Thưởng Tết hay không thưởng Tết?

20/01/2014 08:54 AM |

Mỗi năm, cứ đến những ngày này, chủ đề “thưởng Tết” lại rộ lên khắp trong nhà ngoài ngõ trên báo. Năm nào cũng có những cảm xúc trái ngược khi nêu ra chủ đề ấy.

Văn hào O’Henry có một truyện ngắn mang tên “Món quà Giáng sinh”. Truyện kể về một cặp vợ chồng trẻ ở New York, sống rất eo hẹp bằng đồng lương của người chồng. 

Người vợ có một mái tóc dài tuyệt đẹp, còn người chồng, có một chiếc đồng hồ anh rất yêu quý. Giáng sinh đến, cả hai đều không có tiền để mua quà cho nhau. Thế rồi âm thầm, người vợ bán đi mái tóc để mua cho chồng một sợi dây đeo đồng hồ, còn người chồng bán đi chiếc đồng hồ để mua cho vợ một chiếc kẹp tóc. Khi cả hai đưa ra món quà, mọi chuyện trở thành bi kịch.

Câu chuyện ấy, kể lại trong những ngày này, để thấy được sự quan trọng của... những đồng tiền thưởng vào ngày lễ.

Nếu như nước ta có ngày Tết âm lịch, thì ở các nước phương Tây, cũng có ngày Giáng sinh. Và họ cũng ý thức được sự quan trọng của những ngày lễ truyền thống ấy, nên để tránh đi cái bi kịch kiểu O’Henry, cũng có “thưởng Giáng sinh” (Christmas bonus). 

Nếu O’Henry sống tại nước ta ở thời điểm này, thì câu chuyện của ông sẽ rất đa dạng. Đó có thể là về một người chồng ngồi ngoài vỉa hè chiều ngày 30 cố bán thùng tương ớt vừa được... thưởng Tết để mua đồ thắp hương. Có thể anh ta sẽ phải thắp hương bằng tương ớt? Mà như thế cũng còn đỡ hơn, một người hàng xóm của anh ta, rối bời vì không thể thắp hương bằng gạch (vốn cũng là quà Tết của công ty).



Chính phủ Liên hiệp Anh có một cách giải quyết vấn đề “Christmas bonus”. Họ quy định trong luật rằng mỗi người lao động ở nước này khi đến mùa Giáng sinh sẽ được nhận thưởng 10 bảng Anh – một khoản cố định và bắt buộc.

10 bảng Anh? Tức là mấy trăm nghìn đồng? Có thể mua được gì tại London và Manchester? Sẽ là một món quà rất nhỏ thôi, nhưng món quà nhỏ vẫn hơn là một bi kịch kiểu O’Henry hay là bi kịch kiểu tương ớt.

Đó là một giải pháp rất thú vị. Đầu tiên là về mặt tinh thần. Tất nhiên là công ty nào ăn nên làm ra đều có thể thưởng cho nhân viên tiền triệu tùy tích. Nhưng thưởng Giáng sinh sẽ là 10 bảng, ai cũng có. 

Cái nền báo chí luôn được coi là bậc thày của báo lá cải ấy, không còn cớ gì mà “giật tít câu view” bằng chủ đề “thưởng Giáng sinh” nữa – chính phủ đã chiếm mất cái khái niệm ấy bằng một con số chung rồi -  không có cớ để mà so sánh rất vô lối kiểu lấy thưởng Tết của một ngân hàng so với một công ty vệ sinh nữa. Không ai phải chạnh lòng nữa.
 


Vấn đề quan trọng nhất của thưởng Tết chính là việc chúng ta hay đánh đồng “thưởng hiệu quả công việc cuối năm” với “thưởng Tết”, một cái khái niệm mơ hồ chung chung, rồi sau đó bàn về nó: có công ty thưởng Tết 100 triệu, có nơi lại thưởng tương ớt. Như thế là bất hợp lý, và tạo ra cảm xúc tiêu cực ngày cuối năm. Hiệu quả kinh doanh rất khác một món quà ngày Tết.

Sau đó, là về tính khoa học. Việc quy định một số tiền như thế bằng luật, sẽ khiến các ông chủ phải có ý thức để ra ngân sách thưởng Giáng sinh ngay từ trong năm. Chuyện này áp dụng ở nước ta mới hiệu quả: bao nhiêu chủ doanh nghiệp bốc đồng, trong năm đã đưa anh em đi ăn nhậu, du lịch nhân dịp công ty trúng quả, vung vít những khoản thưởng phù phiếm khi có tiền, để rồi đến tháng củ mật lại không bói ra được đồng nào cho người ta đem về ăn Tết.
 
 

Nếu Liên hiệp Anh có thể quy định một mức 10 bảng Anh, thì ta cũng hoàn toàn có thể quy định một con số biểu trưng vài trăm nghìn đồng, để người lao động có tiền mua cái vé về quê, hay một cặp bánh chưng đặt lên ban thờ.

Chuyện của O’Henry về mái tóc và chiếc đồng hồ thật ra chỉ là cường điệu, chứ chuyện có người phải đi bán gạch, quần đùi và tương ớt, chắc chắn là có trong những ngày cuối năm này ở Việt Nam.

Theo Đức Hoàng

duchai

Cùng chuyên mục
XEM