Tránh một “thảm họa hành tím” sắp xảy ra với hồ tiêu
Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam chủ yếu theo kiểu “cầu may” - ĐBQH Hà Sĩ Đồng.
Như một sự bổ sung minh chứng cho tình trạng “nóng bỏng” về tiêu thụ nông sản mà Quốc hội đang đề cập, hôm qua, các doanh nghiệp thực sự kêu la dữ dội chuyện thương lái Trung Quốc lũng đoạn thị trường hồ tiêu.
Tình hình khó có thể nói khác hơn là đang quá tệ khi việc tranh mua tranh bán đã khiến giá hồ tiêu tăng từ 160.000 đồng/kg lên tới 204.000 - 205.000 đồng/kg trong khi “vẫn chưa có chiều hướng giảm”.
Việc lũng đoạn thị trường cũng đang tạo ra “những điều phi lý” khi giá hồ tiêu nội địa vượt giá cả giá hồ tiêu Ấn Độ - vốn luôn được thế giới đánh giá có chất lượng tốt hơn. Và với giá cả rối loạn như hiện nay, hồ tiêu đang đi ngược lại quy luật giá nông sản thông thường khi sốt, thậm chí ngay cả khi còn chưa thu hoạch.
Có thể, với giá đang lên, người trồng hồ tiêu năm nay sẽ có một mùa vụ hoan hỉ. Nhưng tiềm ẩn ngay trong chính sự hoan hỉ ấy là “nguy cơ truyền thống”: Ế thừa, rớt giá.
Bởi việc “được giá” do lũng loạn năm nay đang là yếu tố tác động cực mạnh khiến diện tích hồ tiêu tiếp tục bùng nổ. Nhắc lại rằng, theo quy hoạch diện tích trồng cây hồ tiêu của Bộ NNPTNT đến năm 2020 mới là 50.000ha. Còn thực tế, diện tích đã “vượt khung” với 80.000ha đến cuối năm 2014.
Nhắc lại, những dự báo biết chắc là bi quan, cho thấy chỉ rất nhanh thôi, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ đạt 200.000 tấn/năm trong khi nhu cầu tiêu thụ của toàn thế giới chỉ khoảng 260.000 - 320.000 tấn/năm. Bởi việc hồ tiêu tăng giá là do lũng đoạn, cũng như các yếu tố “phi chủ quan khác”, chẳng hạn… mất mùa, chẳng hạn thị trường nước ngoài lên cơn sốt chứ chẳng phải từ thành tích phát triển thị trường định hướng dự báo của bất cứ bộ ngành nào cả.
Chuyện lũng đoạn, làm rối loạn thị trường hồ tiêu hôm nay cho thấy cái điều tồi tệ nhất của xuất khẩu nông sản mà đại biểu Quốc hội Hà Sĩ Đồng đã thẳng thắn: Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam chủ yếu theo kiểu “cầu may”.
Có lẽ, chuyện thương lái Trung Quốc với bao nhiêu kêu la, chỉ trích đến lúc cần phải chấm dứt.
Có lẽ đã đến lúc thay vì những lời lẽ trấn an, lạc quan hão, các bộ ngành địa phương cần xắn tay vào cuộc để tránh một “thảm họa hành tím” sắp xảy ra với hồ tiêu.
Có lẽ, các bộ, ngành, địa phương nên thẳng thắn xác nhận tình trạng “ngoại phạm với giá cả nông sản”, thẳng thắn trả lời câu hỏi họ đã ở đâu, chẳng hạn ngoài một xe dưa đưa về bán rong bên hè phố Hai Bà Trưng (Hà Nội).