Nếu biết thiền, Chu Du đã không hộc máu chết

17/01/2013 16:06 PM |

Chu Du đã xem cái tôi hay thương hiệu cá nhân quá lớn. Hậu quả là chỉ một lời nói khích nhỏ mà vị danh tướng này đã phải thổ huyết mà chết.

Bà Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, phụ trách lớp học thiền, hỏi một học viên của lớp và cũng là một bác sĩ khá nổi tiếng trong ngành chẩn đoán hình ảnh ở TP.HCM.


Lớp có 20 học viên thì hơn một nửa là doanh nhân, họ cùng ngồi xếp bằng hai chân theo kiểu nhà Phật, hai tay đan vào nhau đặt giữa hai bắp chân với lòng bàn tay ngửa ra.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Hưng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM.


Lúc này, học viên được hỏi đã trả lời ngay: “Nhân vật này đột tử do xuất huyết dạ dày cấp tính”. Chính xác hơn, Bà Hưng cho rằng, Chu Du đã xem cái tôi hay thương hiệu cá nhân quá lớn. Hậu quả là chỉ một lời nói khích nhỏ mà vị danh tướng này đã phải thổ huyết mà chết. 

 

Theo bà, cái mà Chu Du thiếu là luôn tư duy tích cực để làm chủ bản thân trong mọi suy nghĩ, mọi hành động ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. “Thiền có thể giúp mọi người làm được điều này”, bà Hưng khẳng định.

 

Tư duy tích cực ở đây bao hàm các giá trị như bình an, khoan dung, yêu thương, trung thực, khiêm tốn, đoàn kết, tôn trọng, giản dị, trách nhiệm, hợp tác, hạnh phúc và tự do. 12 yếu tố này có thể giúp tôn vinh lòng quý trọng bản thân hay cụ thể hơn, mỗi người cần phải biết thế mạnh lớn nhất của mình là gì. Vì vậy, các khóa học tại Trung tâm Inner Space ở quận Thủ Đức, nơi bà Hưng tham gia dạy thiền có nội dung khá thiết thực: Sống không stress, Từ giận dữ đến bình an, Lãnh đạo nội tâm, Quý trọng bản thân, Nghệ thuật thư giãn, Trí tuệ cảm xúc…

 

“Càng vào sâu bên trong, học viên càng tăng thêm khả năng nhận ra giá trị thật của mình. Đến khi bạn nhận ra được mình là viên kim cương hay ngọc trong đá thì mọi chuyện sẽ ổn, vì bạn sẽ không dễ bị tác động của môi trường bên ngoài dù đó là lời khen ngợi hay chê bai”, bà Hưng nói.

 

Tập thiền được ví như bơi giữa đại dương. Bề mặt đại dương lúc nào cũng nổi sóng. Nhưng nếu bạn lặn càng sâu xuống tận đáy thì càng tìm thấy được sự bình yên.

 

Lãnh đạo nội tâm


Không phải ngẫu nhiên mà vua dầu hỏa người Mỹ John D. Rockefeller đã phát biểu: “Tôi luôn tìm thấy cơ hội sau mỗi thảm họa”. Bình luận về nhận định này, bà Hưng cho rằng: “Tất cả mọi khía cạnh của thương trường đều do con người tạo ra. Nếu bạn đứng cao hơn thử thách thì có thể nhìn thấy cơ hội đằng sau; nếu thấp hơn, nó sẽ giống như trái núi đè lên mình; còn ngang bằng thì đó là thách thức cần phải đương đầu”. Đó chính là thuật lãnh đạo nội tâm.

 

Đồng hành với thiền, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có thêm khả năng tận dụng mọi nguồn năng lượng được tạo nên từ bên trong con người họ. Đây cũng chính là những viên kim cương mà họ đang sở hữu và là nguồn lực vô hạn để có thể truyền lửa cho cấp dưới.

 

Một điểm cộng nữa của thiền là giúp nhà lãnh đạo đi thẳng vào giải pháp cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và góp phần lan tỏa cảm giác bình an tới toàn thể nhân viên của mình. Chính xác hơn, thiền còn giúp họ phân biệt việc tạo sức mạnh hay động lực với việc gây áp lực lên người khác, vì sức mạnh ở đây xuất phát từ khả năng lãnh đạo nội tâm.

 

Dẫn chứng cho điều này, bà Hưng đưa ra ví dụ về khóa đào tạo kỹ năng lãnh đạo dành cho các nhà lãnh đạo cao cấp từng được tổ chức tại TP.HCM hồi năm 2008 với mức học phí lên tới hàng chục ngàn USD. Tham gia giảng dạy khóa học này là một thiền sư khá nổi tiếng của thế giới đến từ Mỹ.

 

Tại đây, vị thiền sư này đã đặt câu hỏi: “Trong số các bạn, ai cần mọi người lúc nào cũng tôn trọng mình, luôn yêu quý mình, đánh giá mình cao và lúc nào cũng ngưỡng mộ bề ngoài của mình?”.

 

Sau khi nhận được 100% cánh tay giơ lên, vị thiền sư trả lời: “Nếu các bạn cần như thế thì sẽ đánh mất đi sức mạnh của chính mình và sự thảnh thơi trong tâm hồn, vì bạn đang đặt mình vào tay người khác. Thiền sẽ giúp các bạn luôn cảm thấy giàu có trong tâm hồn mà không cần sự tán thưởng của bất kỳ ai”.

 

Steve Jobs, Chủ tịch của Apple, là nhà lãnh đạo thành công và được ngưỡng mộ bậc nhất thế giới. Nhưng người ta thường chỉ biết về khía cạnh công việc của ông. Về cuộc đời Jobs, có một điểm đặc biệt mà mọi người ít biết đến, đó là thiền. Jobs bắt đầu tìm hiểu thiền từ rất sớm. Tư tưởng của thiền đã ảnh hưởng sâu sắc đến triết lý sống và tư duy trong công việc của ông.

 

Jobs từng chia sẻ quan điểm của ông về cái chết cũng như tầm quan trọng của việc nhận biết đúng đắn về cái chết: “Không ai muốn chết cả. Thậm chí những người thích lên thiên đàng cũng không muốn chết. Tuy nhiên, cái chết là đích đến chung của mỗi chúng ta và không ai có thể tránh khỏi. Nhưng Cái Chết thật ra lại là một trong những tạo vật tuyệt vời nhất của Sự Sống. Nó là tác nhân làm thay đổi cuộc sống, dẹp bỏ cái cũ, dọn đường cho cái mới tiến lên”.

 

Chia sẻ của doanh nhân Nguyễn Duy Minh:

 

Ông Nguyễn Duy Minh, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn Đào tạo SRI tại TP.HCM.

 

Câu này ngụ ý sự lạc quan còn đáng giá hơn cả thuốc và cần thiết cho sức khỏe. Ai cũng biết điều đó, cũng muốn luôn được lạc quan. Nhưng nhịp sống hiện tại sao quá nhiều áp lực và căng thẳng.

 

Cách đây hơn một năm, tôi là một trong số đó. Thành lập công ty đúng thời điểm kinh tế đang đi xuống, khi mọi việc bắt đầu trở nên khó khăn, tôi thường xuyên ở trong tình trạng căng thẳng, hay giận dữ và dễ cáu gắt. Sự việc trở nên tồi tệ hơn khi tôi bắt đầu hoài nghi bản thân mình và trở nên lãnh đạm với mọi việc xung quanh. Ý thức mình đang chìm sâu vào những suy nghĩ, cảm xúc quá tiêu cực, tôi ước mình tìm được một cứu cánh để lấy lại cân bằng.

 

Tình cờ, người bạn cũ giới thiệu tôi đến với một lớp tập thiền. Tôi nhận lời với suy nghĩ, hãy cho mình thêm một cơ hội nữa, biết đâu. Kết quả là sau buổi đầu tiên đến lớp do cô Kim Hưng hướng dẫn, tôi đã ra về với một tâm trạng rất phấn khởi.

 

Sau hơn nửa năm thực hành, tôi ý thức được những lợi ích của thiền. Đúng như nguyên nghĩa của từ meditation trong tiếng Anh là sự chữa lành. Tôi cảm nhận mình như một bệnh nhân đã học được cách tự chữa lành những vết thương bên trong tâm trí của mình. Giờ đây, tôi đã có thể tạo ra những suy nghĩ, cảm xúc tích cực để duy trì trạng thái bình an trong tâm trí và cảm nhận được nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

 

Áp dụng thiền trong kinh doanh

 


Bà Lê Bạch Hoa: Người sáng lập và Giám đốc Điều hành Công ty Nghiên cứu Thị trường Axis Research Việt Nam. Bà Hoa tham gia khóa thiền 10 ngày trên núi Abu, Ấn Độ do Trung tâm Inner Space tại Việt Nam tổ chức hồi tháng 11.2012.

 

Thiền có tác dụng như thế nào đối với chị trong việc cân bằng giữa áp lực công việc với sự thanh thản và làm chủ bản thân?

 

Nhiều người nghĩ thiền là phải ngồi khoanh chân nhắm mắt cách xa mọi ồn ào cuộc sống thì mới thật sự cân bằng. Đối với doanh nhân, để có những khoảnh khắc như vậy là sự xa xỉ do họ luôn thiếu thời gian cho bản thân.

 

Tuy nhiên, sau 5 năm áp dụng thiền vào cuộc sống và kinh doanh, tôi thấy rằng có thể “hành thiền” trong công việc. Chỉ cần buông những suy nghĩ căng thẳng và trở lại với hiện tại để tâm bình an và sáng suốt với các quyết định của mình thì đó là thiền. Như vậy, trong kinh doanh hay bất kỳ công việc nào, thiền cũng chính là giải pháp tốt để cân bằng cuộc sống.

 

Chị nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng thiền giúp mang lại sự thanh thản trong tâm hồn, trong khi thương trường thường không có khái niệm nhường nhịn hay lùi bước trước đối thủ cạnh tranh?

 

Thiền có thể giúp giảm thiểu căng thẳng cho chính mình và thông qua mình rất nhiều người được lợi: nhân viên, khách hàng, đối tác và đặc biệt là gia đình và người thân. Nhà lãnh đạo là người truyền cảm hứng cho người khác nên khi mình luôn giữ được sự điềm đạm, khó khăn lớn sẽ thành nhỏ, nhỏ thành không có gì.

 

“Lãnh đạo nội tâm” có tác dụng như thế nào đối với một nhà lãnh đạo doanh nghiệp?

 

Trong kinh doanh, là nhà lãnh đạo, ý kiến của mình có thể ảnh hưởng đến một tập thể dù là rất nhỏ. Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến sự “thấu hiểu” của người lãnh đạo.

 

Nhiều người nghĩ rằng, nhà lãnh đạo là người yêu cầu cấp dưới phải luôn lắng nghe và răm rắp tuân theo mệnh lệnh. Kiểu lãnh đạo ấy xưa rồi. Nhân viên là con người, mà con người ai cũng có nhu cầu được thấu hiểu, được chia sẻ. Nhà lãnh đạo thời nay phải là người biết lắng nghe tâm tư tình cảm của họ. Ngược lại, nhà lãnh đạo cũng nên biết chia sẻ những suy nghĩ, những mong muốn chân thành đối với từng nhân viên để có được sự thông cảm thực sự từ cả hai phía. Khi ấy, các quyết định đưa ra sẽ phù hợp và nhận được sự ủng hộ của mọi người. Đấy chính là ý nghĩa của “lãnh đạo nội tâm”.

 

Theo NCĐT

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM