Thiên tai đe dọa xuất khẩu thủy sản

23/04/2016 16:00 PM | Xã hội

Xuất khẩu thủy sản của cả nước quý 1 đang có những tín hiệu lạc quan, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2016 các DN xuất khẩu thủy sản ở ĐBSCL phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức đến từ thiên tai dịch bệnh…

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản cả nước quý 1 ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng gần 9 % so cùng kỳ năm trước. Trong đó 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra tăng lần lượt là 12,2% và 4,2% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều tăng mạnh, nhất là thị trường Mỹ tăng 39% so với cùng kỳ, Trung Quốc tăng 31%; EU tăng gần 3%, Nhật Bản tăng 3,5%... Các thị trường chính là Mỹ, Trung Quốc và các nước ASIAN.

Mặc dù kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng so với cùng kỳ, tuy nhiên trong những tháng đầu năm 2016 các DN xuất khẩu thủy sản ĐBSCL phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức làm ảnh hưởng đến xuất khẩu Thủy sản.

Hiện tại, Biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn kéo dài, dịch bệnh trên thủy sản nuôi trong những tháng đầu năm đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nguyên liệu, gây thiếu hụt nguyên liệu, tăng giá nguyên liệu làm tăng giá thành của sản phẩm dẫn đến giảm sức cạnh tranh của thủy sản Việt Nam so với các nước xuất khẩu khác. Thêm vào đó, những rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu thủy sản ngày càng nhiều hơn đang trở thành gánh nặng của ngành thủy sản.

Trong khi đó từ Quý 2.2016 theo quy định mới của Ngân hàng nhà nước, các DN thủy sản cũng đang mất dần khả năng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp do không được vay ngọai tệ để thu mua chế biến. Các DN cũng khó khăn hơn trong việc xác định hạn mức, thời hạn, lãi suất khi vay vốn ngân hàng phục vụ cho nuôi trồng thủy sản, thu mua và xuất khẩu do hậu quả chưa khắc phục được từ chính sách tín dụng của các ngân hàng thương mại trong những năm trước.

Mới đây, tại Cần Thơ đã diễn ra hội nghị doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL lần thứ nhất với chủ đề “Doanh nghiệp thủy sản ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu để hội nhập thành công”. Hội nghị tiến hành thảo luận tình hình thu mua nguyên liệu; Cơ hội và thách thức đối với những rào cản thương mại và quy định về kiểm tra an toàn thực phẩm của quốc tế; Các giải pháp tiếp cận vốn và giải quyết những vướng mắc thủ tục hành chính v.v.Dự báo xuất khẩu tôm vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh; Cá tra xuất sang thị trường Mỹ bị tác động bởi mức thuế khá cao, đến 0,69 USD kg;

Đặc biệt các doanh nghiệp phải đối mặt với việc kiểm tra dư lượng kháng sinh trong mặt hàng thủy sản, nên phải đầu tư nhiều hơn trang thiết bị để kiểm soát nguyên liệu. Tuy nhiên, vấn đề thiếu nguyên liệu tôm vẫn là yếu tố quan trọng mà hội nghị quan tâm thảo luận… Các DN cũng đề xuất Chính phủ, Bộ NNPTNT hỗ trợ các hoạt động xúc tiến theo chuỗi giá trị đến các thị trường xuất khẩu thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm thủy sản như hiện nay nhằm nâng cao uy tín và tạo niềm tin về chất lượng thủy sản Việt Nam với các nhà nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho biết: Năm 2016, Bộ có kế hoạch tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm về sử dụng chất cấm, chất kháng sinh trong chăn nuôi, trong đó có nuôi trồng thủy sản.

Thứ trưởng yêu cầu VASEP cần tham gia đề xuất dự thảo sửa đổi Nghị định 36/2014/NĐ-CP “Về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra” theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu vừa đáp ứng các thông lệ quốc tế và yêu cầu hội nhập.

Để hỗ trợ các DN, bộ cũng sẽ triển khai các chương trình về sản xuất tôm sạch, nghiên cứu các tác nhân gây bệnh trên tôm và huy động sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp để nhân rộng mô hình tiến tới đảm bảo ổn định nguồn cung tôm nguyên liệu, phục vụ chế biến.

Theo Trần Lưu

Cùng chuyên mục
XEM