Thứ trưởng Bộ Công thương: Với TPP, Việt Nam được lợi 33,5 tỷ USD

09/10/2015 15:50 PM |

Khoản lợi từ TPP tương đương 18% giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2014 của Việt Nam ở mức 186,2 tỷ USD.

Tại buổi họp báo công bố về Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiều 9/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh trích dẫn tính toán của các chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng: Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước tham gia TPP.

TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD trong năm 2025”, Thứ trưởng nói.

Phần tăng thêm ở đây là so với kịch bản không có TPP. Thứ trưởng Khánh lưu ý: Kết quả này sẽ có được trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi.

Đối với xuất khẩu, việc các nước, trong đó có các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Canada giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra “cú hích” lớn.

Với ngành dệt may, kim ngạch có thể tăng đáng kể. Theo tính toán, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Như vậy, nếu kim ngạch dệt may tăng, có thể tạo ra nhiều việc làm mới.

Ngoài ra, với quy mô xuất khẩu đủ lớn, Việt Nam sẽ có điều kiện thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm, và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành may phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng.

Giày dép cũng có cơ hội tăng đáng kể xuất khẩu. Với mặt hàng nông, lâm, thủy sản, cơ hội tăng xuất khẩu cũng rất lớn.

Việt Nam sẽ là cứ điểm của chuỗi cung ứng mới

Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam và các nước có được các cơ hội mới từ chuỗi cung ứng mới, được hình thành sau khi TPP có hiệu lực. Các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu, lại bao gồm các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, chắc chắn sẽ mở ra rất nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.

“Một số tập đoàn, công ty lớn trên thế giới đã cân nhắc đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu biến Việt Nam trở thành một trong những cứ điểm quan trọng trong chuỗi sản xuất của họ. Tham gia TPP sẽ giúp xu hướng này phát triển mạnh hơn”, ông Khánh nói.

Cú hích với FDI

Cam kết trong TPP về dịch vụ và đầu tư dự kiến sẽ có tác dụng tích cực trong việc cải thiện môi trường đầu tư, góp phần thu hút nguồn vố đầu tư nước ngoài.

Nhiều nghiên cứu khẳng định rằng đầu tư nước ngoài sẽ gia tăng khi Hiệp định TPP có hiệu lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của ta cũng dễ tiếp cận thị trường của các nước tham gia TPP hơn, tuy tác động này không lớn do khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt ở thị trường nước ngoài còn thấp.

Có thể tham gia vào thị trường mua sắm công của Mỹ, Nhật?

Theo Thứ trưởng Khánh, các doanh nghiệp Việt có điều kiện tham gia vào thị trường mua sắm công của Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada... Theo số liệu của Hoa Kỳ, chỉ tính riêng mua sắm công các loại hàng hóa, vật dụng văn phòng thông thường của các cơ quan chính quyền liên bang Hoa Kỳ hàng năm đã vào khoảng 10 – 12 tỷ USD. Đây cũng là một kênh tiêu thụ hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM