Thứ trưởng Bộ Công thương: Việt Nam không thua kém Thái Lan bao nhiêu...
Nhận định này có thuyết phục trong bối cảnh hàng Thái đang xâm nhập rất mạnh vào Việt Nam và thu nhập bình quân đầu người của nước láng giềng này gấp 3 lần thu nhập bình quân của người Việt?
Sản xuất hàng hóa – lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hội nhập AEC
“Hiện một số doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, đặc biệt Thái Lan đang cố gắng tiếp cận thị trường Việt Nam. Hàng Thái đang xâm nhập rất mạnh” - PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, đưa ra cảnh báo tại Tọa đàm “Hóa giải thách thức từ AEC” diễn ra chiều 22/1.
Theo ông Sơn, đây là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). “Đấy là còn chưa nói đến câu chuyện các tầng lớp trung lưu của Việt Nam đang có xu hướng tiêu dùng các hàng ngoại, trong đó có hàng hóa của Thái Lan vì chất lượng tương đối tốt, giá thành hợp lý” – ông Sơn nói.
Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai, theo ông Sơn, là nguồn nhân lực với sự di chuyển của lao động có tay nghề cao. Theo thống kê, số lượng này chiếm 20% lao động của Việt Nam.
Khi AEC chính thức ra đời vào cuối năm nay, cộng đồng này chấp thuận có sự di chuyển tự do của 8 ngành nghề gồm: Y, Nha khoa, Y tá, Kế toán, Kỹ sư, Kiến trúc, Điều tra viên và Du lịch. Để có thể di chuyển tự do, người lao động trong 8 ngành nghề trên phải có sự công nhận trương đương của các nước ASEAN với nhau.
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đưa ra dự báo rằng AEC hình thành sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm mới, cơ hội của Việt Nam là 10,5% tổng số việc làm này. “Tuy nhiên, nhìn về tổng thể, năng suất lao động của Việt Nam còn rất thấp” – ông Sơn thở dài.
“Trong khi đó, một thách thức rất lớn có thể xảy ra khi hội nhập AEC là tình trạng chảy máu chất xám. Các lao động Việt Nam có thể hướng tới các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ngay tại Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là các doanh nghiệp đặt tại nước ngoài”.
Hàng hóa ngoại tràn khắp, Việt Nam sẽ đủ sức kháng cự?
Trước cảnh báo của chuyên gia kinh tế Nguyễn Hồng Sơn, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đưa ra một góc nhìn khác: “ Tôi không muốn tô hồng quá những việc chúng ta đã làm được. Nhưng nếu không nhìn thấy, chúng ta sẽ không có ý chí vượt qua”.
“Nói vấn đề chúng ta chưa được tốt, điều đó đúng và mong muốn của chúng ta còn xa hơn. Nhưng hãy nhìn vào số lượng công việc chúng ta đã làm được. Chúng ta khác họ ở chỗ chúng ta bắt đầu từ không đến có. Trong khi họ bắt đầu từ ở mức cao hơn chúng ta rất nhiều”.
“Ngày hôm nay, chúng ta không thua kém Thái Lan bao nhiêu, chúng ta không thua kém Phillippines, Indonesia bao nhiêu đâu. Cách đây 10 năm thôi, chúng ta thấy sự khác biệt đã là cực kỳ lớn. Về sự phát triển chung của chúng ta là như vậy”.
Theo xếp hạng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2013, GDP của Philippines là hơn 272 tỷ USD, là nước có GDP cao thứ 39 trong bảng xếp hạng quốc gia theo GDP của IMF. Trong danh sách này, Indonesia đứng thứ 16 với GDP ở mức 870 tỷ USD, Thái Lan đứng thứ 30 với 387 tỷ USD. Việt Nam, với 170 tỷ USD, đứng thứ 57.
Xét về thu nhập trung bình toàn dân, cũng theo xếp hạng của IMF, Thái Lan đứng thứ 92 với GDP/người ở mức gần 5.700 USD/người, Indonesia xếp thứ 115 với 3.500 USD/người, Philippines thứ 126 với gần 2.800 USD/người, Việt Nam đứng thứ 133 với mức 1.900 USD/người.
Với các chỉ số này, Việt Nam so với các nước nói trên vẫn còn một khoảng cách không gần.
Xét về từng loại hàng hóa, Thứ trưởng thừa nhận Việt Nam chưa bằng các nước bạn nhưng “nếu hàng hóa họ tràn ngập vào lãnh thổ của ta, chúng ta sẽ có cái kháng cự” – ông Tú nói.
“Nhớ lại cách đây 10 - 15 năm, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam, các nhà sản xuất đã cực kỳ khó khăn... Nhưng hiện nay, chúng ta không chỉ chiếm lĩnh được thị trường Việt Nam, không chỉ chiếm lĩnh thị trường các nước trong khu vực, mà kể cả thị trường những nước có nền kinh tế hàng đầu chúng ta cũng không bỏ qua”.
Thứ trưởng Tú nhận định: Nhìn vào những việc Việt Nam đã làm được, chúng ta tin tưởng với sự cố gắng của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân, của doanh nghiệp, Việt Nam dứt khoát thành công và sẽ thành công trong công cuộc hội nhập AEC.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Tú rằng chúng ta cần có niềm tin, nhưng PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “Khi nhìn nhận các thách thức của việc hội nhập, mục tiêu là có được những điều chỉnh, chuẩn bị. Nếu không có những điều chỉnh, chuẩn bị kịp thời, chúng ta sẽ phải đối mặt với cạnh tranh càng lớn”.
>> Đừng sợ người Thái thâu tóm thương hiệu Việt, Lao động nội - ngoại, lương sao cho bằng?
Thanh Thủy