Chỉ một nửa số doanh nghiệp nộp tiền bảo hiểm xã hội
Trước tình trạng này, ngành BHXH có khoanh tay đứng nhìn?
Chỉ có một nửa số doanh nghiệp (DN) tồn tại nộp tiền bảo hiểm. Nhiều DN trích tiền bảo hiểm của người lao động rồi giữ lại dùng vào mục đích khác. Tiền phạt chậm nộp còn rẻ hơn tiền lãi ngân hàng. Chế tài đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) chưa đủ mạnh để răn đe… Những lý do đó khiến cho Quỹ BHXH đứng trên bờ vực đổ vỡ.
Thông tin từ BHXH Việt Nam cho biết, hiện nay số đơn vị đăng ký thành lập DN là khoảng trên 500.000 DN, nhưng thực tế có khoảng trên 300.000 DN đang hoạt động và chỉ có 150.000 DN tham gia BHXH, như vậy có đến 50% DN không tham gia BHXH.
Trong khi đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội ước tính, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) khoảng 56.000 tỷ đồng/năm.
Tìm mọi cách đóng tiền ít nhất
Bà Nguyễn Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - cho biết, vấn đề nan giải trong quản lý, sử dụng, giám sát quỹ BHXH hiện nay là tình trạng trốn đóng và nợ BHXH diễn ra ở hầu hết địa phương. Tính đến hết tháng 12/2013, tổng số nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm tự nguyện (BHTN) là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó: nợ BHXH trên 4,7 nghìn tỷ đồng; nợ BHTN trên 0,3 nghìn tỷ đồng và nợ BHYT trên 1,4 nghìn tỷ đồng). Tuy nhiên, chỉ thêm 3 tháng, tức là đến hết tháng 3/2014, tổng số nợ đã vọt lên tới trên 11 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Có trường hợp chủ DN chiếm dụng tiền BHXH như thực hiện trích trừ tiền BHXH, BHYT của người lao động nhưng không nộp vào Quỹ BHXH...
Thực trạng hiện nay, nhiều DN ký hợp đồng lao động bằng mức tiền lương tối thiểu hoặc ký 2 hợp đồng với người lao động ở các mức khác nhau và lấy hợp đồng có số tiền lương phải trả ít hơn số thực trả để đăng ký với cơ quan BHXH.
Hiện nay, tiền lương, tiền công bình quân của người lao động đang tham gia BHXH của khối DN ngoài nhà nước khoảng 2,8 triệu đồng, thế nhưng theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực tế tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp ngoài lương khoảng 3,8 triệu đồng. Như vậy, với khoản chênh lệch 1 triệu đồng thì số thu BHXH, BHYT tương ứng khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm.
Chậm đóng bảo hiểm để... gỡ khó
Tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH xảy ra còn khá phổ biến, đặc biệt ở các DN ngoài quốc doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm trên 70% tổng số nợ), làm ảnh hưởng đến nguồn thu Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Theo nhận định của ông Trần Đình Liệu – Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam), một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH nêu trên là do Luật BHXH hiện hành quy định lãi chậm đóng bằng mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH trong năm, trong khi đó mức lãi suất của hoạt động đầu tư từ Quỹ BHXH thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các ngân hàng.
Mặt khác, mức phạt tiền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH theo quy định còn thấp. Chính vì vậy, nhiều DN cố tình nợ đóng, chậm đóng BHXH và chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng tiền đóng BHXH.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), với các chính sách hiện hành, đến năm 2021 Quỹ BHXH của Việt Nam sẽ mất cân đối thu - chi, buộc phải lấy từ nguồn kết dư để chi trả. Tuy nhiên, đến năm 2034, phần kết dư này cũng không còn, dẫn đến khả năng mất cân đối nghiêm trọng. Và khi đó, người lao động sẽ không nhận được lương hưu.
Trước tình trạng này, ngành BHXH có khoanh tay đứng nhìn?
Theo H.Thủy
Theo Báo Pháp luật
Copy link
Link bài gốc
Lấy link!