Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam: “Thị trường BĐS đã hồi phục”
Không còn dùng từ “dấu hiệu hồi phục” cho thị trường bất động sản như hồi cuối 2013, nay thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định thị trường bất động sản đã hồi phục rõ ràng.
Tại buổi lễ công bố một dự án bất động sản lớn tại Hà Nội vừa diễn ra sáng 18/12, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chia sẻ với các nhà đầu tư những thông tin mới nhất liên quan đến thị trường bất động sản.
Theo Thứ trưởng Nam đến nay cũng đã gần hết năm 2014, với các chỉ số vĩ mô đã đạt được với tốc độ tăng trưởng GDP đạt gần 6% cao hơn chỉ tiêu, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các chính sách quản lý ngoại hối ổn định,…có thể nói kinh tế Việt Nam đã đi qua điểm đáy của khủng hoảng.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều người vẫn dùng thị trường có dấu hiệu hồi phục nhưng bản thân ông thì tin rằng thị trường đã phục hồi. Bởi sự hồi phục của thị trường rất rõ ràng không còn là dấu hiệu nữa. Đây là một xu hướng rõ ràng và bền vững, thể hiện ở một số điểm sau:
Điểm thứ nhất, đã là thị trường là thể hiện ở sự mua bán, thị trường bất động sản phản ảnh rất rõ ràng qua lượng giao dịch. Năm 2014, lượng giao dịch bất động sản tăng qua các quý. Riêng thị trường Hà Nội có trên 13.000 người giao dịch chính thức, chưa bao gồm các giao dịch ngầm trên thị trường thứ cấp của người dân với người dân,…mà đây là con số Bộ thống kê được từ các chủ đầu tư. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2013. Và năm 2013 lượng giao dịch lại tăng gần gấp rưỡi so với năm 2012.
Càng cuối năm các dự án càng bung ra bán hàng. Tương tự tại Tp.HCM số lượng giao dịch mà Bộ Xây dựng thống kê được tăng 40% so với năm 2013. Như vậy, lượng giao dịch mua bán trên thị trường sôi động trở lại.
Điểm thứ hai, giá bán hiện nay tương đối ổn định. Sau 2 đến 3 năm giá nhà đất đã quay trở lại giá trị thực của thị trường. Quan trọng hơn là giá bất động sản phù hợp hơn với sức mua của thị trường. Bên cạnh đó cùng với sự hỗ trợ cho vay ưu đãi của ngân hàng, cơ bản người dân dễ tiếp cận với giá nhà ở hiện nay và cơ bản giá vẫn ổn định.
Điểm thứ ba, hàng hóa đã được điều chỉnh. Các chủ đầu tư thay vì chạy theo các loại căn hộ diện tích lớn, giá đắt, hoàn thiện sang trọng thì này đã chuyển sang nhiều loại phân khúc khác nhau, phù hợp với điều kiện thanh toán của người dân.
Điểm thứ tư, dòng tiền đang hướng mạnh vào bất động sản. Riêng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng mới thống kê trong 11 tháng 2014 cho thấy cao gấp đôi so với dư nợ tín dụng trung bình. Điều đó có nghĩa dòng tiền hướng vào bất động sản ngay từ các ngân hàng thương mại.
“Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã quản lý tốt về các chính sách tiền tệ, lãi suất thấp,…do đó, người dân đang hướng dòng tiền vào bất động sản. Do đó, việc mua bán cũng giao dịch sôi động. Đạt được điều này cũng do Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 từ đầu 2013, sau đó là điều chỉnh ở Nghị định 61. Ban đầu là nhằm vào phân khúc nhà xã hội, nhà giá thấp bằng gói tín dụng 30.000 tỷ từ đó nuôi dưỡng thị trường, lan tỏa ra các phân khúc khác.” Thứ trưởng Nam nói.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bất động sản cũng đã được đưa ra khỏi danh mục ngành phi sản xuất, giảm hệ số rủi ro của thị trường bất động sản khi cho vay từ 250% xuống 150%. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc đưa dòng tiền cho vay các chủ đầu tư, vào thị trường bất động sản…làm cho thị trường sẽ ấm lên rất nhiều.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện nay dư nợ cho vay bất động sản đạt cao nhất từ xưa đến nay. Hiện nay con số này đạt hơn 290 nghìn tỷ. Năm 2010, 2011 có thời điểm xuống thấp nhất 180 nghìn tỷ, từ đó đến nay đã có hơn 100 nghìn tỷ đổ vào thị trường bất động sản. Nắm được những con số vĩ mô như vậy để thấy được khuynh hướng của thị trường bất động sản.
>> Dòng tiền 'khủng' có đổ vào BĐS sau cái 'bấm nút' của Quốc hội?
Theo Gia Bảo