Thu nhập lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước: Muốn quản lý cũng khó

24/05/2013 08:16 AM |

Mức lương năm 2011 từ 60- 80 triệu đồng/tháng của lãnh đạo tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1) và tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2) như Kiểm toán nhà nước vừa công bố có phải là cao? Thực tế có tính được thu nhập của lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước hay không?

Dư luận đang ồn ào về mức lương của lãnh đạo thuộc hai tổng công ty này, nhất là khi báo cáo của Kiểm toán nhà nước chỉ ra rằng dù với mức lương cao như vậy nhưng các công ty này đã hoạt động không thực sự hiệu quả trong việc thu mua lúa của nông dân, quản lý hoạt động xuất khẩu gạo, quy hoạch và đầu tư xây dựng hệ thống kho chức lúa gạo và nhà máy xay xát tại đồng bằng song Cửu Long còn nhiều bất cập.

Kiểm toán nhà nước cũng đã từng công bô, không ít doanh nghiệp nhà nước lỗ lớn nhưng lương lãnh đạo vẫn cao, như tại tập đoàn điện lực (EVN), tập đoàn xăng dầu (Petrolimex)…Thậm chí, cơ quan quản lý tiền lương của các doanh nghiệp này là bộ Lao động- thương binh và xã hội, sau khi xem xét đã xác định doanh nghiệp chi lương vượt khung, nhưng cuối cùng nhà nước vẫn là chủ thể thiệt hại.

Bình luận về chuyện quản lý tiền lương và thu nhập của lãnh đạo trong doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Như Lợi, nguyên phó chủ nhiệm uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng rất khó làm cho dù có muốn làm. “Trong thực tế tiền lương theo chế độ quy định của lãnh đạo tại các doanh nghiệp nhà nước là 1 đồng thì lương thực hiện phải đến 5, 7 đồng. Thu nhập của các vị này từ doanh nghiệp lại càng không thể quản lý”, ông Lợi nói.

Cụ thể, theo cơ chế cũ được áp dụng đến ngày 1.5.2013, nếu đơn giá tiền lương được áp dụng trong hệ thống hành chính là 1 thì doanh nghiệp nhà nước được áp dụng đơn giá là 2,5 lần. Tuy nhiên khi xây dựng đơn giá tiền lương để thực hiện hầu như doanh nghiệp nào cũng “lách luật” bằng cách xây dựng định mức và đơn giá vượt thực tế khoảng 2 lần. Như vậy, khoảng cách giữa tiền lương theo chế độ và tiền lương thực hiện ít nhất là 5 lần.

Ông Lợi cho rằng, để nhà nước thực sự quản lý được tài sản của mình thì phải quản lý được chi phí đầu vào của doanh nghiệp. “Tại những tổng công ty, tập đoàn, chi phí đầu tư, chi phí cho sản xuất kinh doanh nhiều ngàn tỷ đồng mỗi năm, cơ quan thanh tra cũng đã từng phát hiện ra có việc đội giá để hưởng phần chênh lệch. Vậy có ai khẳng định được là không có chuyện đội giá lên ở những doanh nghiệp nhà nước khác?” ông Lợi đặt câu hỏi. Theo ông Lợi, những phần này chính là khoản thu nhập lớn cho không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước cho dù có chứng từ thật nhưng chỉ khi thanh tra mới phát hiện ra nội dung chứng từ là không thật.

“Chính bởi vậy, không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước tới tuổi về hưu đã bị sốc, do thu nhập thực tế chỉ giảm bằng một phần rất nhỏ khi đương chức”, ông Lợi nói.

Trong nghị định 51/2013 bắt đầu thực hiện từ ngày 1.5.2013 quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng với các chức danh lãnh đạo trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu sẽ có thay đổi căn bản về cơ chế quản lý tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp xác định quỹ lương và quỹ lương này sẽ do chủ sở hữu phê duyệt. Với các Tổng công ty và tập đoàn nhà nước là chủ sở hữu, văn bản việc phê duyệt quỹ lương sẽ được gửi đến bộ Lao động- thương binh và xã hội. Vào quý 1 hàng năm, thông tin về lương, thưởng của các lãnh đạo doanh nghiệp này phải được công bố công khai trên trang thông tin điện tử (website) của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, cho dù vậy thì vấn đề lớn là nhà nước quản lý tài sản của mình như thế nào thông qua việc quản lý thu nhập của các lãnh đạo doanh nghiệp vẫn là một câu hỏi khó trả lời.

Ông Phạm Minh Huân, thứ trưởng bộ Lao động- thương binh và xã hội:

"Tôi mới đọc được thông tin về lương của lãnh đạo hai tổng công ty này. So với mặt bằng chung lương các lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thì mức lương đó tương đối cao. Tuy nhiên, với mức lương cao như vậy, doanh nghiệp sẽ phải giải trình xem họ thực hiện phân phối tiền lương cụ thể như thế nào và phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Hiện nay cơ chế quản lý tiền lương trong các doanh nghiệp nhà nước mình chỉ kiểm soát đầu vào chứ không kiểm soát đầu ra. Theo cơ chế được áp dụng năm 2011, nhà nước mà trực tiếp là cơ quan Lao động- thương binh và xã hội cùng với cơ quan chủ quản của doanh nghiệp nhà nước sẽ xét duyệt quỹ lương trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp. Quỹ lương được xét duyệt kiểu “một cục” và sau đó doanh nghiệp về sẽ tự phân phối. Tuy nhiên, kể từ ngày 1.7 tới đây thì cơ chế tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước sẽ thay đổi theo hướng tăng tính tự quyết của doanh nghiệp".

Bà Tống Thị Minh, vụ trưởng vụ Lao động- Tiền lương (bộ Lao động- thương binh và Xã hội):

"Với vai trò của cơ quan lao động- thương binh và xã hội, chúng tôi chỉ quản lý quỹ lương chung của cả tổng công ty và lương của các nhóm hội đồng thành viên bao gồm cả kế toán trưởng. Chúng tôi chỉ tham gia quản lý lương, không quản lý được thu nhập của các lãnh đạo. Trong thực tế, thu nhập của các lãnh đạo từ nhiều nguồn khác nhau, có thể từ quỹ khen thưởng của công ty sau khi lợi nhuận đã trích lập vào các quỹ khác. Do vậy, để tính được thu nhập thực tế của các lãnh đạo là việc không đơn giản".

Theo Tây Giang

duchai

Cùng chuyên mục
XEM