấn nạn hàng giả.
Không chỉ làm mất lợi nhuận, rủi ro còn đến với danh tiếng của thương hiệu – đó là lý do tại sao nhiều thương hiệu đang tìm đến các công nghệ mới để bảo vệ sản phẩm, giá trị thương hiệu và người tiêu dùng của mình.
Đó là lý do tại sao dù đang là đối thủ của nhau, các tập đoàn xa xỉ phẩm như LVMH, Prada và Cartier vẫn đứng chung với nhau để lập nên Aura Blockchain Consortium, một nền tảng blockchain phi lợi nhuận để tạo nên "một bản sao kỹ thuật số" với các sản phẩm của những nhà thiết kế.
Nếu trước đây, mọi người thường chỉ biết đến blockchain qua các ứng dụng của nó trong lĩnh vực tiền mã hóa. Nhưng giờ đây, công nghệ sổ cái kỹ thuật số không thể chỉnh sửa này đã mang đến nhiều ứng dụng mới – và đây chính là điều Aura tận dụng để tạo nên một mã xác nhận đặc trưng giúp khách hàng đảm bảo rằng, sản phẩm mà họ mua là hàng chính hãng.
"Blockchain là một công nghệ đang tiến nhanh, và nó cũng thật sự phức tạp." Daniela Ott, tổng thư ký của Aura Blockchain Consortium. "Những gì Aura mang đến là làm blockchain trở nên dễ dàng đối với các thương hiệu xa xỉ."
Bà Ott cho biết, cho đến nay, đã có hơn 20 thương hiệu sử dụng phần mềm của Aura, với hơn 17 triệu sản phẩm được đăng ký trên nền tảng này. "Các thương hiệu này là đối thủ cạnh tranh trên mọi mặt trận, nhưng họ đang cộng tác với nhau trên công nghệ này để cùng di chuyển nhanh hơn về phía trước, theo cách an toàn nhất."
Bản sao kỹ thuật số cho các xa xỉ phẩm
Khi tạo ra "bản sao kỹ thuật số" của các sản phẩm vật lý này như giầy hoặc túi xách, phần mềm của Aura sẽ biên dịch các thông tin như chủng loạt và nguồn gốc vật liệu, địa điểm và thời điểm sản xuất, cũng như số lượng vào bên trong nó.
Theo bà Ott, việc xác thực kỹ thuật số này sẽ mang lại cho người tiêu dùng bằng chứng và khả năng bảo vệ chắc chắn hơn – tương đương với "lớp mã hóa theo tiêu chuẩn ngân hàng" và "không thể bị làm giả". Tuy vậy bà Ott cũng thừa nhận các giới hạn của blockchain – mức độ đáng tin cậy của thông tin tùy thuộc vào người nhập thông tin và rằng, "nếu thương hiệu không có mối quan hệ tốt với nhà cung cấp, blockchain sẽ không còn hữu ích."
Là một nền tảng blockchain riêng tư được xây dựng từ đầu, Aura hứa hẹn nền tảng này sẽ tiêu thụ ít năng lượng hơn các blockchain công khai. Bên cạnh đó, bà Ott cho biết, nền tảng này cũng cho phép các thương hiệu kiểm soát thông tin nào được chia sẻ nhằm giữ an toàn cho thương hiệu và người dùng.
Phần mềm dựa trên đám mây của Aura được ra mắt vào đầu năm 2022. Nhờ tính năng plug-in của công nghệ này, các thương hiệu có thể tích hợp nó vào trong quy trình hoạt động của mình mà "không cần biết gì về blockchain."
Công nghệ thời thượng
Aura không phải nền tảng duy nhất khi ngày càng nhiều thương hiệu thời trang khác đang tìm đến các công cụ blockchain. Audermars Piguet và Vacheron Constatin cũng đã tham gia vào nền tảng blockchain mã nguồn mở Arianee, trong khi kho lưu trữ ảnh của Karl Lagerfeld đang được xác thực trên nền tảng blockchain công khai của Lukso Network.
Không chỉ các thương hiệu, việc tạo ra các mã xác thực cũng là một yếu tố ngày càng quan trọng đối với những người buôn bán hàng xa xỉ phẩm đã qua sử dụng – một thị trường đang ngày càng nở rộ. Các nền tảng trực tuyến như Hardly Ever Worn It và Vestiaire Collective đều yêu cầu xác thực sản phẩm trước khi bán chúng – một quy trình nhiều bước liên quan đến cả kiểm tra vật lý và kỹ thuật số, Victoire Boyer Chammard, người đứng đầu bộ phận xác thực tại Vestiaire Collective.
"Hàng giả đã tồn tại nhiều thập kỷ nay và vẫn đang không ngừng phát triển." bà Chammard cho biết. Thông thường, nhóm của Vestiaire có khoảng 60 người để kiểm tra các tài liệu kỹ thuật số, bao gồm cả hình ảnh, trước khi kiểm tra từng món hàng. Theo bà Chammard, AI và blockchain sẽ giúp tăng tốc quá trình xác thực kỹ thuật số này, hỗ trợ cho việc con người hơn là thay thế họ trong quá trình xác thực này.
Theo bà Ott, không chỉ các sản phẩm thời trang, blockchain còn hữu ích trong các lĩnh vực khác, bao gồm cả nghệ thuật, mỹ phẩm, nước hoa và đồ nội thất cũng như cả các sản phẩm phức tạp hơn. Trong tương lai, sổ cái kỹ thuật số của blockchain còn giúp lưu trữ thông tin về việc bảo dưỡng và duy tu thiết bị, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí như xe cộ, giúp xác định giá trị sản phẩm tốt hơn khi bán lại chúng.
Đó là lý do vì sao nhà sản xuất ô tô Đức Mercedes-Benz cũng tham gia vào Aura với tư cách một trong các thành viên sáng lập và lên kế hoạch sử dụng nền tảng để khám phá các khả năng khác nhau của việc số hóa thương hiệu, ví dụ tạo ra các NFT cho những trải nghiệm nghệ thuật kỹ thuật số trong ô tô.
Tham khảo CNN