Có thể bạn đang ảo tưởng về mình?

04/04/2013 21:06 PM |

Nếu còn suy nghĩ kiến thức có được do thu lượm từ người khác, ta sẽ không bao giờ được tự do.

Tâm trí đau ốm

Tâm trí của chúng ta giống như một cái tổ ong hỗn loạn, với những tư tưởng quay vù vù bên trong, chứ không giống mặt hồ yên tĩnh hay một tấm gương phẳng lặng, không dính bụi. Nếu bạn nghĩ rằng những thứ đó chính là vốn hiểu biết giúp bản thân đạt được những thành công trong cuộc sống, e rằng bạn nhầm to.

Được tự do thoát khỏi cái dòng chảy mạnh mẽ của những tư tưởng trong tâm trí là điều rất cần thiết. Còn khi những thứ gọi là mớ kiến thức khiến đầu óc bạn quay cuồng, rối rắm, đó là dấu hiệu cho thấy bạn đang có một tâm trí đau ốm. 

Khi tâm trí ốm đau, bệnh tật, thì ý thức biến mất, trong bạn chỉ còn lại một đám đông hỗn loạn. Từ sáng sớm đến tối ngày, từ lúc sinh ra đến khi chết đi, bạn luôn sống trong một đống những tư tưởng. Để có thể tự do thoát khỏi cái đám tư tưởng này, điều đầu tiên là ngay từ đầu ta không được tạo ra cái tư tưởng ấy. Cũng giống như hàng ngày quét sân, bạn ao ước muốn không còn nhìn thấy những chiếc lá mà cứ tiếp tục tưới nước cho gốc, làm sao bạn có thể tránh khỏi sự sinh sôi và tàn úa của những chiếc lá? Vậy là lúc tưới gốc, bạn không biết rằng giữa gốc và lá có mối liên hệ mật thiết. Gốc và lá dường như là tách biệt, nhưng lá không rời khỏi gốc và nước tưới cho gốc cũng tới được lá. 

Để cây ngưng ra lá, ta phải ngừng tưới nước cho gốc. Nếu hiểu được con người đã “tưới nước” cho gốc rễ của những tư tưởng nào, chúng ta mới có thể ngừng nó lại. Nhưng trong hàng nghìn năm, con người đã có ảo tưởng mình đạt được kiến thức bằng cách tích lũy những tư tưởng của người khác. Điều này hoàn toàn sai lầm và giả tạo. 

Chưa có ai đạt được kiến thức bằng việc tích lũy những tư tưởng của người khác cả, bởi kiến thức đến từ bên trong còn tư tưởng đến từ bên ngoài. Kiến thức là của ta, còn tư tưởng luôn luôn là của người khác, luôn luôn vay mượn. Kiến thức là sự hiện diện của bạn, phô bày những gì sâu kín trong bạn; còn tư tưởng là tập hợp những gì người khác nói, bao gồm kinh sách và những lãnh tụ nổi tiếng.

Những gì thu nhặt của người khác không thể nào trở thành kiến thức của ta được, mà chỉ nhằm che giấu sự thiếu hiểu biết của ta. Và khi sự thiếu hiểu biết được che đậy, con người sẽ không bao giờ tạo ra những thành công đột phá trong cuộc sống lẫn công việc. 

Đào giếng

Khi đào giếng, ta phải lấy hết đi lớp đất đá, rồi từ bên thành giếng nước mới rỉ ra được. Nước đã có sẵn từ đấy rồi, không cần phải đem từ nơi khác đến. Việc ta cần làm là lấy bỏ lớp đất đá. Khi làm công việc này, ta sẽ gặp một số khó khăn, nhưng một khi đã lấy được đất đi, không cần đổ nước vào giếng thì nước đã có sẵn ở đó rồi.

"Trong sự nghiệp, bạn có thể tìm kiếm kinh nghiệm từ một học giả, từ những người thầy của mình, nhưng dù tài giỏi đến mấy họ cũng không thể trở thành “cái giếng” của bạn", Osho

Theo Osho, tác giả cuốn Hành trình nội tại bàn về nghệ thuật thiền và đối diện với cuộc đời, kiến thức giống như nguồn nước được lấy từ nội tại, chứ không phải vay mượn từ nơi nào khác. Những nguồn suối của nó ẩn giấu bên trong, chỉ có các chướng ngại là xen vào giữa, giống như đất đá. Việc chúng ta cần làm là lấy bỏ chúng bằng cách đào xới, rồi những nguồn suối của kiến thức sẽ bắt đầu xuất hiện. 

Trong sự nghiệp, bạn có thể tìm kiếm kinh nghiệm từ một học giả, từ những người thầy của mình, nhưng phải nhớ rằng dù họ có tài giỏi đến mấy cũng không thể trở thành “cái giếng” của bạn. Người hiểu biết mới chính là cái giếng. 

Thường thì con người cho dù đã từng hì hục đào lớp đất đá để tìm ra mạch nguồn kiến thức trong tâm trí, nhưng nếu cứ khư khư ôm chặt mớ kiến thức đó, nhiều khả năng nó đã trở thành món đồ nhàm cũ. 

Tự do

Nếu một ngày nào đó, suối nguồn kiến thức trong bạn cạn kiệt, đó là dấu hiệu cho thấy mạch nguồn trong cái giếng quá ít nên đã vơi cạn, hoặc tâm trí bạn không giống một cái giếng nữa mà chỉ là một cái hồ chứa đựng những tư tưởng của người khác. Khi múc mãi thì nước cũng vơi cạn, cũng giống như kho của cải của bạn đã sắp cạn kiệt.

Theo Osho, thứ tài sản mà vơi cạn khi bị lấy đi thì luôn là thứ tài sản vay mượn và giả tạo. Thứ tài sản

"Thứ tài sản mà vơi cạn khi bị lấy đi thì luôn là thứ tài sản vay mượn và giả tạo. Thứ tài sản phải gia tăng khi bị lấy đi, mới là tài sản đích thực", Osho

phải gia tăng khi bị lấy đi, như nồi cơm Thạch Sanh vơi rồi lại đầy, mới là tài sản đích thực. Còn của cải bị cạn kiệt khi bị chia sẻ thì không phải là tài sản, mà nó chỉ là một sự tích trữ. Và những người khư khư ôm của lo bị mất thì thường tương lai sẽ không có gì trong tay cả.

Vì thế, mọi tài sản vay mượn đều gây rắc rối. Bởi những điều đó không bao giờ là thực, càng sợ mất ta càng bấu víu vào nó nhiều hơn. Khi ta lo lắng chăm chút cho những thứ vốn được coi là tài sản còn hơn cuộc sống của mình, và chúng ta sẽ khổ sở vì chúng. 

Chính vì lẽ đó, nếu còn suy nghĩ kiến thức ta có được do thu lượm từ người khác, ta sẽ không bao giờ được tự do. Để tự do, cần hiểu về mối quan hệ giữa "gốc" và "lá" như đã nói ở trên. Còn nếu tiếp tục tưới nước cho gốc rồi cắt bỏ lá, ta sẽ không bao giờ tự do.

Diệp Vi (tổng hợp)

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM