Túi tiền người lao động sẽ vơi đi vì cách tính bảo hiểm xã hội kiểu mới?

12/12/2015 10:36 AM |

Nếu cách tính bảo hiểm xã hội mới được áp dụng từ 1/1/2016 thì dự kiến lương thực nhận của người lao động sẽ giảm, chi phí của doanh nghiệp tăng. Điều này khiến cả doanh nghiệp và người lao động "đứng ngồi không yên".

Bà Trần Thị Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội cho hay, tiền lương đóng BHXH từ ngày 1/1/2016 có sự thay đổi. Cụ thể:

Từ ngày 1-1-2016 đến hết năm 2017, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương và các khoản phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động. Điều này có nghĩa là người lao động sẽ phải đóng tiền BHXH trên số lương thực được nhận.

Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH sẽ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động.

Theo quy định, trong tổng tỉ lệ 26% đóng vào quỹ BHXH, người lao động đóng 8%, còn lại 18% do người sử dụng lao động đóng. Như vậy, số tiền đóng BHXH của người lao động theo quy định mới cũng sẽ tăng hơn một chút, ngược lại quyền lợi hưởng chế độ BHXH sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, áp dụng cách tính này đều không được doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng tích cực. Có hai lý do:

Thứ nhất, về phía người lao động, nhiều người cho rằng cách tính này sẽ khiến cho lương thực của họ giảm.

Chị Vũ Thị Diệu Thuần (một nhân viên ở Trung tâm dạy tiếng Nhật) cho hay, hiện chị đang đóng bảo hiểm tính trên lương tối thiểu (3,1 triệu đồng/tháng), mỗi tháng chỉ khoảng 200 nghìn đồng.

Nếu tính theo cách mới, thì khoản nộp BHXH sẽ tăng gấp đôi vì tiền lương để tính BHXH phải cộng thêm cả các khoản trợ cấp khác như xăng xe, nhà trọ, thưởng chuyên cần...

“Mặc dù chưa biết chính xác sẽ phải tính gộp các khoản nào vào lương để nộp bảo hiểm nhưng chắc chắn sẽ khiến túi tiền của tôi giảm nhiều hơn so với trước đó nhận được. Thực tế là thế nhưng sau này được hưởng thế nào thì làm sao biết được", chị Thuần nói.

Thứ hai, về phía doanh nghiệp, đại diện một doanh nghiệp trong ngành dệt may cho hay, với cách tính BHXH mới từ năm 2016, dự tính phần chi cho bảo hiểm sẽ chiếm 15% lợi nhuận của công ty, tăng 5% so với trước đó.

Chưa kể, lương tối thiểu vùng cũng tăng bình quân 12,4% từ năm sau, khiến sức ép chi phí cho lao động của doanh nghiệp này tăng lên đáng kể.

"Chi phí tiền lương cho người lao động của chúng tôi chiếm 60-70% tổng lợi nhuận, BHXH chiếm 10%. Còn 20-30% nữa chưa kể phải chi phí cho máy móc, thiết bị, môi trường, vệ sinh, xuất nhập khẩu... ", vị này cho hay.

Lo ngại những chi phí tăng thêm trên sẽ đẩy DN tới khó khăn, vị này cũng tính "nước rút" như: Tăng chi phí vào các khoản thưởng, tiền ăn ca đồng thời giảm những khoản trợ cấp để được tính nộp BHXH....

Bên cạnh đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng đang trong tình trạng "đứng ngồi không yên" vì chưa nắm rõ các khoản mà doanh nghiệp phải trả cho người lao động sẽ được tính vào lương để làm cơ sở đóng BHXH.

Chẳng hạn như các khoản thưởng chuyên cần, sản xuất, công việc, thưởng xếp bậc... Thông thường, các khoản này đến cuối tháng, cuối kỳ doanh nghiệp mới xác định số tiền là bao nhiêu. Cách tính mới có tính gộp các khoản này không? Và hợp đồng ghi như thế nào cho đúng quy định...

Theo giải trình của Bộ LĐ-TB&XH trước Quốc hội về thay đổi cách tính BHXH, quy định này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa những người tham gia BHXH (khu vực nhà nước và tư nhân). Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và góp phần cân đối Quỹ BHXH.

Mặc dù chỉ còn chưa đến 20 ngày nữa là bước sang năm mới, 1/1/2016 thế nhưng đến nay, vẫn chưa có một thông tư cụ thể nào ban hành, hướng dẫn về cách tính các khoản lương và cộng gộp để thu BHXH.

"Nhiều khả năng, nguy cơ thông tư hướng dẫn sẽ không kịp ban hành để thực hiện", ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM