TS. Nguyễn Đình Cung: Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ thay đổi dần

10/05/2015 10:33 AM |

Một loạt văn bản pháp luật liên quan tới đầu tư, kinh doanh có hiệu lực từ 1/7/2015. TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Trung ương (CIEM), cho rằng sẽ không có sự thay đổi đột phá, như sau chính sách Khoán 10 hay Luật Doanh nghiệp năm 2000.

Tham gia xây dựng, sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ông nhận định thế nào về quá trình này?

Luật Doanh nghiệp có nhiều phiên bản, đầu tiên là năm 1990, thứ hai là 1999-2000, thứ ba là 2005 và phiên bản thứ tư là 2014.

Xét về mặt cải cách, bản chất của Luật Doanh nghiệp là ghi nhận, thừa nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của doanh nghiệp (DN) Việt Nam, đồng thời mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân.

Nếu như Khoán 100 và Khoán 10 trao quyền tự chủ cho hộ nông dân thì Luật Doanh nghiệp trao quyền tự do kinh doanh, thiết lập sự tự chủ kinh doanh cho DN. Từ đó, hai khu vực quan trọng là DN nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ được tự do phát triển.

Thực tế, mỗi phiên bản có điều kiện cụ thể khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, trình độ nhận thức khác nhau, nhưng ấn tượng nhât là Luật Doanh nghiệp năm 2000, với hai bước chuyển mang tính đột phá.

Thứ nhất, DN được quyền tự do kinh doanh, chuyển từ DN được quyền kinh doanh những gì mà Nhà nước cho phép sang DN được quyền tự do kinh doanh tất cả những những gì đã đăng ký.

Việc đăng ký thuận lợi, sự cấm đoán được hạn chế nhiều, nhiều rào cản gia nhập thị trường cũng được loại bỏ.

Trước đây, việc thành lập DN mất khoảng 6 tháng và tốn kém. DN phải xin xác nhận từ tổ dân phố đến phường, xã, huyện, tỉnh và có lúc phải tới cấp bộ và phải làm thủ tục hai lần: Xin phép thành lập và đăng ký kinh doanh.

Luật Doanh nghiệp 2000 đã rút ngắn quy trình thủ tục, đó là sự thay đổi khác biệt nên cảm nhận được rõ ràng. Luật Doanh nghiệp 2014 là sự kế thừa, dù cũng có thay đổi lớn.

Tuy nhiên, do trước đây thay đổi lớn quá, nên cảm nhận về khoảng cách của sự thay đổi này không rõ ràng bằng. Nếu như Luật Doanh nghiệp năm 2000 là từ cực này sang cực khác thì Luật Doanh nghiệp 2014, chỉ nâng cấp lên.

Xuyên suốt quá trình xây dựng và sửa đổi Luật Doanh nghiệp, ông nói gì về việc làm chính sách này?

Xây dựng chính sách, nhất là những chính sách có tác động lớn như Luật Doanh nghiệp, việc thuyết phục lẫn nhau không phải là lớn.

Chúng tôi làm nghiên cứu, nắm được lý thuyết và bằng chứng thực tiễn trong và ngoài nước, có thể vì vậy mà khi đưa ra được nhiều người ủng hộ.

Cạnh đó, thời điểm ban hành luật rất quan trọng. Thời điểm 1999-2000, sau khủng hoảng tài chính Đông Á, nền kinh tế Việt Nam suy giảm, rất cần những cú hích, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân.

Tương tự, với năm 2014, Việt Nam rất cần thay đổi môi trường kinh doanh. Những thay đổi lớn như thế có "thiên thời và địa lợi", song việc chuẩn bị kỹ lưỡng không kém phần quan trọng.

Ông nói nhiều đến sự thay đổi, nhưng theo ông chính sách tác động sâu sắc đến nền kinh tế Việt Nam?

Nhìn vào cải cách kinh tế của Việt Nam những năm qua, Khoán 10 và Luật Doanh nghiệp 2000 là sự thay đổi rõ nét nhất. Nhưng mỗi sự thay đổi đều có ý nghĩa riêng, không thể nói chính sách này quan trọng hơn chính sách kia, ngay cả khi chưa có những thay đổi tức thì, nó vẫn dần tác động, tạo thay đổi trong dài hạn.

Với những sửa đổi pháp lý mới đây, theo ông, sẽ có thay đổi nào đối với nền kinh tế tới đây?

Tôi cho rằng, môi trường kinh doanh đã căn bản hình thành, nó chỉ thay đổi dần. Nhưng chắc chắn không có thay đổi đột phá trước và sau chính sách như Khoán 10 hay Luật Doanh nghiệp 2000.

>> 40 năm kinh tế Việt Nam - góc nhìn quốc tế

Theo Xuân Hùng

Cùng chuyên mục
XEM