Tỷ lệ thất nghiệp cao: Đừng đổ thừa cho đại suy thoái

02/03/2015 15:26 PM |

Mặc dù đại suy thoái gây nên tỷ lệ thất nghiệp nhưng hậu quả nặng nề hay không là do sự vận hành của nền kinh tế ở giai đoạn hậu suy thoái.

Nội dung nổi bật:

- Một vấn đề được các nhà kinh tế học đặt ra là liệu có phải các cuộc suy thoái là nguyên nhân chính duy nhất gây nên hiện tượng thất nghiệp kéo dài, kể cả trong giai đoạn hậu suy thoái hay không?

- Đại suy thoái gây nên thất nghiệp nhưng hậu quả nặng nề hay không là do sự vận hành của nền kinh tế ở giai đoạn hậu suy thoái.

- Trong giai đoạn hậu suy thoái nếu nền kinh tế nào tạo ra được tăng trưởng kinh tế cao thì tỷ lệ thất nghiệp cao mà do suy thoái tạo ra sẽ không còn là vấn đề lớn nữa.


Đại suy thoái thường được ví như một cơn ác mộng tồi tệ và kéo dài của nền kinh tế các quốc gia nói riêng và kinh tế thế giới nói chung. Được đặc trưng bởi sự suy giảm đồng loạt và chưa từng thấy trong tổng sản phẩm quốc nội GDP và được cho là nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, hơn 5 năm sau khủng hoảng kinh tế thế giới tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao, ngoại trừ một số ít quốc gia quay lại đạt tỷ lệ thất nghiệp trước suy thoái.

Một vấn đề được các nhà kinh tế học đặt ra là liệu có phải các cuộc suy thoái là nguyên chính duy nhất gây nên hiện tượng thất nghiệp kéo dài, kể cả trong giai đoạn hậu suy thoái hay không?

Trong một nghiên cứu mới được công bố ngày 27/2, Giáo sư Kinh tế học Jan van Ours tại Đại học Tilburg đã chỉ ra rằng mặc dù Đại suy thoái gây nên thất nghiệp nhưng hậu quả nặng nề hay không là do sự vận hành của nền kinh tế ở giai đoạn hậu suy thoái.

Nghiên cứu này sử dụng nguồn dữ liệu hàng năm từ 20 quốc gia OECD trong giai đoạn 1970-2013, so sánh tỷ lệ thất nghiệp và tăng trưởng của các quốc gia trong ba khu vực bao gồm Khu vực đồng tiền chung Châu Âu, khu vực các quốc gia châu Âu và ngoài châu Âu, khu vực các quốc gia ngoài châu Âu và Hoa Kỳ.

Sự song hành giữa tỷ lệ thất nghiệp cao trong các cuộc suy thoái đã được nền kinh tế thế giới chứng kiến qua thời gian. Trong những năm 1970, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở các nước khu vực châu Âu thấp hơn đáng kể so với ở Mỹ và gia tăng mạnh những năm 1970 và đầu những năm 1980. Từ đầu những năm 1980 trở đi, tỷ lệ thất nghiệp trung bình ở các nước trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu là cao nhất và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục ở mức cao trong giai đoạn hậu suy thoái.

Tác động trực tiếp của cuộc Đại suy thoái về tỷ lệ thất nghiệp là nghiêm trọng nhất tại Mỹ, nhưng trong giai đoạn hậu suy thoái tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm mạnh. Bên cạnh đó, dao động trong tăng trưởng GDP là tương đồng. Sự suy giảm tăng trưởng GDP trong thời kỳ Đại suy thoái là vượt quá khả năng dự báo.

Trong giai đoạn đầu thập niên 1980, Hoa Kỳ cũng trải qua những đợt suy giảm tăng trưởng GDP nhưng mức độ nghiêm trọng thì không bằng giai đoạn Đại suy thoái. Trong những năm gần đây mặc dù đại suy thoái đã qua, song các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu có mức tăng trưởng âm diễn ra tiếp tục.

Mặc dù, nhiều người vẫn cho rằng khủng hoảng phải chịu trách nhiệm cho tỷ lệ thất nghiệp cao trong giai đoạn hậu suy thoái ở các nước gặp phải. Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Jan van Ours cho thấy điều này không đúng. Cụ thể tác giả cho rằng tăng trưởng kinh tế sẽ giúp giải quyết hậu quả của thất nghiệp.

Hay nói một cách khác trong giai đoạn hậu suy thoái nếu nền kinh tế nào tạo ra được tăng trưởng kinh tế cao thì tỷ lệ thất nghiệp cao mà do suy thoái tạo ra sẽ không còn là vấn đề lớn nữa. Nhờ kết quả nghiên cứu này mà chúng ta có thể khẳng định tại sao có quốc gia sau giai đoạn suy thoái tỷ lệ thất nghiệp còn cao, thậm chí là kéo dài nhưng cũng có trường hợp mà tỷ lệ có việc làm tăng cao.

Giáo sư Kinh tế học Jan van Ours trong nghiên cứu của mình đã chỉ ra rằng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3% khi tổng sản phẩm quốc gia (GNP) thực tế không tăng, và sẽ duy trì tính ổn định liên tục nếu tỷ lệ tăng trưởng hàng quý của GNP thực tế là 1%. Bên cạnh đó duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm là 2,4% là cần thiết để giữ cho tỷ lệ thất nghiệp không đổi.

Kết quả của nghiên cứu này sẽ có nhiều ý nghĩa về mặt chính sách kinh tế vĩ mô trong việc duy trì tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là giai đoạn hậu suy thoái kinh tế. Một trong những giải pháp đầu tiên để giảm tỷ lệ thất nghiệp là tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tăng trưởng kinh tế ảnh hưởng đến mọi vị trí của lao động trẻ. Tăng trưởng kinh tế góp phần giảm tỷ lệ thanh niên thất nghiệp một cách nhanh chóng và góp phần gia tăng tỷ lệ lao động trẻ. Do đó, tăng trưởng kinh tế là yếu tố quan trọng để giảm tỷ lệ thất nghiệp.

>> Mỹ tính tỷ lệ thất nghiệp như thế nào?

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM