Lối thoát cho cử nhân thất nghiệp?

19/12/2014 22:27 PM | Nghề nghiệp

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, lối thoát cho tình trạng thất nghiệp của cử nhân tốt nghiệp ĐH, CĐ là thực hiện giáo dục đại học định hướng nghề nghiệp ứng dụng.

Vấn đề được đưa ra mổ xẻ tại diễn đàn Các bên liên quan trong giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng tại Việt Nam, diễn ra ngày 18/12.

Ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, mô hình giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng (dự án POHE) từ năm 2010.

Quy mô thực hiện mô hình này hiện tại đang dừng ở 8 trường, với 2.200 sinh viên đã tốt nghiệp và 6.000 sinh viên đang theo học. Đáng chú ý là 8 trường này đã lôi kéo được hơn 500 doanh nghiệp cùng tham gia.

“Nắn”chương trình để chiều thị trường

Bà Đỗ Thị Ngọc Oanh, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên đưa ra ví dụ về sự thay đổi chương trình sau khảo sát nhu cầu: Ngành khoa học cây trồng của trường có giảm khối kiến thức cơ bản từ34% xuống còn 12% thời lượng, giảm số môn học như môn vật lý.

Kiến thức kỹ năng nghề nghiệp tăng từ 48% lên 57%; môn học về xã hội và quản lý tăng từ 7% lên 20%. Có những môn mới: Xã hội nông thôn, quan hệ công chúng; Tập huấn nông dân, pháp lệnh nông nghiệp…

Bà Nguyễn Thị Tính, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên cũng cho biết, trường đã tiến hành khảo sát thị trường lao động của sinh viên, nhu cầu của các trường phổ thông, xác định hồ sơ năng lực của sinh viên cần đào tạo, từ đó thay đổi lại toàn bộ chương trình đào tạo của nhà trường.

Trường ĐH Nông lâm (ĐH Huế) xây dựng chương trình đào tạo khác hẳn chương trình truyền thống. Trường đưa chương trình thực tập cho sinh viên ở doanh nghiệp ngay từ năm thứ nhất, với thời lượng thực tập tăng dần tới năm thứ 3 đã từ 3 – 5 tháng.

"Vẫn còn nhiều rào cản trong việc đưa các trường ĐH, CĐ tiếp cận với mô hình đào tạo này, trong đó có “sức ỳ” của chính sách và sự “thờ ơ” của nhiều doanh nghiệp" - ông Bùi Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học

Lãnh đạo các trường cho biết, điểm khác biệt của các chương trình đào tạo POHE so với các chương trình truyền thống là sự tham gia của các nhà tuyển dụng vào quá trình phát triển chương trình và đào tạo.

“Các trường ĐH, CĐ phải có sự liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp sử dụng lao động, lôi kéo họ tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo, trong đó quan trọng nhất là thẩm định đầu ra” - ông Bùi Anh Tuấn nói.

Bộ GD-ĐT nhìn nhận, vẫn còn nhiều rào cản trong việc đưa các trường ĐH, CĐ tiếp cận với mô hình đào tạo này, trong đó có “sức ỳ” của chính sách và sự “thờ ơ” của nhiều doanh nghiệp.

Đại học mong thoát cảnh đi nhờ

Giải thích cho sự “thờ ơ”mà lãnh đạo Bộ nhắc tới, ông Phạm Văn Cường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) nhận xét: Lợi ích tuyển dụng của doanh nghiệp không nhiều, lợi ích quảng bá của doanh nghiệp cũng rất ít. “Vì vậy, để có quan hệ với doanh nghiệp, nhà trường đa phần phải nhờ vào mối quan hệ của giảng viên, cựu sinh viên. Tuy nhiên, nếu cứ nhờ vả mãi kiểu này không được, không bền vững”.

Bà Nguyễn Thị Tính cũng “than thở” về vấn đề nảy sinh khi thực hiện chương trình POHE là không có cơ chế mang tính pháp lý về sự phối hợp, giúp đỡ giữa đơn vị đào tạo với các sở GD-ĐT, các trường phổ thông. “Nhà trường đưa sinh viên đi thực tập dựa trên mối quan hệ của cựu sinh viên quay về trường giúp đỡ”.

Từ cách đây một năm, chúng tôi đã có kiến nghị Bộ ban hành cơ chế phối hợp nhưng chưa tiếp nhận được văn bản vào về thực hiện cơ chế này. Bộ cần sớm có văn bản mang tính pháp quy để sở, trường giúp một cách bài bản đúng với danh nghĩa phát triển nghề nghiệp” – bà Tính đề xuất.

Cũng mong được luật hoá về quan hệ doanh nghiệp - nhà trường trong đào tạo, ông Nguyễn Tiến Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho rằng, cần có chính sách miễn thuế cho các đơn vị có sự gắn kết đào tạo với nhà trường.

Với kinh nghiệm thực hiện chương trình ngay từ đầu, ông Đinh Văn Dũng, phó giám đốc Chương trình Chất lượng cao và POHE (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) thì đưa gợi ý khác. Đó là thể chế hoá một quỹ đào tạo hợp tác nhà trường, doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp sử dụng quỹ này để chi tiêu cho sinh viên thực tập, đưa người xuống giảng dạy ở nhà trường. Nếu không sử dụng hết doanh nghiệp sẽ hoàn lại cho Nhà nước” - ông Dũng lập luận.

>> 174 ngàn cử nhân đang thất nghiệp

Theo Ngân Anh

Cùng chuyên mục
XEM