World Bank: Nới room ngoại, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa "ngó ngàng" tới ngân hàng yếu kém VN

20/07/2015 17:17 PM |

Mặc dù có những điều chỉnh quy định cho phép các trường hợp ngoại lệ về trần sở hữu nước ngoài, các ngân hàng nước ngoài không tham gia trực tiếp vào bất kỳ thương vụ M&A nào gần đây.

Nội dung nổi bật:

- Sau một năm chậm chạp, tiến trình cải cách quá trình hợp nhất ngành ngân hàng đã được đẩy nhanh hơn trong 6 tháng đầu năm 2015, đặc biệt là về hợp nhất ngân hàng, đơn cử như các thương vụ giữa BIDV và MHB, Vietinbank và PG Bank, và sắp tới là giữa Vietcombank và SaigonBank...

- Đã có những điều chỉnh quy định cho phép các trường hợp ngoại lệ về trần sở hữu nước ngoài, nhưng các ngân hàng nước ngoài không tham gia trực tiếp vào bất kỳ thương vụ M&A nào gần đây.

- Thực tế này có khả năng là kết quả của nhiều yếu tố như chưa có ngân hàng trong nước đủ hấp dẫn và cơ chế pháp lý hỗ trợ


Đẩy mạnh M&A sau 1 năm chậm chạp

Báo cáo “Điểm lại cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam” của Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định: Sau một năm chậm chạp, tiến trình cải cách quá trình hợp nhất ngành ngân hàng đã được đẩy nhanh hơn trong 6 tháng đầu năm 2015, đặc biệt là về hợp nhất ngân hàng.

Khác với những năm trước, khi quá trình hợp nhất chủ yếu liên quan tới sáp nhập các ngân hàng nhỏ hơn (và hoạt động yếu kém hơn) thì năm nay chứng kiến nhiều thương vụ mua lại các ngân hàng nhỏ hơn của các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn bao gồm các thương vụ giữa BIDV và MHB, Vietinbank và PG Bank, và sắp tới là giữa Vietcombank và SaigonBank.

Hơn thế nữa, thay vì cho phép các ngân hàng yếu kém tuyên bố phá sản, NHNNVN tiếp quản nhiều ngân hàng nhỏ hơn và bổ nhiệm lãnh đạo điều hành có kinh nghiệm của các ngân hàng thương mại quốc doanh vào các vị trí chủ chốt để thúc đẩy chuyển đổi vận hành, chẳng hạn như VNCB vào tháng 2, OceanBank trong tháng 4 và GP.Bank trong tháng 7.

Ngoài ra, còn có một số ít thương vụ sáp nhập giữa các ngân hàng thương mại cổ phần mạnh hơn (như các thương vụ sáp nhập giữa Sacombank và Southern Bank, Maritime Bank và MDB). Đa số nếu không nói là tất cả các thương vụ M&A đều được các cơ quan điều tiết hỗ trợ nhằm mục tiêu hợp nhất hệ thống ngân hàng và giải quyết tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng, theo đó giảm một số rủi ro mang tính hệ thống.

“Mặc dù gia tăng số lượng thương vụ M&A nhưng mục tiêu giảm tổng số lượng ngân hàng thương mại xuống còn 15 -17 ngân hàng vào năm 2017 vẫn là một thách thức” – báo cáo nhận định.

Nới trần sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa mặn mà

Đã có những điều chỉnh quy định cho phép các trường hợp ngoại lệ về trần sở hữu nước ngoài, nhưng các ngân hàng nước ngoài không tham gia trực tiếp vào bất kỳ thương vụ M&A nào gần đây.

World Bank cho rằng, thực tế này có khả năng là kết quả của nhiều yếu tố như chưa có ngân hàng trong nước đủ hấp dẫn và cơ chế pháp lý hỗ trợ.

Xét về mặt pháp lý, dù tỷ lệ trần sở hữu nước ngoài vẫn không đổi 30% (theo đúng cam kết của Việt Nam với WTO), Nghị định số 01 ban hành vào tháng 1 năm 2014 cho phép tỷ lệ tham gia vốn chủ sở hữu của nước ngoài cao hơn trong một số trường hợp đặc biệt nếu được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh việc đem lại thêm vốn, sự tham gia của nhà nhà đầu tư nước ngoài trong các hoạt động M&A còn có thể hỗ trợ tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, quản lý và minh bạch ở các tổ chức liên quan. Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa có nhà đầu tư nước ngoài thực sự quan tâm tới các ngân hàng yếu kém của Việt Nam”, World Bank cho biết.

Hiện tại, Việt Nam có 6 ngân hàng 100% vốn nước ngoài là ANZVL, Hong Leong, HSBC, Shinhan Vietnam, Standard Chartered, và Public Bank Berhad. Ngoài ra, ngân hàng Citi (Citibank) đã được chấp thuận thành lập ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

World Bank cũng cho rằng câu hỏi về quy mô thực tế của nợ xấu (tính theo thông lệ quốc tế) vẫn chưa được giải đáp mặc dù những thay đổi luật định gần đây là bước đi đúng hướng.

Một tín hiệu vui đối với hệ thống ngân hàng là tại thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng dường như đã cải thiện niềm tin của người gửi tiền, thể hiện qua huy động ổn định và theo đó là dư thừa thanh khoản trong hệ thống để hỗ trợ các hoạt động tín dụng.

Gia tăng niềm tin còn được phản ánh qua tăng giá cổ phiếu của các ngân hàng niêm yết trong 6 tháng đầu năm (cụ thể như giá cổ phiếu của Vietcombank tăng 25%, giá cổ phiếu của Vietinbank tăng 26% trong Quý 2 năm 2015). Thị trường bất động sản cũng có dấu hiệu hồi phục ban đầu và điều kiện vĩ mô được cải thiện.

“Tuy nhiên, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ quá nhanh trong bối cảnh còn có can thiệp hành chính về phân bổ tín dụng thì có thể ảnh hưởng tới chất lượng tài sản của ngành ngân hàng”, World Bank cảnh báo.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM