Xem xét điều chỉnh quy định thương nhân xuất khẩu gạo
Những vấn đề phát sinh trong công tác xuất khẩu gạo sẽ được tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gạo hữu cơ, gạo chất lượng cao đã đề nghị với Bộ Công Thương cho phép được xuất khẩu sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất, trong khi chưa đủ năng lực đầu tư cơ sở xay, xát, kho chứa đáp ứng quy định như trường hợp Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú ở tỉnh Cà Mau.
Ngoài ra. một số thương nhân hoạt động kinh doanh lúa gạo trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam (là những địa phương ngoài vùng quy hoạch đã được phê duyệt) có hồ sơ đề nghị được tham gia hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.
Để giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã trao đổi với các Bộ, ngành, địa phương liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Công ty Cổ phần Thương mại và Sản xuất Viễn Phú được xuất khẩu gạo theo cơ chế đặc thù trong các năm 2014, 2015. Tuy nhiên, trên thực tế kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp cũng rất hạn chế (năm 2015, doanh nghiệp Viễn Phú chỉ xuất khẩu được 15 tấn gạo).
Đối với các trường hợp thương nhân ngoài vùng quy hoạch, Bộ Công Thương đã trao đổi với các Bộ, ngành liên quan và có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép bổ sung các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An vào địa bàn quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức triển khai thực hiện.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 6139/QĐ-BCT ngày 28/8/2013 phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, xác định cụ thể các tiêu chí, điều kiện để được cấp và duy trì Giấy chứng nhận như tiêu chí về kho chứa, cơ sở xay, xát, tiêu chí địa bàn quy hoạch xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc, gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh; tiêu chí, điều kiện về thành tích xuất khẩu.
Các tiêu chí, điều kiện này nhằm mục đích kiểm soát, khống chế số lượng đầu mối và địa bàn đầu tư, phòng ngừa tình trạng đầu tư ồ ạt, lãng phí; tạo động lực thúc đẩy thương nhân tăng cường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho người nông dân.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác điều hành hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi tình hình triển khai thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, từ đó ghi nhận những vấn đề phát sinh trong thực tiễn để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh cho phù hợp”.