Tuổi trẻ và những túi tham vô đáy

25/02/2013 10:30 AM |

"Thực tế hiện nay đa số người cao tuổi đến cửa Phật, điều này chứng tỏ đạo Phật như bị già lão vậy".

Thượng tọa Thích Thanh Ân cho biết. Không sợ mất lòng, ông còn mạnh dạn cải chính câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” thành “Trẻ cần vui chùa và già chuẩn bị vui… hoàng tuyền”.

Trẻ sớm đi tu chớ để già

Để hiểu câu nói “Trẻ vui nhà, già vui chùa” có đúng hay không, ta cần tìm hiểu khái niệm “tu”“tu hành”. “Tu” có nghĩa là sửa đổi, chuyển đổi thân tâm. “Hành” là thực hiện, thực hành việc sửa đổi những tật xấu thành tốt.

Mỗi người sinh ra đều có bản chất tâm lành nhưng do phải bươn trải với cuộc sống nên không tránh khỏi những điều xấu, điều dở. Vì vậy, muốn hoàn thiện mình, không còn cách nào khác chúng ta phải tu để từ bỏ những thói xấu của mình. Nhưng bỏ cái này lại sinh cái khác nên con người ta phải tu cả đời (tu tâm). 


Quan niệm "Trẻ vui nhà, già vui chùa" chưa thực sự đúng đắn. (Ảnh chụp tại Chùa Láng).

“Trên đường tu, ta đi một bước an lành một bước, đi hai bước an lành hai bước. Tu là thế chứ không phải tu là xin Phật ban cho mình sự an lành tự tại. Biết tu là an lạc một đời, không biết tu thì đau khổ mãi mãi”.

Tu tại gia làm lợi cho gia đình, tu chợ làm lợi xã hội và tu chùa làm lợi cho chúng sinh thế giới. Theo TT. Thích Thanh Ân, tu để trở thành người tốt và tiến lên Hiền Thánh, tránh khỏi Quỷ Ma Yêu nghiệt lũng đoạn thân tâm. Vì vậy người tu phải tỉnh sáng, tu phúc tu tuệ đó mới gọi là tu. 

“Trên đường tu, ta đi một bước an lành một bước, đi hai bước an lành hai bước. Tu là thế chứ không phải tu là xin Phật ban cho mình sự an lành tự tại. Biết tu là an lạc một đời, không biết tu thì đau khổ mãi mãi”, TT. Thích Thanh Ân nói thêm. 

Có người bảo chỉ cần tu chứ cần gì học, nhưng học cũng là tu (tu tuệ). Nếu tu không trí tuệ gọi là “tu mù”, học mà không tu thì đầu chỉ như chiếc giá đựng sách. Tu là gốc của an vui. Nếu không tu, cứ làm những điều xấu, rồi tự chuốc khổ cho mình cho người. Bản thân mỗi người là chủ nhân tạo ra sướng khổ chứ không phải trời đất nào cả. Gieo nhân tốt hưởng quả tốt, không gieo nhân đòi hưởng quả là chuyện vô lý. 

Tuổi trẻ và những cái túi tham vô đáy

Gieo nhân tốt hưởng quả tốt, không gieo nhân đòi hưởng quả là chuyện vô lý. 

Khi hiểu đúng chữ “tu”, ta sẽ không chuốc phải những quả khổ đau nữa. Căn cứ vào ý nghĩa trên, có thể hiểu tu hành cần cho tuổi trẻ hơn là tuổi già. Bởi tuổi trẻ với những tham lam như: Danh, Sắc, Tài, Thực,… dễ làm cuộc sống điên đảo. Nhiều người ích kỷ muốn vơ vào “cái tôi” những túi tham vô đáy. 


Giới trẻ năng đi chùa mỗi dịp lễ tết nhưng đa phần còn hiểu rất ít về các giáo lý nhà Phật. (Ảnh chụp tại Chùa Quán Sứ dịp Tết Nguyên Tiêu vừa qua).


Xem các giới điều căn bản được phật ban dạy (không sát sinh, không trộm cướp, không tà dâm, không vọng ngữ - mà phải nói lời tốt lành và không say nghiện), có thể thấy giới trẻ là đối tượng dễ phạm phải nhất. Do vậy, hình thức theo Phật là quy y Tam Bảo, gìn giữ năm giới răn. Xét về tính chất, năm giới này chú yếu thực hành lúc tuổi trẻ. 

TT. Thích Thanh Ân cho biết, ở Việt Nam đã có những tổ chức Phật giáo hoạt động dành cho tuổi trẻ như Tổ chức Gia đình Phật tử ở miền Trung, còn ở miền Bắc và miền Nam tổ chức lẻ tẻ và hầu như không được Giáo hội và Tăng Ni quan tâm. 

Phật giáo cũng cần khai thác quan điểm hướng về giáo dục tuổi trẻ, triển khai nhiều lớp tu sao cho phù hợp và tiên tiến. Bên cạnh đó, những người trẻ cũng cần chủ động tìm đến việc tu hành. 

“Tuổi trẻ mới là gốc đạo đức để củng cố tương lai xã hội và Phật giáo cường thịnh”, TT. Thích Thanh Ân nói thêm.

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM