TPP và 6 tác động lớn nhất đến kinh tế Việt Nam
“Những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau”...
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được nhận định sẽ có tác động lớn đến kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, tới từng doanh nghiệp và người tiêu dùng. Chính vì vậy, với bài học từ WTO, cần phải có sự chuẩn bị thật kỹ để tận dụng được những cơ hội mà TPP mang lại, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu quan điểm.
Kịch bản cho Việt Nam
VEPR vừa công bố báo cáo nghiên cứu về đánh giá tác động của TPP đến Việt Nam. Xin ông cho biết những kết luận chính của bản nghiên cứu là gì?
Nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra 6 tác động lớn nhất của TPP vào nền kinh tế Việt Nam.
Thứ nhất, nhập khẩu gia tăng trong khi xuất khẩu có xu hướng giảm.
Thứ hai, khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% khiến doanh thu về thuế giảm.
Thứ ba, việc tham gia TPP không chỉ đòi hỏi các nước tham gia cắt giảm các hàng rào thuế quan mà còn đòi hỏi cắt giảm hàng rào phi thuế quan như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu...
Thứ tư, Việt Nam sẽ không còn khả năng duy trì lợi thế về lao động giá rẻ khi nhu cầu về lao động có kỹ năng tăng lên và không thể duy trì được tăng trưởng kinh tế trong nước giống như trường hợp của Trung Quốc hiện nay. Sự dịch chuyển tự do của lao động không chỉ trong nước mà cả giữa các nước, đầu tư mạnh vào giáo dục.
Thứ năm, các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình. Trong bối cảnh chất lượng các sản phẩm của Việt Nam chưa cao, vấn đề này sẽ hạn chế xuất khẩu.
Thứ sáu, với những ưu đãi khi gia nhập TPP, đầu tư của Việt Nam sẽ tăng mạnh với sự gia tăng của các dòng thương mại, các nước trong khối sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.
Vậy kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam sau TPP, thưa ông?
Đối với toàn bộ nền kinh tế, trong hầu hết các kịch bản mô phỏng sử dụng mô hình GE, Việt Nam là nước có được mức thay đổi GDP lớn nhất tính theo %.
Tuy nhiên, tác động từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chỉ ở mức nhỏ, trong khi ảnh hưởng của TPP lên nền kinh tế là lớn hơn nhiều lần.
Về đầu tư, mức tăng đầu tư của Việt Nam là ấn tượng nhất trong các nước, xấp xỉ mức tăng của Nhật Bản và gần gấp đôi mức tăng của Australia, Malaysia và Mỹ (tính theo giá trị).
Trong khi đó, nhóm các nước nằm ngoài AEC và TPP sẽ bị suy giảm đầu tư, đặc biệt là Trung Quốc và EU.
Trong các kịch bản đánh giá tác động khi TPP có hiệu lực, kết quả mô phỏng cho thấy, thương mại Việt Nam với các nước TPP tăng lên, còn đối với các nước ngoài TPP, lại có xu hướng tăng nhập khẩu và giảm nhẹ xuất khẩu.
Không nên quá tự mãn
Bên cạnh triển vọng cho nền kinh tế, TPP cũng tiềm ẩn những rủi ro?
Trước đây, Việt Nam gia nhập WTO đã từng nhận được rất nhiều kỳ vọng. xuất khẩu và đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng nguồn vốn lớn ồ ạt đổ vào Việt Nam đi kèm với chính sách tiền tệ thiếu kinh nghiệm đã góp phần thổi phồng bong bóng bất động sản, và khiến lạm phát hai chữ số trở lại những năm 2008-2011.
Sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào nhập khẩu và đầu tư nước ngoài và những yếu kém nội tại kéo dài giai đoạn hậu WTO đã gióng lên hồi chuông rằng, Việt Nam không nên quá tự mãn với việc ký kết những FTA đầy hứa hẹn như TPP, hay ở mức độ thấp hơn như AEC.
Hiện nay, TPP đang được đàm phán rất nhanh, nếu không chuẩn bị kỹ, những lợi thế và bất lợi của TPP sẽ đan xen vào nhau, dẫn đến những mất kiểm soát.
Khi TPP được ký kết và thực thi, những ngành kém lợi thế, sức cạnh tranh yếu sẽ bị thiệt hại ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt với các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, sản phẩm gỗ, khai khoáng, công nghiệp.
Khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% khiến doanh thu về thuế giảm. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, khiến cho Chính phủ có thể tìm cách bù đắp nguồn thâm hụt nhằm giữ ổn định ngân sách.
Tuy nhiên, một số chính sách có thể cản trở nỗ lực hồi phục nền kinh tế, tăng khả năng xảy ra bất ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo ông, Việt Nam cần có những chính sách gì để đối phó với những tác động xấu từ TPP?
Việc thực hiện theo các cam kết trong TPP đòi hỏi những thay đổi về chính sách và pháp luật trong nước. Việt Nam cần có những chính sách hỗ trợ pháp lý để thúc đẩy phát triển những ngành có lợi thế so sánh.
Với những ngành sẽ được lợi sau khi TPP có hiệu lực như: dệt may, thủy sản, nông sản... cần chủ động các nhân tố lao động, vốn, đất đai và các tài nguyên khác. Với các ngành kém được lợi thế như chăn nuôi, lâm nghiệp, công nghiệp... cần tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn.
Nhà nước cần có những chính sách hợp lý khuyến khích sản xuất và tiêu dùng. Các chính sách nên tập trung vào chi tiêu thường xuyên.
Đặc biệt, sau khi tham gia TPP, Việt Nam cần phải điều chỉnh cả những yếu tố thương mại như những nội dung liên quan tới lao động, quyền sở hữu trí tuệ... khẳng định sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai.