Tỷ giá USD/VND được dự báo “tăng ít nhất 3%” năm 2015
Trong báo cáo triển vọng 6 tháng cuối năm 2015 vừa được công bố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo tỷ giá USD/VND có thể sẽ tăng ít nhất là 3% trong cả năm nay.
Theo VCBS, trong nửa đầu năm 2015, tỷ giá bình quân liên ngân hàng đã ghi nhận hai lần điều chỉnh tăng vào đầu tháng 1 và đầu tháng 5, mỗi lần tăng 1%, hiện ở mức 21.673 VND/USD. Đến cuối tháng 6, tỷ giá bán tại các ngân hàng thương mại ở mức tương đối cao, 21.830 - 21.840 VND/USD, khá gần mức trần 21.890 VND/USD.
Tỷ giá trong thời gian qua chịu khá nhiều sức ép. Trong đó, áp lực nhiều nhất, theo VCBS, là đến từ việc đồng USD mạnh lên so với hàng loạt đồng tiền chủ chốt khác do kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu hồi phục tích cực và FED dù không vội vã nhưng khả năng cao vẫn sẽ nâng lãi suất trong năm nay, trong khi nhiều nền kinh tế lớn khác trên thế giới vẫn đang đối mặt với nguy cơ giảm tốc, bất ổn và suy thoái kéo theo việc phải tăng cường cũng như đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng và kích thích kinh tế.
Bên cạnh đó, một số diễn biến của nền kinh tế trong nước cũng tạo áp lực cho việc mất giá của đồng nội tệ như thâm hụt thương mại ở mức đáng kể (3,7 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2015), trong đó có sự gia tăng đáng kể của nhập khẩu ôtô nguyên chiếc, cho thấy một phần giá trị nhập siêu không đóng góp cho cải thiện năng lực sản xuất mà để tiêu dùng.
Ngoài ra, định hướng mặt bằng lãi suất VND thấp để hỗ trợ tăng trưởng và tâm lý đầu cơ USD cũng là nguyên nhân gây áp lực lên tỷ giá.
Trong nửa cuối năm 2015, VCBS nhận thấy một số yếu tố giảm bớt áp lực cho tỷ giá và thị trường ngoại hối như lạm phát được dự báo ở mức thấp; kiều hối, sau khi ghi nhận khoảng 12 tỷ USD trong năm 2014, được dự báo sẽ tăng 10% và có thể đạt 13 - 14 tỷ USD trong năm 2015.
Cùng với đó, vốn FDI giải ngân duy trì xu hướng tăng tích cực, đạt 6,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2015, và những hiệp định thương mại quan trọng được ký kết, đang trong quá trình đàm phán kết hợp với những thay đổi về chính sách, đặc biệt là Nghị định 60 nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở công ty đại chúng, được kỳ vọng sẽ tăng tính hấp dẫn của Việt Nam với dòng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp trong trung và dài hạn.
Ở chiều ngược lại, VCBS cho rằng chưa có thay đổi đáng kể nào trong những yếu tố tạo sức ép lên tỷ giá như đã được đề cập ở phần trên. Trong đó, VCBS đánh giá việc đồng USD mạnh lên sẽ tiếp tục là yếu tố hàng đầu gây áp lực lên tỷ giá và thị trường ngoại hối trong phần còn lại của năm.
Cũng theo VCBS, mục tiêu tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất VND thấp có lẽ sẽ phải đánh đổi bằng việc tiếp tục mất giá của đồng nội tệ. Theo đó, VCBS duy trì dự báo tỷ giá USD/VND có thể sẽ tăng ít nhất là 3% trong cả năm nay và lần tăng tỷ giá tiếp theo sẽ phụ thuộc rất nhiều và thời điểm FED quyết định tăng lãi suất.