Thiên Minh Group lỗ ròng 242 tỷ sau 6 tháng, liệu tân binh hàng không KiteAir có tiếp tục "lỡ chuyến"?
KiteAir kỳ vọng viết tiếp giấc mơ chinh phục bầu trời của doanh nhân 7x, theo kế hoạch ban đầu hãng dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý 1/2020. Tuy nhiên, cơn ác mộng Covid-19 đang trở thành rào cản cực kỳ lớn, đến nay không có thông tin gì thêm về kế hoạch khai thác bay của Thiên Minh Group!
Nửa đầu năm 2020, dịch Covid-19 hai lần bùng phát đã, đang và tiếp tục gây áp lực nặng nề lên ngành du lịch nói chung, cũng như doanh nghiệp kinh doanh nói riêng. Hàng loạt công ty báo lỗ lớn, thậm chí mức thua lỗ cả năm theo dự báo ngày càng tăng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đơn cử, Vietravel (VTR) chỉ mới nửa đầu năm đã thua lỗ gấp 3 lần dự kiến cho cả năm, hay Du lịch Dịch vụ Hội An cũng sớm dự báo quý 3 lỗ tiếp hàng tỷ đồng…
Thiên Minh báo lỗ ròng 242 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2020
Theo thông tin mới nhất, Tập đoàn Thiên Minh không ngoại lệ khi báo lỗ ròng 242 tỷ đồng sau nửa đầu năm, trong khi cùng kỳ năm 2019 Công ty có lãi hơn 37 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 30/6/2020, Thiên Minh có 1.345 tỷ vốn chủ, tăng so với đầu kỳ. Trong đó, hệ số nợ/vốn chủ vào mức 1,16 – tức Công ty đang có dư nợ hơn 1.560 tỷ đồng.
Đáng chú ý, Công ty hiện đang vay nợ qua kênh trái phiếu 150 tỷ đồng, phát hành vào tháng 6/2019 với kỳ hạn 4-5 năm, lãi suất 11%/năm. Đây cũng là thời điểm Thiên Minh công bố thành lập hãng hàng không Cánh Diều (KiteAir) sau khi dừng hợp tác với AirAsia do không tìm được tiếng nói chung.
Được biết, hệ số nợ/vốn chủ của Thiên Minh tăng mạnh những năm gần đây, trong đó con số nửa đầu năm 2018 chỉ ở mức 0,72 lần; cùng kỳ năm 2019 tăng lên 1,14 lần và con số tính đến cuối tháng 6/2020 là 1,16 lần. Hiệu quả kinh doanh của giảm mạnh, nửa đầu năm 2018 lãi ròng hợp nhất vào mức 183,4 tỷ - tức cao hơn 5 lần so với con số cùng kỳ năm 2019.
Dấu ấn doanh nhân lữ hành ngoại đạo Trần Trọng Kiên và 2 lần tham vọng hàng không dang dở
Về KiteAir, theo giấy đăng ký hãng bay sẽ có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập, gồm ông Trần Trọng Kiên góp 600 tỷ đồng (60% vốn); CTCP du lịch Thiên Minh góp 300 tỷ đồng (30% vốn) và bà Trần Hằng Thu góp 100 tỷ đồng (10% vốn).
Xuất thân là một bác sĩ đa khoa nhưng có máu kinh doanh, ông Trần Trọng Kiên đã ghi nhiều dấu ấn trong lĩnh vực du lịch. Từ thương hiệu Buffalo Tours vào năm 1994 với vốn chỉ 2.000 USD, Thiên Minh sau đó lần lượt mua lại khách sạn Festival Huế (2005), hợp tác với Intrepid Travel Pty Ltd của Australia nhằm mở rộng sang thị trường Đông Nam Á… Năm 2009, Công ty nổi lên với thương vụ thâu tóm công ty du lịch của Thái Lan – một hành động gây nhiều bất ngờ khi lúc bấy giờ ngành du lịch Việt Nam còn kém xa so với nước sở tại.
Đến năm 2011, Thiên Minh tiếp tục chi tiền mua lại chuỗi 5 khách sạn Victoria tại Việt Nam và khai trương khách sạn Xiengthong Palace tại Luang Prabang, Lào. Cùng năm này, Thiên Minh phối hợp với Tập đoàn Wotif Australia ra mắt hệ thống đặt phòng khách sạn trực tuyến IVIVU.com. Chỉ sau 2 năm hoạt động, IVIVU.com đã nắm 7% thị phần mảng đặt phòng khách sạn trực tuyến.
Thành công lớn trong ngành du lịch, Thiên Minh sớm manh nha kế hoạch bước chân vào ngành hàng không với thương hiệu Hải Âu, bắt nguồn bằng 3 chiếc thủy phi cơ được đưa về Việt Nam vào tháng 9/2014. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động và khai thác, Hải Âu liên tục thua lỗ.
Không bỏ cuộc, năm 2017, Thiên Minh tiến đến liên doanh hợp tác với AirAsia nhằm đưa hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á vào thị trường Việt Nam. Trong đó, Công ty con của Thiên Minh là Công ty TNHH Gumin dự nắm 70% vốn. Nhưng, đến tháng 4/2019, AirAsia bất ngờ thông báo chấm dứt hợp tác do hai bên không tìm được tiếng nói chung.
Và hôm nay, KiteAir kỳ vọng viết tiếp giấc mơ chinh phục bầu trời của doanh nhân 7x, theo kế hoạch ban đầu hãng dự kiến khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào quý 1/2020. Tuy nhiên, cơn ác mộng Covid-19 đang trở thành rào cản cực kỳ lớn, đến nay không có thông tin gì thêm về kế hoạch khai thác của KiteAir!
Kinh doanh cốt lõi trì trệ, dòng tiền trở thành bài toán khẩn cấp khi áp lực nợ của Thiên Minh đang khá lớn, câu hỏi đặt ra là tính hiệu quả về dự án bay của Tập đoàn. Cần nhắc lại, ông Kiên cũng đã trải qua nhiều thất bại trên sự nghiệp kinh doanh lữ hành của mình, ví dụ dự án du lịch nhảy dù hay ý tưởng khai thác tour khinh khí cầu… Sau tất cả, tư duy thất bại theo vị doanh nhân này không nằm ở tiềm lực tài chính, mà là con người: Thất bại là chuyện bình thường, miễn là có đủ thông minh để biết rằng mình đã sai!
Dấu ấn Trần Trọng Kiên trên sự nghiệp kinh doanh.
Vietravel Airlines phải cân nhắc khả năng bay giữa áp lực Covid-19
Ngược lại, Vietravel Airlines về cơ bản, hồ sơ đăng ký của hãng đã đáp ứng đầy đủ theo quy định của Chính phủ và Bộ GTVT, đang tiến đến cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.
Tuy nhiên, lao đao bởi Covid-19, mới đây Bộ GTVT cũng đã có đề nghị Vietravel Airlines cân nhắc khả năng bay trong dịch Covid-19. "Vietravel Airlines cần rà soát phương án kinh doanh của đề án trong bối cảnh thị trường hàng không và du lịch bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19, làm rõ thêm việc hợp tác với các hãng hàng không, các doanh nghiệp dịch vụ hàng không trong nước trong tình hình hiện nay và sắp tới", đề nghị được đưa ra trong bối cảnh Vietravel đang chịu áp lực khủng khiến bởi Covid-19.
Ghi nhận, Vietravel chỉ mới nửa đầu năm đã thua lỗ gấp 3 lần dự kiến cho cả năm. Quý 2/2020, doanh thu hợp nhất Vietravel tiếp tục giảm mạnh, từ mức 2.204 tỷ về 206 tỷ đồng, khấu trừ chi phí Công ty báo lỗ ròng 38 tỷ. Lũy kế nửa đầu năm, VTR ghi nhận doanh thu 996 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ và lỗ ròng hơn 76 tỷ.
Vietravel là công ty lữ hành lớn nhất nước với nguồn thu chính đến từ các tour du lịch quốc tế trong khi đây là hoạt động bị đình trệ do Covid-19. Chưa kể, dịch Covid-19 hiện bùng phát giai đoạn 2 và diễn biến phức tạp.
Năm 2020, Vietravel đặt kế hoạch doanh thu giảm sâu, xuống chỉ còn 3.065 tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 60% so với năm trước. Đáng chú ý, Vietravel dự kiến sẽ lỗ khoảng 22 tỷ đồng sau nhiều năm liền liên tục có lãi. Nửa đầu năm, mức lỗ thực tế đã vượt xa dự kiến.
Cũng có nhiều dấu ấn trong ngành lữ hành, người đứng đầu Nguyễn Quốc Kỳ từng tuyên bố việc tham gia hàng không là nhiệm vụ tự thân chứ không phải bắt theo trend. Tuy nhiên, sự bắt đầu của tân binh Vietravel Airlines vấp phải nhiều hoài nghi khi tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với các "ông lớn" hiện hữu trong ngành như Vietnam Airlines, Vietjet Airs…
Điều đáng nói, trước thềm thành lập hãng bay, Vietravel thông qua phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, tương đương mức vốn điều lệ đăng ký. Đây cũng là điểm tương đồng với Thiên Minh và cũng là ván cược lớn của hai đại gia lữ hành, dùng vốn vay để khai thác bay! Theo đó, bài toán hiệu quả kinh doanh cũng là điều được quan tâm hàng đầu với tham vọng thâm nhập ngành hàng không của Vietravel thời gian tới, khi thế giới đang bước vào giai đoạn được dự báo sẽ có nhiều biến động khó lường.