Vào khu biểu tình Thái Lan để... mua sắm quần áo

19/01/2014 09:05 AM |

Nếu lần đầu đi vào khu biểu tình của lực lượng PDRC đối lập ở Bangkok, bạn có thể tưởng nhầm đang đi vào một khu hội chợ.

Bước qua hàng rào bảo vệ đầu tiên, bạn sẽ gặp hàng trăm quầy hàng bán quần áo, đồ lưu niệm, còi, cờ và đủ thứ tạp hóa khác. Cùng với hàng ngàn người biểu tình đổ về Bangkok, các quầy hàng lưu động này cũng bám theo để bán hàng cho người biểu tình.

Bán gấp 10 ngày thường

Ở ngã năm Lat Phrao, tôi gặp Bia Wanasay, 30 tuổi, một anh chàng bán kem lạnh người Lào. Anh kể đã đưa quầy kem của mình tới đây từ hôm bắt đầu “đóng cửa Bangkok” 13-1. “Thường thì có người biểu tình là bán hàng rất tốt” - Bia nói với nụ cười thật thà.

Anh Nguyễn Văn Vinh, người Việt từ Lộc Hà, Hà Tĩnh, cũng tranh thủ đưa hàng nước giải khát của mình từ một nơi cách đó 5-6km đến điểm tụ tập của người biểu tình. “Hôm đầu tiên tôi bán được gấp mười lần ngày thường, phải chạy đi lấy hàng đến mấy lần, đến lúc hết hàng rồi nhìn người biểu tình thấy tội luôn - anh Vinh, 37 tuổi, nói với PV Tuổi Trẻ - Đến hôm nay người biểu tình có giảm nhưng lượng hàng bán được cũng gấp ba lần”.

Anh Vinh bán nước giải khát ở Bangkok được hơn sáu năm. Anh nhìn nhận dịp biểu tình là cơ hội cho những người bán hàng như anh. “Năm 2010, nhóm áo đỏ thân Thaksin biểu tình, bán rất chạy”.

Những mặt hàng “cháy” nhất trong những ngày biểu tình là đồ lưu niệm, quần áo với các dòng chữ biểu tình như “Shutdown Bangkok, Restart Thailand”, còi, cờ và dĩ nhiên không thể thiếu các món hàng ăn nhanh để lót dạ sau những giờ đi biểu tình... Các tuyến đường ở Pathumwan như Rama I, Phayathai ngày thường nhộn nhịp xe cộ thì giờ đặc kín người bán hàng. Những người bán hàng ở khu tượng đài Chiến thắng nói trong ngày đầu tiên khi “đóng cửa” bắt đầu, áo thun “Shutdown Bangkok” luôn “cháy hàng”. Những người chạy xe ôm cũng có những ngày đắt hàng vì đây là phương tiện dễ dàng đi qua các khu biểu tình nhất. Biểu tình đã tạo ra cơ hội kiếm sống cho những người buôn bán nhỏ lẻ.

Khu thương mại vắng tanh

Nhưng “đóng cửa” cũng gây thiệt hại lớn cho các trung tâm mua sắm lớn như Siam Center, Siam Discovery hay MBK, nơi hoàn toàn bị lực lượng biểu tình bao vây. Phía bên ngoài các trung tâm, người biểu tình dựng lều trên bãi cỏ, còn người bán hàng rong thì chiếm kín đường sá. Ban ngày người biểu tình thường xuyên vào các trung tâm này để nghỉ mát hoặc đi vệ sinh, trong khi trung tâm thì vắng khách hoàn toàn.

Anh Wasun Klampituk, giám đốc cấp cao cửa hàng Black Jack ở Siam Discovery, cho biết doanh thu của anh đã giảm 50% trong những ngày biểu tình này. “Thường tòa nhà cho mở đến 10g tối, nhưng nay do biểu tình, họ thường chỉ cho mở tới 6g hoặc 8g tối” - Wasun kể với PV Tuổi Trẻ.

Chị Supaporn Inthipun, 24 tuổi, nhân viên bán hàng của cửa hàng túi xách Bao Bao, khẳng định lượng khách nước ngoài của cửa hàng đã giảm hẳn. “Thường khách hàng chính của chúng tôi tới từ Trung Quốc, Malaysia, Indonesia. Nhưng giờ họ không đến nữa - chị Supaporn nói - Doanh thu của tôi giảm 50-70%”.

“Tôi đi làm cũng khó khăn. Đi qua nhóm biểu tình đông người nhiều khi rất vất vả. Tôi hi vọng là họ biểu tình không quá dài” - chị nói. Nhưng Supaporn vẫn thấy những tích cực từ cuộc biểu tình lần này: “Ít nhất lần này các cửa hàng còn mở, năm 2010 khi phe áo đỏ (thân Thaksin) biểu tình, không có cửa hàng nào dám mở cửa”.

Ở các điểm biểu tình, người dân Bangkok thường tới dự khá đông sau khi hết giờ làm. Phần lớn số này đều nói họ chấp nhận bất tiện để đạt được mục đích. Nhưng với nhiều người Bangkok khác, những khó chịu là điều khá rõ.

Chị Pornvarin Vichitvejpaisal, 32 tuổi, nhân viên tại Ngân hàng ADB ở Bangkok, kể tòa nhà nơi chị làm giờ kiểm soát an ninh gắt gao hơn. “Buổi sáng chúng tôi đi làm thường tàu điện BTS rất đông. Đến chiều thường chúng tôi phải kết thúc làm sớm vì ngại vấn đề an ninh - chị Pornvarin nói - Tôi sống như có lệnh giới nghiêm vậy do bố mẹ muốn tôi về sớm cho an toàn. Tiếng ồn cũng là một vấn đề vì họ thổi còi, ca hát suốt. Tôi ở tầng 23 nhưng vẫn bị ảnh hưởng”.


Theo Thanh Tuấn

thuyntt

Cùng chuyên mục
XEM