Vụ "mất vốn Nhà nước" tại Megastar: Đại diện cổ đông Nhà nước lên tiếng
Liksin khẳng định rằng phần vốn góp của Nhà nước tại PNC mà Liksin làm đại diện, được bảo toàn và có lãi, giá trị theo kết quả thậm định giá đều cao hơn nhiều so với số vốn điều lệ.
Xung quanh vụ lùm xùm tại Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC), liên quan đến khoản vốn góp vào Liên doanh CGV (tiền thân là Megastar) và khoản vay 7 triệu USD từ đối tác Hàn Quốc, dưới sự "bảo trợ" của Tập đoàn CJ (đối tác liên doanh trong CGV), đại diện Nhà nước tại PNC là Tổng Công ty Công nghiệp In - Bao bì Liksin đã chính thức lên tiếng trong một văn bản gửi Ủy ban Nhân dân Tp.HCM.
Thực ra, thông tin mà Liksin đưa ra không có gì khác về cơ bản so với Thông cáo chung mà PNC và đối tác Envoy đã công bố trước đó. Chỉ khác, chủ thể công bố thông tin là Liksin - đối tượng mà một số thông tin trước đây cho rằng, đã làm mất vốn Nhà nước tại PNC.
Tranh cãi về việc "mất vốn Nhà nước"
Thông báo của Liksin cho biết, vốn điều lệ của PNC là 110,4 tỷ đồng, trong đó Liksin sở hữu 15,05%, tương đương 16,6 tỷ đồng - tính theo mệnh giá.
Bất chấp kết quả làm ăn thua lỗ của PNC trong thời gian gần đây (Công ty lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2014 là 60 tỷ đồng), cổ phiếu PNC vẫn đang được giao dịch với mức giá cao hơn mệnh giá, từ 13.000 - 14.000 đồng/cổ phiếu. Thậm chí, sau những thông tin mà Liksin cho là "sai sự thật" - cổ phiếu PNC có xu hướng tăng và dao động ổn định ở mức từ 14.000 - 15.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, giá trị thị trường của PNC tại thời điểm 21/7/2015 (ngay trước khi Liksin soạn công văn) là 165,6 tỷ đồng - và giá thị trường của phần vốn Nhà nước sở hữu tại PNC là 24,9 tỷ đồng.
Liksin dẫn kết quả Bản chứng thư thẩm định giá trị doanh nghiệp ngày 3/7/2015, giá trị thực tế ước tính phần vốn chủ sở hữu tại PNC vào cuối tháng 6/2015 là 454,8 tỷ đồng. Như vậy, mỗi cổ phần PNC có giá trị tương ứng 41.198 đồng - vượt xa thị giá của cổ phiếu PNC.
Đại diện Nhà nước tái khẳng định tỷ lệ góp vốn tại CGV là 20%
Như thông tin chúng tôi đã đưa, trong thông cáo chung giữa đối tác Envoy và PNC, 2 bên đông khẳng định tỷ lệ góp vốn của PNC trong liên doanh CGV là 20%, khoản vốn mà Envoy nộp thay cho PNC thuộc sở hữu của PNC. Liksin cho biết, dự kiến trong thời gian sớm nhất hai bên sẽ cùng thỏa thuận để hoàn tất các thủ tục cần thiết cho phần vốn góp này.
Về khoản vay 7 triệu USD, có nhiều thông tin cho là "bất minh", Liksin một lần nữa khẳng định khoản vay nhằm bổ sung vốn lưu động, tài sản thế chấp là phần vốn góp của PNC tại CGV. Việc thế chấp phần vốn góp để đi vay, trên thực tế không phải là việc làm mới mẻ. Trước đó, PNC đã thế chấp phần vốn góp nói trên tại Ngân hàng ACB để bảo đảm cho khoản nợ vay 73,5 tỷ đồng.
Kết luận
Trong công văn gửi UBND Tp.HCM, Liksin cho biết, mặc dù trong những năm gần đây, PNC hoạt động hiệu quả thấp, nhưng công ty đã phát triển uy tín thương hiệu của một đơn vị dẫn đầu trong ngành kinh doanh văn hóa. Giá trị thị trường của công ty bằng 1,5 lần so với vốn điều lệ. Kết quả chứng thư thẩm định cho kết quả khả quan hơn, ước tính giá trị thực tế phần vốn chủ sở hữu của PNC bằng 4,13 lần so với vốn điều lệ.
Liksin khẳng định rằng phần vốn góp của Nhà nước tại PNC mà Liksin làm đại diện, được bảo toàn và có lãi, giá trị theo kết quả thậm định giá đều cao hơn nhiều so với số vốn điều lệ.