Megastar - Bánh vẽ hay con gà đẻ trứng vàng của PNC?

15/07/2015 14:01 PM | Kinh doanh

20% vốn của PNC tại Megastar được ví như một hòm vàng, nhưng….mất chìa khóa!

Ngày mai 16/7/2015, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) sẽ tiến hành tổ chức ĐHCĐ thường niên lần 2. Càng gần đến ngày ĐHCĐ, những mâu thuẫn nội bộ của Phương Nam càng được đẩy lên đến đỉnh điểm, và được "phơi bày" trước báo chí. Với liên doanh Megastar ("sản phẩm" kết hợp giữa PNC và Envoy Media Partner Limited - một doanh nghiệp Hàn Quốc) - đã xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều và nổ ra tranh cãi.

PNC mắc kẹt vốn tại Megastar

Megastar là liên doanh giữa PNC và Envoy Media Partner Limited - có vốn pháp định 4 triệu USD - trong đó PNC đóng góp 20%, tương đương 800.000 USD. Đến năm 2006, Megastar muốn tăng vốn lên gấp đôi. Theo đó PNC muốn tiếp tục giữ 20% vốn tại Megastar (như trong giấy phép đầu tư), sẽ phải đóng góp thêm 800.000 USD. Việc này không hề đơn giản với PNC vì số tiền không nhỏ.

2 bên đã đi đến quyết định là PNC sẽ không tiếp tục góp vốn nữa mà đồng ý nhượng quyền góp vốn vào Megastar cho Envoy. Có nghĩa là Envoy sẽ góp vốn 800.000 USD dưới danh nghĩa của PNC. Bù vào đó, PNC sẽ được nhận một khoản tiền 400.000 USD từ Envoy (đã ghi nhận vào thu nhập của PNC và được kiểm toán thông qua). Như vậy, trên danh nghĩa PNC vẫn sở hữu 20% Megastar.

Sau đó Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) mua toàn bộ cụm rạp Megastar và đổi tên thành CGV như hiện tại. Việc bán Megastar do một mình Envoy quyết định, do họ sở hữu tới 80%. Tiềm năng của Megastar mặc dù chưa có con số cụ thể để đánh giá, chỉ biết 20% vốn của PNC tại liên doanh này được đánh giá lên tới 20 triệu USD.

Vấn đề với PNC và với cổ đông công ty này là khoản vốn góp vào Megastar (mà hiện tại là CGV) như một món bánh vẽ khi mà công ty không nhận được gì từ liên doanh này. Sau nhiều năm góp vốn, hiệu quả kinh doanh của Megastar khá rực rỡ, nhưng PNC không được chia một đồng cổ tức nào. Có ý kiến cho rằng, PNC đã mắc kẹt vốn tại Megastar mà không rút ra được. 20% vốn nói trên như một hòm vàng, nhưng….mất chìa khóa. Việc bán quyền góp vốn tại Megastar cho Envoy do vậy được cho là “bán vốn với giá rẻ mạt”

Năm nào cũng vậy, ĐHCĐ của PNC lại cất lên điệp khúc chia cổ tức từ Megastar. Nhưng tình hình vẫn không thay đổi khi đối tác (Trước là Envoy, sau là CJ) một mực muốn đầu tư mở rộng thay vì chia cổ tức. Họ nắm giữ tới 80% vốn, PNC có muốn “cãi” – e cũng không dễ dàng.

PNC được gì từ Megastar?

Về mặt logic, việc mua quyền góp vốn tại Megastar với giá 400.000 USD (bằng 50% số vốn phải góp thêm) chứng tỏ sự “tha thiết” của đối tác Envoy khi muốn tăng vốn tại liên doanh. Như vậy, để tăng vốn của Megastar lên gấp đôi, thay vì chỉ góp phần của mình là 3,2 triệu USD, Envoy đã phải bỏ ra số tiền lên tới 4,4 triệu USD (bao gồm phần “góp hộ” cho PNC 800 nghìn USD và mua quyền góp hộ 400 nghìn USD).

Không chỉ Envoy tỏ ra ưu ái với PNC, đối tác tiếp theo của PNC là CJ cũng có những hành động “nghĩa hiệp” tương tự.

Năm 2014, đứng trước khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc do thua lỗ liên tiếp 3 năm liên tiếp, CJ đã hỗ trợ PNC 600.000 USD thông qua một hợp dồng dịch vụ. Nhờ khoản này mà công ty thoát lỗ năm 2014, tiếp tục trụ sàn.

Cũng theo thông tin từ phía PNC, chính CJ là đối tác giới thiệu để công ty này vay 7 triệu USD từ công ty Cross Junction Investment Pte.Ltd (CJI) với lãi suất 4%. “Sóng gió” nổ ra khi PNC lấy chính 20% cổ phần tại Megastar để thế chấp cho khoản vay này. PNC lưu ý, đó là thế chấp, chứ không phải là bán cổ phần.

Tất nhiên những ưu ái từ Envoy và CJ dành cho PNC, cũng đáng được đặt câu hỏi. Vì sao các đối tác nước ngoài lại dành những sự hỗ trợ quá hời như vậy cho PNC, mà không đòi hỏi quyền lợi gì?

Vấn đề nằm ở chỗ quy định của Bộ Kế hoạch đầu tư về lĩnh vực kinh doanh văn hóa, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể nắm tối đa 80% vốn. Như vậy nếu PNC không chịu đóng thêm tiền để tăng vốn Megastar lên gấp đôi, liên doanh sẽ bị mắc kẹt. Envoy không hề muốn như vậy. CJ cũng thế, nếu như PNC “chán” và muốn rút vốn, liên minh CGV sẽ dễ mà đổ bể một cách hết sức lãng nhách. Trong khi đó, Megastar/CGV vẫn đang hái ra tiền. Những hỗ trợ của phía Envoy và CJ cho PNC, do vậy có thể hiểu là nhằm đạt thỏa thuận PNC tiếp tục giữ 20% vốn tại liên doanh, để họ đủ điều kiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Đan Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM