TPP: Còn bao xa để “về đích”?

12/08/2015 09:27 AM |

Có 2 kịch bản cho tương lai của TPP khi các cuộc đàm phán không thể kết thúc trong năm nay. Khi đó, TPP có thể đến muộn hơn, vào cuối năm 2016 hoặc thậm chí sang đến năm 2017…

“Đàm phán TPP đã hoàn thiện khoảng 98%” – Bộ trưởng thương mại Australia Andrew Robb cho biết ngay sau khi vòng đàm phán về TPP kết thúc tại Hawaii mà không đi đến bất cứ một thỏa thuận nào.

“Cảm giác đầu tiên của tôi là thất vọng. Nhưng tôi tin rằng, việc chưa thể “về đích “ ngay không có nghĩa là TPP sẽ không được thông qua tại Quốc hội Mỹ” – một nhà đầu tư Hoa Kỳ tham dự vòng đàm phán tại Hawaii cho biết.

Các nhà đàm phán TPP đã không tìm được tiếng nói chung tại cuộc họp hôm 31/7 vừa qua do còn vướng mắc về vấn đề sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm dược phẩm; mở cửa thị trường bơ sữa, đường; thị trường gạo và ô tô.

Tuy nhiên, có một điều đáng mừng là đến nay, các lãnh đạo của hai nền kinh tế phát triển hàng đầu TPP - Hoa Kỳ và Nhật Bản, đều khẳng định cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy đàm phán sớm kết thúc.

Trong một tuyên bố chung mới đây, các Bộ trưởng thương mại cho biết, đàm phán TPP đã đạt được những tiến bộ đáng kể và họ sẽ sớm nối lại đàm phán.

“Nhiều vấn đề lớn đã được thông qua tại các vòng đàm phán và chỉ còn một vài nút thắt cần tháo gỡ trước khi TPP có thể về đích. Tôi cho rằng tiến trình đàm phán đã đạt được những kết quả tích cực và tôi hài lòng với kết quả đó” – Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael B. Froman cho biết.

Được coi là hiệp định toàn diện của thế kỷ 21, TPP bao trùm các vấn đề về quyền truy cập công nghệ thông tin, kinh doanh năng lượng sạch, truy cập thị trường sữa của Canada, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với dược phẩm, mở cửa thị trường đường của Mỹ và thị trường gạo của Nhật Bản…

Có một điều khá thú vị mà chính các nhà đàm phán cũng không ngờ tới đó là việc mở cửa thị trường sữa lại trở thành vấn đề lớn trong đàm phán TPP. Bởi sữa chỉ chiếm một lượng nhỏ trong tổng giá trị giao dịch thương mại của các nước thành viên TPP; song mức độ ảnh hưởng của nó đến một bộ phận người nông dân lại là vấn đề gây tranh cãi.

“New Zealand không muốn bị đẩy ra khỏi thỏa thuận này. Song chúng tôi cần bảo vệ thị trường nước mình” – Bộ trưởng thương mại New Zealand Tim Groser chia sẻ.

Trước đó, các nhà đàm phán của Mỹ và Canada đã tranh cãi gay gắt về việc mở cửa cho thị trường bơ sữa vốn đang được bảo hộ chặt chẽ của Canada. Tuy nhiên, vấn đề càng trở nên căng thẳng hơn khi các nền kinh tế phát triển khác cũng liên quan đến điều khoản này bao gồm Australia, Nhật Bản và New Zealand.

“TPP chỉ còn một vài nút thắt; và một trong số đó chính là việc mở cửa thị trường bơ sữa” - ông Groser nhận định.

Trong khi đó, Australia, Chile và New Zealand tiếp tục phản đối chính sách bảo hộ lên đến 12 năm cho các sản phẩm dược phẩm của Hoa Kỳ. Họ lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của ngành y tế nước mình.

Đại diện Thương mại Mexico không đồng ý với đề xuất quy định về quy tắc xuất xứ đối với linh kiện ô tô của Nhật Bản bởi điều này sẽ “ảnh hưởng đến lợi ích của Mexico”.

“Mexico là quốc gia có chi phí tiền lương rẻ. Chúng tôi đã ký tổng cộng 40 hiệp định thương mại tự do cho phép nhà xuất khẩu xe hơi tại thị trường Mexico được hưởng ưu đãi thuế. Kết quả là, các nhà sản xuất ô tô và linh kiện ô tô đã đầu tư lên tới 20 tỷ USD vào Mexico” – vị này cho biết.

Làn sóng đầu tư mạnh mẽ đã biến Mexico trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn thứ 7 thế giới và là nước xuất khẩu lớn thứ 4 sau Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Mexico đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nhà xuất khẩu xe hơi lớn thứ 2 sang thị trường Mỹ, chỉ sau Canada.

Các nhà phân tích dự báo, sản lượng sản xuất hàng năm của Mexico đạt khoảng 3,2 triệu xe; và sẽ tăng 50%, lên mức 5 triệu xe vào năm 2018. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào việc Mexico có thu hút được dòng chảy thương mại từ TPP hay không?

Đến nay, TPP vẫn chưa hẹn ngày chính thức nối lại đàm phán và vẫn còn những lo ngại về việc TPP bị trì hoãn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các nền kinh tế. Song mới đây, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) cũng đưa ra 2 kịch bản cho “tương lai” của TPP.

Kịch bản thứ nhất là TPP có thể được thông qua vào ngày 8/11/2016 , ngày chính thức diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống của nước Mỹ.

Ở kịch bản thứ 2, TPP có thể đến muộn hơn, vào năm 2017 sau khi Quốc hội và Tổng thống mới của Mỹ đã vượt qua giai đoạn bầu cử đầy khó khăn.

“Đây có thể là một điểm dừng hợp lý, chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn của TPP” – ông Tami Overby, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á tại Phòng Thương mại Hoa Kỳ nhận định.

Theo Hồng Lam

Cùng chuyên mục
XEM