Để không 'đi vào ngõ cụt mà chết'

25/03/2013 10:37 AM |

"Không vượt qua chính mình, con đường bạn đang đi ngày càng nhỏ hẹp, cuối cùng sẽ đi vào ngõ cụt mà chết!"

Anh hùng hết thời, diều đứt dây

Sự thật là từ lúc chào đời con người đã tồn tại cái tôi. Từ điển định nghĩa về cái tôi (tiếng Anh là egoism/the selfness, tức ngã kiến) là sự tự nhận thức của một người về tư cách, nhân phẩm hoặc giá trị của chính mình, đặc biệt là để phân biệt mình với thế giới bên ngoài và các cá nhân khác.

Cái tôi trong mỗi người phát triển theo thời gian. Không tránh được những tiếp xúc tốt, xấu, nên cái tôi cũng có lúc thể hiện sự tích cực như hãnh diện với giá trị, nhân phẩm bản thân và sự tiêu cực như những nhận định sai về giá trị, nhân phẩm của mình dẫn đến sự tự tôn quá mức hoặc tự ti…

Ở khía cạnh cộng đồng, doanh nghiệp, trên phương diện tích cực, nếu các công ty trong quá trình phát triển thương hiệu đã không ngừng phát triển những dịch vụ cộng thêm là điều rất đáng trân trọng. Hiện nay đã có nhiều dịch vụ giao hàng tận nhà, tư vấn mua hàng, hướng dẫn thanh toán, hết sức thiết thực thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp đối với xã hội và những nỗ lực như vậy đều mang lại những kết quả đáng kể, tùy thuộc vào mức độ hành động của doanh nghiệp.


Suy nghĩ máy móc, dập khuôn, không chút cải tiến khiến tình hình nguy ngập.

Nhưng có một thực tế là không ít doanh nghiệp khi mới mở ra hoành tráng rầm rộ nhưng chỉ trong một thời gian ngắn lại tuột dốc không phanh, thậm chí thất bại hoàn toàn. Liên tục mấy năm trở lại đây, kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp không thể trụ nổi. Thống kê từ Văn phòng Chính phủ cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2013 cả nước đã có hơn 8.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Điều này có thể lý giải ở khía cạnh khi khởi nghiệp, thời thế tạo anh hùng, cách nghĩ và cách làm của doanh nghiệp phù hợp với thời cơ đó nên sự nghiệp phất nhanh như diều gặp gió. Nhưng nếu chủ doanh nghiệp bảo thủ, khư khư những thứ khuôn cũ, thậm chí khi truyền lại cho con cháu cũng rập khuôn như vậy, không chút cải tiến thì quả thực tình hình hết sức nguy hiểm. 

Sự cố chấp, tự mãn với thành công cũng như cách nghĩ, cách làm của mình; luôn chìm đắm trong cảm giác thành công chính là lúc cái tôi hiện diện. Khi đó, cái tôi, cái bảo thủ của một cá nhân là chủ doanh nghiệp vô hình chung đã phình to thành cái tôi trong doanh nghiệp, bởi mỗi quyết định của vị này ảnh hưởng đến tương lai công ty, đến đời sống của nhiều người lao động. “Ở những doanh nghiệp lớn, đôi khi một quyết định sai lầm của ban lãnh đạo khiến nhiều người trong công ty phải ra đường”, tổng giám đốc một công ty truyền thông cho biết.

Để không đi vào ngõ cụt mà chết

Để vượt qua cái tôi cá nhân, Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm trong cuốn "Dùng thiền tâm thay thế phiền tâm", nói rằng nhà lãnh đạo phải luôn luôn phủ định bản thân. “Con người của ngày hôm nay phủ định con người của ngày hôm qua. Quan niệm của ngày hôm nay xây dựng được thì đến ngày mai phải vượt qua nó, không ngừng kiểm điểm, xuất phát và bắt đầu lại”, hòa thượng cho biết.

Thực tế, hoàn cảnh chúng ta đang sống và làm việc luôn thay đổi và thay đổi chóng vánh. Ta không thể “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tức dùng những quy định sẵn có để đối phó với sự phát triển, thay đổi thiên biến vạn hóa của sự việc, bởi ta rất dễ bị thời đại và hoàn cảnh sống đào thải. 


Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm.
 
Khi con người không vượt qua được chính mình, đấy là tính tự ngã, cái tôi cá nhân len vào phá bĩnh. Cái tôi này có từ lúc lọt lòng mẹ, tiếp tục được tích lũy theo năm tháng chúng ta sống, còn theo Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm có khi bao gồm những kinh nghiệm được tích lũy từ kiếp trước. Một khi được hình thành sẽ rất khó sửa đổi, mà nó trở thành thói quen thường trực trong mỗi cá nhân. 

Đặc biệt là các quan niệm nhân sinh. Ta cần tôn trọng suy nghĩ, quan điểm của những người khác dù có thể họ phủ định hoàn toàn luận điểm của ta. Mỗi cá nhân đều có những kinh nghiệm, học vấn, quan điểm, cách suy nghĩ riêng. Họ là họ, suy nghĩ đó là của họ chứ không phải của ta. Huống hồ không biết chừng một thời gian sau ta thay đổi suy nghĩ, thậm chí nghĩ giống họ. 

Đó chính là một trong những cách giúp nhà lãnh đạo vượt lên chính mình. Khi đó, quan niệm về giá trị, quy mô suy xét và lập trường, khả năng phán đoán của chủ doanh nghiệp sẽ vượt qua cái tôi của mình. 

“Một khi vượt qua chính mình, con người mới nhìn thấy tự do. Nếu không, con đường bạn đang đi ngày càng nhỏ hẹp, cuối cùng sẽ đi vào ngõ cụt mà chết!”, Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm khẳng định.

Diệp Vi

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM