Thiền định dễ khiến mọi người bỏ cuộc nhưng bạn hoàn toàn có thể duy trì lâu dài nếu ghi nhớ 7 lưu ý này
Những tháng đầu tiên trong năm là thời điểm mà ai cũng muốn tiến hành một vài thay đổi tích cực trong cuộc sống. Trong số đó, tập thiền là mục tiêu mà rất nhiều người muốn hướng đến trong năm nay.
Không giống như các thói quen khác, thiền định có thể giúp con người thư giãn đầu óc trong chốc lát và thay đổi thế giới quan của họ về cuộc đời. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những mục tiêu mà mọi người hay dễ dàng từ bỏ nhất. Ai cũng muốn tập thiền mỗi ngày và duy trì được thói quen này cả năm vì những lợi ích mà nó đem lại, nhưng lại thường không có đủ sự kiên nhẫn.
Dưới đây là 7 cách có thể giúp bạn kiên trì với mục tiêu tập thiền của mình trong năm nay.
Hiểu rõ khái niệm "thiền định"
Thiền định được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau, khiến những người mới tập cảm thấy bối rối. Mọi người thường nghĩ mục tiêu của thiền làm cho trí tuệ minh mẫn, nhưng thật ra đây là một điều hoàn toàn thiếu thực tế.
Trừ khi dành toàn bộ cuộc sống của mình cho việc tu tập, bạn sẽ không bao giờ có thể khiến tâm trí thông suốt bằng thiền. Tuy nhiên, bạn có thể học cách hiểu rõ được quy luật vận động của tinh thần.
Thiền định có thể được dịch từ tiếng Tây Tạng là "sự làm quen" - làm quen với tâm trí mình. Có rất nhiều phương pháp thiền khác nhau, nhưng đa phần mọi người đều thực hành thiền chánh niệm.
Chánh niệm nghĩa là tận hưởng khoảnh khắc ở thời điểm hiện tại. Theo thuật ngữ tâm lý, đó là một dạng siêu nhận thức, giúp chúng ta có được cái nhìn linh hoạt và tách rời về tâm trí. Qua đó, chúng ta sẽ ngắm nhìn tâm trí từ xa, thay vì bị cuốn đi bởi dòng suy nghĩ ồ ạt của chính mình.
Vì thế, bạn cần phải ghi nhớ định nghĩa này trong đầu. Thiền định là một phương pháp mà mục tiêu là bình ổn sự tập trung của bạn theo thời gian, thông qua quá trình làm quen này.
Đặt ra các mục tiêu nhỏ, ví dụ như tập thiền 3-5 phút/ngày
Duy trì thói quen hành thiền đôi khi còn khó thực hiện hơn cả đi tập gym. Lợi ích của việc tập gym rõ ràng đến như vậy mà đôi khi chúng ta còn quên không đi tập. Lợi ích của việc hành thiền lại càng khó nhận ra hơn, nên đây chính là thứ đầu tiên mà chúng từ bỏ khi quá bận rộn hoặc căng thẳng.
Nếu đặt mục tiêu hành thiền 30 phút/ngày, bạn chắc chắn sẽ thất bại. Kể cả những người có tính kỷ luật cao cũng nhận thấy khó có thể làm được điều này. Bạn tập thiền không phải để loại bỏ mọi vấn đề của mình, mà để dành thời gian kết nối sâu hơn với tâm hồn mình. Bạn tạm thời gạt các mối lo âu sang một bên để quan sát sự nhận thức. Thiền định chính là khoảng thời gian yên bình mà bạn có thể dẹp bỏ tất cả để hiểu rõ hơn về tâm trí mình.
Do đó, hãy khởi đầu nhẹ nhàng bằng 3-5 phút hành thiền mỗi ngày, thậm chí là 10 phút nếu bạn đã có nhiều kinh nghiệm. Kể cả trong những ngày mà bạn không có tâm trạng để thiền, hãy cố dành ra ít nhất 3 phút để hít thở thật sâu và quan sát tâm trí. Rất có thể bạn sẽ kết nối sâu hơn với con người mình và thay đổi cả quãng thời gian còn lại trong ngày.
Sử dụng ứng dụng hỗ trợ
Dù là người mới học thiền hay đã có kinh nghiệm, bạn vẫn nên nhờ tới sự trợ giúp của các ứng dụng như Waking Up hay Ten Percent Happier. Chúng sẽ giúp bạn luyện tập một cách bài bản, đi kèm với các bài giảng và giáo trình bổ trợ.
Ngoài ra, nếu đăng ký ứng dụng trả phí, bạn sẽ buộc bản thân mình phải tập thiền mỗi ngày. Bạn có thể đăng ký gói 1 tháng, hoặc có thể thử thách bản thân với gói 1 năm. Vào những ngày mà bạn cảm thấy lười biếng và không muốn tập thiền, có lẽ bạn sẽ vẫn ngồi xuống và hít thở đều trong vài phút khi nghĩ đến số tiền mình đã bỏ ra để đăng ký ứng dụng.
Đừng mong thành công khi tập thiền
Sự thực là, tập thiền cũng có phương pháp đúng và phương pháp sai. Theo một cách nào đó, điều này quyết định thành công trong quá trình tập thiền. Tuy nhiên, suy nghĩ như vậy lại càng khiến bạn dễ bỏ cuộc hơn.
Thước đo thành công duy nhất mà chúng ta nên quan tâm là liệu chúng ta sẽ duy trì việc thiền định trong vòng bao lâu. Khi đó, thất bại chính là việc bạn từ bỏ hoàn toàn thói quen này. Bạn có thể lỡ mất 4-5 ngày nhưng đừng bao giờ nghĩ rằng: "Giờ mới tháng Hai mà tôi đã lỡ mất vài ngày. Có lẽ tôi sẽ tập thiền lại vào năm sau".
Mục tiêu lâu dài của việc thiền định là để thấu hiểu tâm trí mình. Bạn nên khám phá xem tại sao mình lại bỏ lỡ vài ngày? Điều gì ngăn cản mình hành thiền? Bạn sợ cảm xúc gì sẽ đến nếu ngồi xuống và đối mặt với nó. Thiền định không phải là để thành công hay thất bại, mà là để duy trì được sự tò mò sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân mình hơn mỗi ngày.
Giáo viên kỳ cựu về bộ môn thiền Vipassana từng nói: "Nó đơn giản, nhưng không hề dễ dàng". Ai cũng biết rằng mục tiêu của thiền định là giúp bạn tập trung vào dòng suy nghĩ. Tuy nhiên, sau nhiều năm hành thiền, bạn sẽ vẫn thường xuyên bị lạc trong dòng suy nghĩ của chính mình. Đó không được coi là thất bại, mà chỉ đơn giản là một phần của quá trình luyện tập.
Đừng để lợi ích của thiền làm xao nhãng mình
Thiền định có thể mang lại rất nhiều lợi ích cho cơ thể, ví dụ như giảm thiểu sự lo lắng và tăng cường khả năng nhận thức. Đây có thể là động lực khiến bạn tập thiền mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn không nên để chúng làm mờ mắt mình. Bạn nên tập thiền vì những lý do sâu xa hơn: Dù cảm thấy lạc lối ra sao, bạn vẫn có khả năng thức tỉnh trong khoảnh khắc hiện tại và hiểu thấu tâm trí mình.
Sam Harris - cha đẻ của ứng dụng thiền định Waking Up - đã giải thích lý do tại sao mọi người không nên tập thiền chỉ vì chúng đem lại nhiều lợi ích: "Thiền định không giống như việc đi tập gym - bạn không làm điều đó chỉ vì nó tốt cho sức khỏe của mình. Nó còn hơn cả vậy. Nếu biết thực hành đúng, bạn sẽ có thời gian nhìn nhận lại mọi thứ trong quá trình mưu cầu hạnh phúc của mình. Còn không, thiền định sẽ lại chỉ là một chiến lược khác giúp bạn tìm kiếm hạnh phúc - vấn đề đã tồn tại bấy lâu nay mà không thể giải quyết".
Thông qua thiền định, chúng ta có thể tạm thời buông bỏ mọi vấn đề và dùng 5 phút ngắn ngủi đó để quan sát xem đâu là điều tâm trí mình muốn trong thời điểm hiện tại.
Áp dụng các triết lý vào trong thiền định
Để duy trì được thói quen tập thiền, bạn nên gắn nó với những khía cạnh khác trong cuộc sống của mình. Bạn có thể theo dõi bài giảng của các chuyên gia nổi tiếng như Ram Dass hoặc Alan Watts, hay xem một video truyền cảm hứng trước khi bắt đầu tập thiền.
"Waking Up" cũng là một lựa chọn đáng chú ý bởi ứng dụng này kết hợp thiền định với những kiến thức về khoa học thần kinh, tâm lý học và triết học phương Đông. Nhờ đó, bạn có thể dễ dàng áp dụng các truyền tải các trải nghiệm của mình vào trong cuộc sống.
Luôn ghi nhớ ý định tốt đẹp ban đầu đã đưa bạn tới thiền định
Trong quá trình thiền định sẽ có rất nhiều trắc trở khiến bạn muốn bỏ cuộc. Khi ấy, hãy nhớ về ý định tốt đẹp đã đưa bạn đến với thiền định lúc ban đầu. Ai cũng có lý do riêng khi lựa chọn tập thiền, dù không phải lúc nào cũng có thể nhận ra.
Có thể bạn muốn bản thân tốt đẹp hơn cho mình và những người xung quanh. Có thể bạn muốn biến cuộc sống của mình trở nên thoải mái hơn với sự cân bằng, lòng trắc ẩn và niềm vui.
Thiền định có thể sẽ giúp bạn thành công, nhưng quan trọng hơn cả là nó giúp bạn và những người xung quanh bớt đau khổ đi. Thiền định giúp chúng ta kết nối sâu hơn với con người mình, mở ra một khoảng trống bình yên trong tâm trí để lòng biết ơn và tình yêu có thể hiện diện một cách dễ dàng nhất.
Theo Medium