Vì sao TPP “trắng tay” vào phút chót?

05/08/2015 15:28 PM |

Cả 12 nước thành viên TPP đều theo đuổi những lợi ích đa chiều về kinh tế và chính trị. Trong khi luật chơi chỉ có một và lợi ích của quốc gia này thường là bất lợi của quốc gia khác.

Bài báo được đăng trên New York Times ngày 3/8 cho biết, Chính quyền Tokyo đã sẵn sàng để nhượng bộ với các điều khoản về thuế xe tải với Mỹ; nhưng vẫn bị ngăn cản bởi Mexico khi quốc gia này yêu cầu các điều khoản ít cạnh tranh hơn cho dòng xe tải của nước này tại thị trường Mỹ.

Canada vẫn bảo vệ quan điểm về thị trường sữa của nước mình trước cuộc bầu cử tháng 10 nhưng New Zealand – quốc gia xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới lại không chấp nhận điều này.

Trong khi đó, hầu hết các quốc gia đều phản đối sự bảo hộ của Mỹ đối với thị trường dược phẩm.

Với Tổng thống Mỹ – Barack Obama, việc đi đến ký kết một thỏa thuận thương mại mang tính toàn diện khu vực như TPP sẽ là “chìa khóa” để Mỹ đến với châu Á, cũng như tiến sâu hơn vào sân chơi quốc tế.

Mặc dù các cuộc đàm phán TPP chưa thể “về đích”, nhưng TPP không phải là một “ván cờ" riêng của Mỹ, nơi kết nối 2 Đảng lại với nhau.

Thay vào đó, tất cả 12 nước thành viên TPP đều theo đuổi những lợi ích đa chiều về kinh tế và chính trị. Trong khi luật chơi chỉ có một và lợi ích của quốc gia này thường là bất lợi của quốc gia khác.

Do vậy, câu hỏi khó ở đây là liệu có thể cân bằng giữa lợi ích của tất cả các bên tham gia?

New York Times dự báo, những bất đồng trong đàm phán TPP giữa các bên tham gia có thể sẽ đi xa hơn trong giai đoạn bầu cử Tổng thống của Hoa Kỳ. Thậm chí, một nhà đàm phán đã tiết lộ việc nói “Không” dễ dàng hơn là “Có”.

“Tiến trình đàm phán để đi đến một số thỏa thuận phức tạp bắt nguồn từ những bất ổn và việc giải quyết những bất ổn này quá chậm chạp khiến cho một vài điều khoản quan trọng cuối cùng không thể đi đến thống nhất” - Tim Groser, Bộ trưởng Thương mại New Zealand cho biết.

Từ đường, sữa đến ô tô, dược phẩm, đều là những vấn đề gây tranh cãi.

Việt Nam chưa sẵn sàng từ bỏ những lợi ích mà khối doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng. Trong khi đó, Nhật Bản vẫn quan ngại về luật ngăn cấm nhập khẩu động vật từ Australia.

“Để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại toàn diện đang chiếm 40% GDP toàn cầu, 33% tổng kim ngạch thương mại toàn thế giới; giữa 12 quốc gia không tương đồng về trình độ phát triển kinh tế từ Brunei đến Mỹ, là điều không dễ dàng” - Bộ trưởng thương mại và đầu tư Australia Andrew Robb chia sẻ.

Tuy nhiên, cố vấn và các chuyên gia thương mại của Tổng thống Mỹ cho biết, ông Obama vẫn cam kết rằng “các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sẽ cố gắng hết sức để thu hẹp những vật cản”.

“Trọng tâm trong chính sách kinh tế của ông Obama vẫn là khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” - Jeffrey J. Schott, Chuyên gia hàng đầu về TPP tại Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết.

Trong khi đó, Bộ trưởng kinh tế Mexico – ông Ildefonso Guajardo cho biết, điều khoản đàm phán về ngành công nghiệp ô tô của Nhật Bản cũng gặp trở ngại mặc dù đây là điều khoản mà các nhà đàm phán đều hy vọng sẽ được “chốt” ở Maui.

Vấn đề ở đây là bất đồng trong định nghĩa xe hơi hoặc xe tải giữa các nước TPP. Mexico yêu cầu động cơ phải có 65% phụ tùng được sản xuất tại các nước thành viên TPP mới được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu. Điều này sẽ có lợi cho xe tải Mexico vì nước này nhập khẩu phần lớn phụ tùng từ Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi đó, Nhật Bản lại yêu cầu quy tắc xuất xứ chỉ nên thiết lập ở ngưỡng 50%, bởi quốc gia này nhập khẩu phụ tùng chủ yếu từ Trung Quốc và Thái Lan – hai quốc gia không tham gia TPP.

“Mexico là nước sản xuất ô tô lớn thứ 7 thế giới; đồng thời là nhà xuất khẩu ô tô lớn thứ 4 thế giới. Nếu tuân theo những quy tắc của Nhật Bản thì ngành công nghiệp ô tô của Mexico sẽ bất lợi” – ông Guajardo nói.

New Zealand và Canada vẫn còn vướng mắc trong vấn đề sữa. Mặc dù New Zealand chỉ sản xuất được khoảng 3% sản lượng sữa toàn thế giới, nhưng đây lại là nước xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới. Trong khi Chính phủ Canada lại không ủng hộ việc trứng và bơ sữa của New Zealand tràn vào, cạnh tranh với hàng hóa trong nước.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Tim Groser cũng nhấn mạnh việc New Zealand là quốc gia khởi xướng một hiệp ước thương mại nối liền hai bên bờ Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền sở hữu trí tuệ đối với các công ty dược phẩm cũng là một trong những “vật cản” lớn của đàm phán TPP.

“Đó là những nút thắt khá lớn trong việc đi đến ký kết TPP” – Chuyên gia hàng đầu về TPP Jeffrey J. Schott nhận định.

Theo Nguyệt Quế

Cùng chuyên mục
XEM