Trưởng đoàn đàm phán: Phải đến 2018 TPP mới có hiệu lực

10/10/2015 07:00 AM |

Phải mất 18 – 24 tháng để TPP có thể được Quốc hội các nước thông qua. Dự kiến từ tháng 1 – tháng 6/2018, TPP sẽ có hiệu lực sau khi được Quốc hội 12 nước phê chuẩn, trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, ông Trần Quốc Khánh cho biết.

Thông tin này được trưởng nhóm đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh tuyên bố tại buổi họp báo của Bộ Công thương về hiệp định nói trên vào chiều ngày 9/10.

Trước đó, từ 30/9, Bộ trưởng phụ trách thương mại của các nước tham gia đàm phán TPP đã họp tại Atlanta, Hòa Kỳ, để tìm kiếm thỏa thuận nhằm kết thúc toàn diện đàm phán Hiệp định TPP. Đến 5/10, các Bộ trưởng đã ra tuyên bố chính thức về việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, sau khi kết thúc đàm phán, để Hiệp định TPP được thông qua, Việt Nam cùng các nước TPP phải thực hiện 5 bước sau:

- Rà soát pháp lý để đảm bảo lời văn và các biểu cam kết thể hiện đúng kết quả đàm phán. Đây là công việc phức tạp, để làm nhanh, đòi hỏi nỗ lực cao độ của tất cả các đoàn đàm phán.

- Dịch thuật Hiệp định sang tiếng bản ngữ và công bố rộng rãi nội dung Hiệp định, cố gắng hoàn thành trong nửa đầu tháng 10 năm 2015, trên cơ sở hoàn tất sớm rà soát pháp lý.

- Dành thời gian thỏa đáng đẻ các đại biểu Quốc hội, người dân và các doanh nghiệp nghiên cứu nội dung Hiệp định.

- Ký kết Hiệp định

- Thực hiện quy trình thông qua Hiệp định theo đúng quy định của pháp luật từng nước. Thời gian được Quốc hội 12 nước thông qua, theo kinh nghiệm hội nhập, sẽ mất từ 18 tháng đến 2 năm.

Sau thời điểm được Quốc hội phê chuẩn, TPP sẽ chính thức có hiệu lực.

Trước đó, các chuyên gia phân tích của CTCP Chứng khoán TPHCM cho rằng TPP sẽ có hiệu lực sớm nhất vào nửa cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, với giả định thời gian phê chuẩn của Quốc hội sẽ kéo dài từ 6 - 9 tháng.

Các chuyên gia độc lập cho rằng: Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP. Cụ thể, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD trong năm 2025.

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Ngoài các ngành dự kiến sẽ được hưởng lợi như dệt may, da giày, thủy sản..., một số mặt hàng của Việt Nam sẽ chịu sức ép cạnh tranh khá lớn với hàng hóa nhập khẩu khi thuế nhập khẩu được đưa về 0% như thịt gà, thịt lợn, sữa, đậu tương, ngô, giấy, thép, ô tô...

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM