5 bài học cuộc đời của tôi sau 1 thập kỉ đã qua

17/02/2020 13:02 PM | Sống

Tôi dành phần lớn thập kỷ qua để làm rất nhiều thứ bản thân thừa nhận không thoải mái chút nào. Tôi từ bỏ vai trò mọt sách để làm qua hơn 7 loại công việc, dù là trí óc hay tay chân. Tôi đối mặt với rất nhiều những điều không chắc chắn trong cuộc đời như bao người khác: sự nghiệp, bạn bè, tình cảm...

Một trong những điều thú vị từ việc viết của tôi, chính là nó xuất phát từ vị thế ích kỷ cá nhân, tôi viết về những điều tôi tin và những quan sát của mình, tuy nhiên điều đem lại ý nghĩa chính là việc những bạn đọc tìm thấy sự đồng cảm qua trải lòng của tôi.

Một thập kỷ vừa qua chúng ta đã học được rất nhiều thứ từ cuộc đời, chúng ta có lẽ sẽ không nhận ra khi tiếp tục hướng không ngừng nghỉ về phía trước.

Hôm nay tôi may mắn có dịp dừng lại và nghĩ về tất cả những gì đã qua. 5 bài học mà tôi ghi nhận lại, có lẽ không có gì là mới mẻ, tuy nhiên lại đến từ những trải nghiệm cá nhân nhất của riêng tôi. Nó cũng như lời nhắc nhở của tôi cho chính mình, và hy vọng các bạn cũng sẽ tìm thấy một vài điều hữu ích. Với những ai, mong muốn tìm thấy cái gì đó hoàn toàn mới, thì các bạn có thể bỏ qua mấy dòng này.

01. 

Cuộc đời thường rẽ về hướng chúng ta ít hình dung về chúng nhất. Thập kỷ vừa qua đã mở ra và gấp lại với nhiều điều tôi hẳn chẳng bao giờ có thể dự đoán trước. Tôi hẳn chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ở vào một vị trí với những vai trò và trách nhiệm mà giờ đây tôi đang bước qua. Và nếu quay ngược về những năm đầu tiên của 20, tôi hẳn chẳng bao giờ hình dung mình sẽ nói tiếng Nhật, làm việc với người Nhật, và bước đi trên những con đường ngập tuyết. Và những ngày len lỏi khắp nơi trong một thành phố xa nhà như vậy, tôi hẳn chẳng hình dung mình lại trở về với công việc giảng dạy tiếng Anh.

Ở một phạm vi rộng lớn, cuộc đời hẳn không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của chính ta. Mọi thứ có thể diễn ra một cách tốt đẹp ngay cả khi nó không phải những gì chúng ta đã từng trông đợi.

Điều tôi tâm đắc nhất khi nghĩ về tất cả những diễn biến này, cũng là điều tôi vẫn thỉnh thoảng nhắc nhở bản thân mình: Hãy cố gắng từ bỏ bản năng muốn kiểm soát những gì không nằm trong phạm vi kiểm soát của chính ta, thay vào đó hãy đặt lòng tin và trí tò mò vào những thay đổi ngẫu nhiên của cuộc đời.

5 bài học cuộc đời của tôi sau 1 thập kỉ đã qua - Ảnh 1.

02. 

Để trưởng thành, người ta cần học cách cởi mở với cảm giác Vô định và Không thoải mái. Thậm chí có lẽ nó mất cả một đời người để hoàn toàn lĩnh hội được điều này. Tôi dành phần lớn thập kỷ qua để làm rất nhiều thứ bản thân thừa nhận không thoải mái chút nào. Tôi từ bỏ vai trò mọt sách để làm qua hơn 7 loại công việc, dù là trí óc hay tay chân. Tôi đối mặt với rất nhiều những điều không chắc chắn trong cuộc đời như bao người khác: sự nghiệp, bạn bè, tình cảm... 

Điều này cũng không có gì là đặc biệt hay lấy làm tự hào vì đây là những chuyện hết sức đời thường mà tôi nghĩ ai cũng trải qua với những phiên bản khác nhau. Chỉ khi tôi nhận ra và học cách cởi mở hơn với tính vô định và không thoải mái của cuộc đời thì nó mới giúp bản thân xoay sở tốt hơn với mấy thứ cảm giác như: lo âu, sợ hãi, lạc lõng, và bất an...

Có lẽ cần đến một đời người để thực sự cảm thấy thoải mái với không thoải mái, và vững tâm đối với Không chắc chắn. Dĩ nhiên đôi lúc trong cuộc sống chúng ta sẽ suy sụp vì một tình thế éo le nào đó, việc rèn luyện có lẽ là cần thiết dù là không tuyệt đối.

5 bài học cuộc đời của tôi sau 1 thập kỉ đã qua - Ảnh 2.

03. 

Để sống có ý nghĩa, người ta không thể không gắn bó với việc học. Với hành động học mà ở đây tôi muốn nói đến, mục đích sau cùng của nó là để ta luôn tìm lại được trạng thái tâm hồn và thế giới quan của một đứa trẻ. Hãy nhớ về khi lúc bạn 4 hay 5 tuổi, hãy xem trí tò mò đem lại màu sắc sống động như thế nào cho cuộc sống.

Việc học đến với rất nhiều hình thức. Đi học ở trường, đọc sách, tìm hiểu thông tin và kiến thức qua các phương tiện thời 4.0, quan sát, chiêm nghiệm, học từ người khác, học những gì đang diễn ra bên trong chính chúng ta... Có lẽ việc học chẳng có một giới hạn nào dù là liều lượng hay dạng thức, giới hạn duy nhất nằm ở trí tưởng tượng và lòng đam mê của ta dành cho cuộc sống mà thôi.

Điều này đến từ trải nghiệm rất cá nhân của bản thân tôi. Đã có những lúc tôi thật sự hoài nghi về những hướng đi và bản ngã. Trong những hoàn cảnh như vậy, khi tôi quên đi mình là ai hoặc đánh mất khao khát trở thành ai đó trong cuộc đời, tôi trở lại với việc học. Chính vì vậy, sức mạnh to lớn của nó vượt xa hơn bất kì động lực bên ngoài nào. Với phương cách tiếp cận cuộc đời như vậy, thập kỷ qua nó mang tôi đến những vùng đất tôi chưa bao giờ hình dung đến.

5 bài học cuộc đời của tôi sau 1 thập kỉ đã qua - Ảnh 3.

04. 

Sự tập trung là đức tính quan trọng mà chúng ta cần xây dựng.

Có lẽ đây là một điều hết sức hiển nhiên. Tuy nhiên, khi thời gian qua đi, dần dần tất cả chúng ta sẽ cảm nhận rất rõ sự giới hạn trong mọi thứ. Tôi dần biết tôi không thể trở thành tất cả những gì tôi từng ao ước mà chỉ có thể biến một xác suất trở thành hiện thực. Và bạn chỉ có những nguồn lực hết sức giới hạn để biến một vài xác suất trở thành hiện thực trong suốt cuộc đời. 

Tôi không muốn làm cho điều này trở nên sáo rỗng bằng cách khuyên bạn tìm thấy một lý tưởng và tập trung cho một hướng như vậy. Thời gian qua đi, chính bạn rồi sẽ nhận ra một vài thứ bạn có thể làm tốt, một vài thứ bạn cảm thấy quan trọng trong cuộc đời, rồi thì hãy nhắc nhở bản thân đừng để tiếng ồn của cuộc đời làm bạn đánh mất sự tập trung cho điều thực sự quan trọng với mình.

5 bài học cuộc đời của tôi sau 1 thập kỉ đã qua - Ảnh 4.

05. 

Bạn tin tưởng vào điều gì? Mọi thứ trong cuộc đời đều có tính tương đối. Thỉnh thoảng bạn không cần đến chứng minh khoa học để chọn lấy niềm tin. Vấn đề là bạn cần có một vài thứ để tin và xây dựng thế giới quan của riêng mình. Nó là nền tảng duy nhất mà nếu bạn không xây, thì mãi mãi bạn sẽ sống trong hoài nghi và cảm giác hoài phí thời gian.

Những năm đầu 20, khi tôi đọc rất nhiều sách self-help, tôi sẽ hiểu điều này đơn giản là tìm ra sứ mệnh, xây dựng mục tiêu và định hướng cuộc đời theo đó. Tuy nhiên, thập kỷ vừa qua, khi tôi tiếp tục đào sâu hơn nhiều khía cạnh của cuộc đời, tôi cảm thấy những điều đó cũng không giúp ích là mấy và hầu như không giúp ích trong việc định hướng cuộc đời khi chúng ta không có nền móng của bản ngã. Người ta thường nghĩ rằng mình tin vào một điều gì đó chứ ít khi thực sự tin vào một điều gì đó đủ sâu sắc.

Tập hợp những thứ bạn tin sẽ xây dựng thế giới quan của riêng bạn, nó là kim chỉ nam của cuộc đời. Có một vài người bạn biết hầu như luôn ung dung ngẩng cao đầu và dửng dưng với quyền lực và sự xa hoa. Vì điều họ tin rất khác với những gì người khác tin. 

Ai nói rằng theo đuổi vật chất là xa xỉ? Ai bảo theo đuổi tinh thần là nghèo nàn? Người biết dung hoà có lẽ nào sống hạnh phúc hơn? Vấn đề ở đây, không có đúng sai, quan trọng là bạn tin vào cái gì. Đây là bài học mà tôi tâm đắc nhất, vì tôi chưa bao giờ thấy một người hạnh phúc mà không có một thế giới quan tập hợp bởi những niềm tin vững chắc.

*Bài viết được trích từ The Pursuit of Meaning - Sam Vo Blog.

Sam Vo

Cùng chuyên mục
XEM