Vấn đề công bằng nơi công sở được nhìn nhận như thế nào?

22/01/2013 14:01 PM |

Mỗi cá nhân trong một xã hội đều mưu cầu sự công bằng. Nhưng thực tế mọi chuyện có công bằng 100%?

Ở cơ quan, cấp trên cho rằng quyết định đưa ra là công bằng, nhưng nhiều người cấp dưới lại đánh giá điều đó bất công. Nguyên nhân là do tiêu chuẩn đánh giá, góc nhìn của mỗi vị trí lại khác nhau. Nếu việc đánh giá chủ quan chưa đúng đắn, vấn đề khách quan cũng không tuyệt đối được. 


Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm: "Thế gian không có gì là công bằng thực sự".

Theo hòa thượng Thích Thánh Nghiêm, thế gian không có gì là công bằng thực sự. Có thể lấy dẫn chứng câu chuyện một người cha có bốn người con trước lúc lâm chung có phân chia tài sản cho các con. Người con út được hưởng nhiều tài sản nhất, tiếp đến là người con thứ hai và thứ ba, còn người con đầu không được gì. Bởi người cha cho rằng con út còn nhỏ tuổi nên cho nhiều gia tài nhất, người thứ ba lớn hơn nên chia cho ít hơn, người thứ hai chỉ được một chút đỉnh, còn người con đầu do đã tự lập rồi nên không phải cho nữa. 

Nhưng dưới góc nhìn của con cái, người con đầu không đồng tình với cách nghĩ của người cha, cho rằng gia sản do anh ta nỗ lực cùng cha mới gây dựng được, trong khi em út chưa đóng góp được gì nếu không nói là ăn bám. Nghĩ vậy, mấy anh em so đo tính toán, trở mặt thành thù. Điều này cho thấy do bất đồng quan điểm nên tranh chấp xảy ra. 



Lấy ví dụ chuyện lương thưởng – đề tài “nóng” trên nhiều diễn đàn hiện nay. Nguyễn Thị Minh T., nhân viên kinh doanh công ty K, đơn vị cung cấp linh kiện xe máy cho hãng Yamaha của Nhật Bản, có chi nhánh tại Sóc Sơn, bức xúc: “Làm cùng phòng nhưng năm nay em chỉ được thưởng 2 triệu đồng, trong khi một nhân viên khác vào sau, nhỏ tuổi hơn được thưởng những hai tháng lương. Còn nữa, hôm trước đi liên hoan với đối tác, họ kể được thưởng 8 tháng lương liền, trong khi mức lương hàng tháng của họ cao ngất”. 

Chuyện này mới nghe, có lẽ ai cũng bức xúc thay T vì gắn bó với công ty nhưng lại không được đánh giá cao. Qua tìm hiểu mới biết T thường xuyên đi làm muộn và xin nghỉ đột xuất không báo trước, trong khi đồng nghiệp mình tuy mới vào nhưng làm việc đầy tinh thần trách nhiệm và rất chuyên cần, điều mà các doanh nghiệp xứ hoa anh đào đánh giá rất cao.

Ví dụ trên cho thấy mỗi một sự việc xảy ra đều có nguyên nhân của nó, giống như mỗi “quả” nở ra đều xuất phát từ cái “nhân” ban đầu. Nhân nói về sự bất công nơi làm việc, người viết xin tiếp tục dẫn chứng một số thông tin thưởng tết tại các địa phương khiến nhiền người háo hức và cũng không ít người tủi thân. Tuy bị động của khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp vẫn thưởng tết cho cán bộ nhân viên lên đến vài trăm triệu đồng/người, còn chuyện thưởng vài chục triệu là quá bình thường. Thế nhưng, đối tượng giáo viên thì mức thưởng cao nhất cũng không thể bì với những người làm trong doanh nghiệp. Ở một số nơi xa trung tâm, có nơi còn sáng kiến mua mứt, hạt dưa để thưởng; có trường giết heo chia thịt như thời bao cấp; song có trường lại không có lấy một xu, ngoài một tiếng thở dài. 

Tiền thưởng tết của giáo viên với những người làm doanh nghiệp là một khoảng cách quá xa đã đành, nhưng trong nghề này có nơi tiền thưởng cao, nơi thưởng ít hoặc không có. Thế thì công bằng ở đâu? Điều này cần những nhà chức trách vào cuộc. Hơn nữa, có nhiều sự việc xảy ra không dễ nhận diện được nguyên nhân của nó. Điều này đòi hỏi cần hiểu sâu sắc luật nhân quả. 



Tiếp tục vấn đề công bằng nơi công sở, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm kể ông có quen biết một nhân viên công vụ làm việc rất chăm chỉ, cơ quan nào mời được anh này vào làm sẽ thái bình vô sự. Do đó, những người thăng quan tiến chức thường mời anh này về làm trợ lý. Cả đời anh ta chưa từng làm quản lý, nên chuyện tăng lương thì miễn bàn. Vậy mà khi gặp việc khó khăn, anh ta xông xáo giải quyết. Tuy có cống hiến, nhưng không ai ghi nhận anh ta. Vậy trong lòng anh ta có cảm thấy bất công không? Trái lại, anh này còn vui mừng vì được coi trọng, được cống hiến. 

Lặng lẽ làm việc, lặng lẽ cống hiến, còn danh tiếng, vinh dự thuộc về người khác, anh ta có phải một kẻ ngốc? Theo quan điểm của nhà Phật, dù địa vị có thuộc về người khác chăng nữa nhưng công đức thuộc về bản thân người nhân viên này. “Vì thế, khi cái “danh” không xứng với “thực”, thì chúng ta vẫn nên có tinh thần “cầu thực” là vậy”, hòa thượng Thích Thánh Nghiêm kết luận.

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM