Trung Quốc: Khởi nguyên của chiến tranh ngành thép

24/02/2016 09:06 AM |

Chúng ta đã được biết đến cuộc chiến dầu mỏ giữa Ả Rập Xê Út với Mỹ, khiến giá dầu lao dốc cuối năm 2015, nhưng có lẽ còn một cuộc chiến giá hàng hóa nữa đang diễn ra cũng gay gắt không kém, đò là cuộc chiến sắt thép.

Quặng sắt là một trong những tài nguyên phổ biến trên thế giới và chiếm 5% cấu tạo bề mặt trái đất. Tuy nhiên, có một quốc gia luôn luôn thiếu thốn nguồn tài nguyên này, đó là Trung Quốc.

Với lý do trên, khi kinh tế Trung Quốc bắt đầu tăng trưởng nóng cách đây 1 thập kỷ, chính quyền Bắc Kinh đã cho nhập một lượng lớn quặng sắt để sản xuất thép nhằm xây dựng các nhà máy, đường cao tốc hay chung cư cao tầng.

Kể từ đây, giá quặng sắt tăng nhanh chóng qua đó kích thích một cuộc đua giữa những nhà sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu từ Trung Quốc.

Giờ đây, khi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giảm tốc, bong bóng nhu cầu quặng sắt bắt đầu xì hơi. Do giá loại quặng này đi xuống nên những nhà khai thác lớn như Brazil hay Australia đang phải vật lộn giảm chi phí duy trì kinh doanh, qua đó chèn ép hàng loạt các nhà sản xuất khác từ Thụy Điển đến Iran.

Thậm chí, việc hạ chi phí kinh doanh ở Australia đã kéo theo nhiều hệ lụy, như ô nhiễm môi trường, chất lượng quặng kém, thất nghiệp tăng... Hiện nhiều chuyên gia tại đây đang tranh cãi liệu việc duy trì ngành khai thác quặng sắt có quá “tốn kém” và cần thiết hay không.

Trung Quốc lại là nguyên nhân của mọi chuyện

Giá quặng sắt cuối năm 2015 đã giảm hơn 3/4 so với mức đỉnh năm 2011 do giá càng giảm thì những nhà khai thác lớn càng tăng sản lượng và hạ chi phí sản xuất.

Với mức giá dưới 40 USD/tấn, chỉ những nhà sản xuất lớn có chi phí khai thác thấp mới có thể tồn tại trên thị trường. Hàng loạt những nền kinh tế phụ thuộc vào ngành khai thác sắt hay các dự án kinh tế đã bị ảnh hưởng chỉ vì Trung Quốc giảm tốc.

Guinea là một ví dụ điển hình. Quốc gia này là một trong những nước nghèo nhất thế giới và trong thời kỳ quặng sắt lên giá, chính phủ Guinea đã dự kiến thu hút đầu tư 20 tỷ USD vào ngành khai thác sắt, đường sắt, bến cảng tại đây sẽ thay đổi cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bong bóng quặng sắt xì hơi đã khiến tất cả những dự án trên có thể không bao giờ được thực hiện.

Trung Quốc vẫn tiêu thụ 2/3 số quặng sắt xuất khẩu trên thế giới và sản xuất 50% tổng số thép toàn cầu, nhưng nhiều chuyên gia nhận định nhu cầu thép trong nước tại đây đã đạt đỉnh và thị trường đang trong tình trạng thừa cung. Hậu quả là các nhà sản xuất phải tăng cường bán phá giá thép ra nước ngoài.

Tính riêng trong năm 2015, sản lượng thép xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 25%, qua đó khiến nhiều ngành thép tại nhiều nước chịu thiệt hại. Mới đây, hàng loạt cuộc biểu tình của công nhân ngành thép đã diễn ra tại Châu Âu trước việc chính phủ tại đây chấp nhận nhập khẩu théo Trung Quốc giá rẻ, qua đó khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa hoặc sa thải công nhân.

Tài nguyên quan trọng

Quặng sắt đã thay thế đồng để trở thành nguyên liệu chính sản xuất vũ khí cũng như công cụ tại Châu Âu và Trung Đông vào khoảng 1.200 năm trước Công nguyên. Kể từ đó, kim loại này đóng vai trò chủ chốt trong nhiều hoạt động sản xuất của con người, nhưng trữ lượng sắt tại các mỏ trong thời kỳ đầu không thực sự cao.

Vào giữa thế kỷ 19, những mỏ sắt lớn nhất thế giới được phát hiện ở Australia và Mỹ, qua đó khởi đầu cho thời kỳ phát triển mạnh mẽ của ngành khai thác sắt.

Theo đó, Australia chiếm 25% tổng trữ lượng sắt toàn cầu, tiếp theo đó là Brazil với 17%. Mới đầu, thị trường xuất khẩu chính của Australia là Nhật Bản, nhưng mảng giao dịch thương mại này đã bị gián đoạn vào năm 1938 do Chiến tranh Thế giới thứ II.

Đến năm 2010, giá quặng sắt thường được những nhà sản xuất lớn ký kết với các khách hàng lớn theo hợp đồng kỳ hạn. Tuy nhiên, do giá quặng sắt giao ngay ngày càng tăng so với giá hợp đồng kỳ hạn nên ngày nay giá loại quặng này được tính theo giá thị trường biến động trong ngày.

Tính đến thời điểm hiện tại, thị trường quặng sắt có trị giá 225 tỷ USD và là thị trường hàng hóa lớn thứ 2 trên thế giới sau dầu mỏ.

Một thị trường dầu mỏ thứ 2

Một số chuyên gia cho rằng giá quặng sắt không giảm mà chỉ quay lại mức giá cân bằng trước đây, qua đó tạo thuận lợi cho những nhà tiêu thụ thép chính như sản xuất ô tô hay xây dựng. Hơn nữa, việc giá sắt giảm cũng là một yếu tố đào thải những công ty khai thác kinh doanh không có hiệu quả.

Trái lại, những công ty sản xuất nhỏ và Công đoàn lại không hài lòng khi giá quặng sắt xuống bởi chúng khiến doanh nghiệp giảm lợi nhuận và phải sa thải bớt nhân công.

Tại Australia, xuất khẩu quặng săt hiện chỉ chiếm 3% GDP, thấp hơn so với mức 5% GDP năm 2013.

Bất chấp tình trạng đó, các công ty khai thác sắt tại đây vẫn tăng cường sản lượng và giảm chất lượng để tiết kiệm chi phí, dù thị trường đang thừa cung. Tình huống này cũng tương tự như thị trường dầu, khi các quốc gia xuất khẩu dầu vẫn tiếp tục khai thác dù thị trường thừa cung và giá dầu giảm sâu.

Tỷ phú Andrew Forrest, nhà sáng lập tập đoàn khai thác Fortescue Metals đã phải kêu gọi những nhà sản xuất lớn liên hợp lại thành một tổ chức, tương tự như Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) để kiểm soát sản lượng và giá sắt.

Tuy nhiên, lời kêu gọi này không đạt được hiệu quả khi những công ty và nhiều chuyên gia khác cho rằng nếu các tập đoàn lớn giảm sản lượng, những doanh nghiệp nhỏ hơn cũng sẽ tăng sản lượng để bù vào chỗ trống đó.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM