Hàng chục nghìn hộp đen nguy cơ tê liệt vì tăng cước 3G

25/10/2013 17:17 PM |

Cước phí để duy trì dịch vụ 3G cho hộp đen tăng khoảng 5-10 lần. Nhóm doanh nghiệp vận tải bất ngờ gánh thêm một chi phí không nhỏ. Hàng chục nghìn hộp đen đứng trước nguy cơ tê liệt.

Nội dung nổi bật:

- Các nhà mạng tăng cước 3G lên 20% nhưng mức cước cho hộp đen sử dụng trong ngành taxi, vận tải lại tăng từ 5 - 10 lần. 

- Khách hàng sử dụng máy tính bảng, smartphone vào 3G cũng bị thiệt hại tương tự nhưng có tần suất sử dụng không lớn như hộp đen nên chưa bộc lộ rõ.

- Việc tăng giá cước khiến các DN vận tải mất trung bình thêm 4,8 tỉ đồng/tháng. Đến nay, một số hộp đen đã ngừng hoạt động vì không chịu nộp tiền. 

Tê liệt vì “chiêu thức” tăng block

Ông Tạ Công Thuận - GĐ Cty TNHH Thương mại và Điện tử Vinh Hiển (TP Hồ Chí Minh), một DN cung cấp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) và dịch vụ quản lý hộp đen cho DN vận tải cho biết: Do hệ thống mạng của Viettel bao phủ rộng cả nông thôn và miền núi nên hầu hết các DN vận tải, quản lý hộp đen sử dụng dịch vụ của nhà mạng này.

Tuy nhiên, từ ngày 16/10 vừa qua, Vinh Hiển và nhiều DN vận tải, quản lý hộp đen tá hoả khi phí 3G cho hộp đen của Viettel tăng bất thường. Từ chỗ chỉ tốn 10.000 đến 40.000 đồng/tháng/hộp đen; nay mỗi ngày, một hộp đen ngốn từ 3.000-5.000 đồng/ngày, tương đương khoảng 100.000 đến 150.000 đồng/tháng; tăng khoảng 5-10 lần so với trước.

Vì sao các nhà mạng công bố tăng cước 3G khoảng 20%, nhưng hộp đen lại chịu mức tăng 5-10 lần như trên? Ông Thuận cho biết, đây chính là điểm “bí mật” trong “chiêu thức” tăng giá của cước 3G các nhà mạng giờ mới bộc lộ.

Trước đây, đơn vị để tính dung lượng sử dụng dịch vụ (block) là 10 KB. Đặc thù của hộp đen là dữ liệu truyền liên tục từ 5-60 giây/bản tin với dung lượng thấp (64-256 B), yêu cầu tốc độ truyền chậm nên đơn vị tính đó là vừa đủ. Lần này, đơn vị tính được nâng lên thành block 50 KB. Có nghĩa là chỉ dùng 0,1 KB cũng bị tính thành 50 KB. Đây chính là mấu chốt khiến giá cước 3G của hộp đen tăng đột biến.

Chủ một DN hộp đen (giấu tên) phân tích: Khách hàng sử dụng máy tính bảng, smatphone để vào 3G cũng bị thiệt khi chỉ vào mạng để gửi 1 tin nhắn cũng bị tính 50 KB. Còn với hộp đen, tần suất sử dụng nhiều nên cách tính này mới bộc lộ rõ.

“Chúng tôi mua sim, tức là đã ký hợp đồng với nhà mạng. Khi tăng cước, thay đổi cách tính tức là thay đổi hợp đồng, họ phải bàn bạc. Đằng này lại đơn phương tăng. Đó không phải là cách hành xử giữa các đơn vị kinh tế với nhau” - chủ DN này nói.

Kêu cứu các bộ, ngành

Thông tin từ Chi hội DN thiết bị giám sát hành trình (thuộc Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam) cho biết: Nhiều ngày qua, hàng loạt các hộp đen đột ngột ngưng hoạt động vì không kịp nộp tiền. Các DN vận tải lo lắng do không giám sát được phương tiện. Các đơn vị quản lý hộp đen buộc phải ứng tiền, trả cho các nhà mạng để “cứu sống” hộp đen.

Hiện nay, với khoảng 48.000 phương tiện buộc phải lắp hộp đen (gồm xe khách, xe buýt, xe du lịch), cước 3G cho hộp đen tăng (trung bình 100.000 đồng/xe), tương ứng với việc các DN vận tải sẽ mất thêm 4,8 tỷ đồng/tháng

Đó là chưa kể một lượng không nhỏ các xe taxi, xe cá nhân tự trang bị hộp đen.

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam Thân Văn Thanh cho rằng, nếu không giải quyết nhanh, việc tăng giá cước 3G với hộp đen này sẽ khiến hàng chục ngàn phương tiện nằm ngoài sự kiểm soát của DN và cơ quan chức năng; lái xe bị xử phạt và DN vận tải có nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh.

Bức xúc trước vấn đề này, Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam vừa gửi công văn kiến nghị Viettel, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ GTVT... đề nghị quay lại cách tính theo block như trước đây.

Chiều 24/10, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, lãnh đạo bộ đã nghe báo cáo về vấn đề này và giao cho các cơ quan thuộc bộ tìm cách tháo gỡ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một đại diện của Viettel Telecom cho biết đã nhận được phản ánh của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam. “Họ là một trong những khách hàng lớn. Là người bán hàng, chúng tôi luôn muốn giữ khách hàng. Chúng tôi sẽ sớm làm việc với họ để tháo gỡ” – vị đại diện này nói.

Theo Sỹ Lực

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM