Thủ tướng: Bối cảnh 2014 “hết sức đặc biệt”

30/12/2014 08:04 AM |

“Về cơ bản năm 2014 nền kinh tế đạt được những kết quả khả quan, hầu hết các chỉ tiêu vĩ mô đều đạt và vượt, nhưng nhìn vào cơ cấu thu chi ngân sách thì đó là một hạn chế của điều hành, quản lý trong năm vừa qua”.

Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 giữa Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh, thành, diễn ra sáng 29/12.

Vẫn nhiều cái đáng lo

Theo người đứng đầu Chính phủ, năm 2014 đã trôi qua trong một bối cảnh hết sức đặc biệt: tình hình chính trị, kinh tế thế giới biến động khó lường. Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào tháng 5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, du lịch, thương mại trong nước.

Lợi dụng việc này, một số phần tử xấu đã tổ chức gấy rối, phá hoại tại một số địa phương, ảnh hưởng đến hoạt động của gần 1.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trước những bất lợi đó, Việt Nam vẫn giữ được chủ quyền quốc gia, hòa bình và ổn định, từ đó đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, nhất trí của đồng bào trong và ngoài nước.

Đáng mừng nhất là cả nước đã hoàn thành và vượt hầu hết các chỉ tiêu (12/13) chỉ tiêu vĩ mô, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu của năm 2015.

Bên cạnh những kết quả trên, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra một số điểm chưa được của nền kinh tế trong năm 2014.

Trong đó nổi bật lên là kinh tế vĩ mô “chưa thật vững chắc”, biểu hiện rõ nhất là cơ cấu thu chi ngân sách dù đã đạt được chỉ tiêu song nếu nhìn vào cơ cấu thu chi thì quả là một điều đáng lo.

“Nhìn vào chi ngân sách mà chủ yếu là chi thường xuyên, trong khi chi cho đầu tư phát triển thì ngày càng giảm, thu nội địa cũng giảm. Cơ cấu ngân sách mà như thế là chưa lành mạnh”, Thủ tướng lo lắng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chỉ ra một số hạn chế của nền kinh tế như chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh vẫn còn thấp, môi trường kinh doanh vẫn kém các nước trong khu vực; tiến độ tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn chậm, xã hội còn nhiều bức xúc, tỷ lệ hộ nghèo tại các vùng sâu, vùng xa vẫn cao (33%)…

Với thực tế trên, Thủ tướng lưu ý trong năm 2015, các bộ, ngành, địa phương cũng như cả hệ thống chính trị phải đồng sức, đồng lòng thực hiện với kết quả cao nhất của kế hoạch 5 năm. Đặc biệt là phải tiếp tục đấu tranh để bảo đảm chủ quyền quốc gia, giữ hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Song song với đó là tăng cường đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.

Không được mua sắm xe công trong 2015

Trước đó, trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2015, do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trình bày, Chính phủ đã thống nhất sẽ tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách trong năm tới.

Theo đó, Chính phủ sẽ kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách Nhà nước, sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm 2014 để ưu tiên trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách Nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế.

Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán,thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế.

Chính phủ yêu cầu các cộ, cơ quan, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước, sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài.

Đặc biệt, trong năm tới Chính phủ không cho phép các cơ quan, đơn vị mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ôtô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ôtô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định.

>> Thủ tướng chỉ đạo xem xét hoạt động dịch vụ Uber tại Việt Nam

Theo Từ Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM