Vất vả như học sinh Hàn Quốc: Đi học từ sáng sớm, về nhà lúc 11 giờ đêm

12/11/2015 08:25 AM |

Với học sinh cấp 3 Hàn Quốc, tại những trường chính quy, dù hàng ngày việc học trên lớp thường kết thúc lúc 4 giờ chiều nhưng thực tế sau đó nó còn kéo dài tới tận đêm muộn.

Tại Hàn Quốc, câu chuyện về việc học sinh tự tử đang ngày một phổ biến. Gần đây nhất, một nữ học sinh 16 tuổi tại thành phố Daejeon đã nhảy lầu tự sát, và để lại lời nhắn ghi dòng chữ: “Tôi ghét trường học”.

Đó chỉ là một trong vô số bi kịch của đất nước nơi mà tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến cái chết của rất nhiều học sinh trong độ tuổi từ 11 – 15. Ngoài ra, theo khảo sát, nhóm học sinh trong độ tuổi này tại Hàn Quốc cũng chịu áp lực và căng thẳng cao nhất trong số 30 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do học sinh phải tập trung cao độ vào việc học và các bài kiểm tra. Với học sinh cấp 3, tại những trường chính quy, dù hàng ngày việc học trên lớp thường kết thúc lúc 4 giờ chiều nhưng thực tế sau đó nó còn kéo dài tới tận đêm muộn.

Cụ thể, những đứa trẻ này tiếp tục tới các trung tâm học thêm hay phòng tự học và trở về nhà vào lúc 11 giờ đêm. “Học sinh cấp 3 nào cũng làm như vậy”, học sinh tên Han Jae Kyung và Yoon Seoyoon nói.

14 giờ học mỗi ngày trong phòng học phản ánh sự tập trung cao độ của xã hội Hàn Quốc vào giáo dục. “Tôi chưa từng chứng kiến ở một nơi nào khác coi trọng việc giành thứ hạng cao đến vậy”, theo Tom Owenby.

Anh đã dành 5 năm sống và làm việc tại Seoul, dạy tiếng Anh và lịch sử. Dù hiện là giáo sư tại Cao đẳng Beloit ở Wisconsin nhưng những trải nghiệm tại Seoul khiến anh không bao giờ quên.

“Vấn đề không phải là tìm ra con đường riêng của chính mình mà là việc phải làm tốt hơn những người xung quanh. Với học sinh Hàn Quốc, đây là cuộc đấu sống còn”, theo Owenby.

Mọi nỗ lực, cố gắng dường như chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi đại học duy nhất diễn ra vào tháng 11 hằng năm (tiếng Hàn được gọi là suneung). Kỳ thi này quan trọng tới mức, có năm toàn bộ máy bay tại các sân bay của Hàn Quốc tạm ngưng cất cánh và hạ cánh trong 35 phút để tránh làm ảnh hưởng đến các thí sinh tham gia kỳ thi đại học.

Kết quả của kỳ thi sẽ để đánh giá xem liệu học sinh đó có thể vào trường đại học nào. Kể từ khi xuất hiện những danh sách dạng như top 3 trường đại học hàng đầu được nhà tuyển dụng yêu thích nhất, mức độ cạnh tranh của kỳ thi suneung càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Xác suất để trúng tuyển vào một trường đại học hàng đầu giống như xác suất một người bị sét đánh vậy ”, học sinh có tên Han Jae Kyung nói.

Điều này dẫn đến một kết quả không mấy ngạc nhiên đó là nghiên cứu chỉ ra rằng hơn một nửa số người Hàn Quốc trong độ tuổi từ 11 – 15 nói họ phải chịu áp lực cực kỳ cao trong cuộc sống hàng ngày. Điều đáng báo động là tỷ lệ này tại Hàn Quốc cao hơn hẳn so với 30 quốc gia phát triển khác trên thế giới thuộc OECD.

“Đây thực sự là một dấu hiệu đáng báo động. Nếu những người trẻ tuổi không hạnh phúc, đồng nghĩa với việc không có gì đảm bảo sau này họ cũng hạnh phúc. Và như vậy, tương lai của họ sẽ thực sự tăm tối”, theo Kim Mee Suk – chuyên gia nghiên cứu tại Viện Sức khỏe và xã hội Hàn Quốc.

Giải thích cho thực trạng “sống chết phải vào đại học” của học sinh Hàn Quốc. Bà Kim Mee Suk gắn vấn đề này với kinh tế đất nước. “Hàn Quốc không có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Nguồn lực duy nhất mà chúng tôi có là con người. Vì vậy, việc mỗi người cần trang bị kiến thức, trình độ giáo dục cao hơn là để đóng góp cho đất nước chứ không chỉ cho lợi ích của riêng họ. Đây thực sự là tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Bản thân bà Kim cùng đồng nghiệp đã nhiều lần kêu gọi các trường học tại Hàn Quốc để học sinh có nhiều thời gian chơi hơn và bớt số lượng bài kiểm tra. Tuy nhiên, dường như những nỗ lực này đều vô vọng.

“Vấn đề này rất khó khăn bởi ngay cả khi những nhà hoạch định chính sách muốn thay đổi tình hình thì áp lực từ phía gia đình, bố mẹ các học sinh vẫn quá lớn. Họ làm mọi việc để con cái mình có thể nhận được cơ hội học tập tốt nhất. Đây giống như một cuộc chạy đua trong giáo dục”.

Một cuộc chạy đua quá khốc liệt như vậy không chỉ gây ra những bi kịch như tự sát mà còn để lại nhiều hậu quả về mặt xã hội. Hiện tại rất nhiều bố mẹ người Hàn Quốc nói rằng họ ngại sinh thêm con bởi chi phí cho giáo dục quá lớn và họ không có đủ khả năng.

Vân Đàm

Cùng chuyên mục
XEM