Thời điểm vàng đón bắt cơ hội kinh doanh thực phẩm sạch

22/10/2012 16:12 PM |

Các doanh nghiệp ngoại chỉ mới phô trương thanh thế.

Nhiều ý kiến cho rằng thị trường thực phẩm sạch đang bị DN ngoại thâu tóm. Song xét về thực tế, các DN ngoại chỉ mới “phô trương thanh thế” nhưng chưa đi sâu vào người tiêu dùng, nên cơ hội cho DN nội vẫn rất lớn.

Xu hướng tất yếu

Ở các nước phát triển, trước đây thực phẩm sạch chỉ được bán ở một vài cửa hàng với số lượng ít ỏi. Nhưng những năm gần đây, thực phẩm sạch đã được bán đại trà và được coi là biểu tượng của thực phẩm cho sức khỏe. Đồng thời, các trang trại nông nghiệp ở các nước này cũng phải thực hiện nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp theo những quy định thực phẩm sạch mới được cung ứng ra thị trường.

Trong khi đó, phát triển thực phẩm sạch ở Việt Nam cũng đã bắt đầu từ vài năm nay. Song cho đến khoảng 1 năm trở lại đây, khi thị trường có nhiều thông tin về thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng mới thực sự quan tâm đến thực phẩm sạch.

Theo ông Phạm Thanh Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, tính từ giữa năm nay, sức tiêu thụ trứng sạch của công ty đã tăng khoảng 20% sau nhiều thông tin về thực phẩm thiếu an toàn tràn lan trên thị trường. Một đại diện của Vissan cũng cho biết, sau khi có thông tin các sản phẩm thịt do các tiểu thương cung cấp không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đe dọa sức khỏe người tiêu dùng, sức tiêu thụ thịt tại Vissan thời gian qua tăng khoảng 15%.

Ngoài thị trường trong nước, các đối tác nước ngoài cũng đến Việt Nam để tìm kiếm những nhà cung cấp thực phẩm sạch để tìm kiếm nguồn hàng. Vào giữa tháng 5 năm nay, lô trứng gia cầm tươi đầu tiên Việt Nam xuất đi nước ngoài đã được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Trại Việt đưa sang Hồng Công với số lượng 144.000 quả. Đối tác của công ty còn cho biết sẽ tăng lượng hàng thu mua lên 1 triệu quả/tháng để cung cấp cho thị trường này.

Nhìn thấy cơ hội để phát triển sản phẩm sạch, thời gian qua, các nhà sản xuất trong nước đã mạnh dạn đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, chế biến để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Cụ thể, Công ty Ba Huân đã tiến hành xây trang trại chăn nuôi tại Bình Dương trên diện tích 18ha.

Dự kiến trang trại này sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm sau, cung ứng khoảng 62,5 triệu trứng/năm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Ngoài ra, Vissan cũng đang xây dựng cụm nhà máy giết mổ, chế biến ở tỉnh Long An để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín, tăng lượng thực phẩm sạch đưa ra thị trường.

Chủ động phân phối

Nói về phương diện đầu tư để tăng nguồn hàng, hiện các DN trong nước đang nỗ lực rất lớn và kết quả dự báo rất khả quan. Song trong khâu phân phối, nhiều ý kiến cho rằng, các DN Việt lại đang chịu sự lấn lướt của các DN nước ngoài đang kinh doanh ở Việt Nam.

Thực tế, sau hơn 20 năm có mặt tại Việt Nam, hiện CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam đã lên kế hoạch hoàn thành hơn 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước với nhiều sản phẩm cạnh tranh với các DN nội. Con số này đã được hoàn thành hơn 30%.

Theo ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó Tổng giám đốc CP Việt Nam, ngoài việc mở rộng hệ thống phân phối, công ty cũng đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, cùng với việc phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín để hỗ trợ việc xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch này.

Trước đó, Công ty Nichirei Food, thành viên của Tập đoàn Nichirei (Nhật Bản), đã tiến hành mua lại 19% cổ phần của CTCP Thực phẩm Cholimex để đẩy mạnh cung ứng chuỗi sản phẩm đông lạnh sạch ra thị trường và phục vụ cho xuất khẩu trên cơ sở các sản phẩm của Việt Nam.

Theo ông Phùng Khôi Phục, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai, các DN trong nước rất khó cạnh tranh với các DN ngoại trong vấn đề phát triển hệ thống phân phối bởi nguồn lực vốn còn yếu, không thể xây dựng được hệ thống cửa hàng bài bản như DN nước ngoài.

Do đó, nhiều DN có tiếng là mạnh trong ngành thực phẩm, nhưng mỗi năm cũng chỉ khai trương một vài hay cao lắm là vài chục cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch. Đa số DN kinh doanh thực phẩm sạch chỉ dựa vào các siêu thị, cửa hàng bán lẻ hay tiểu thương để tạo kênh phân phối. Các DN có tiềm năng mở cửa hàng phân phối cũng chưa thể thuê những vị trí đắc địa như các DN nước ngoài.

Tuy nhiên, một giám đốc kinh doanh ngành thực phẩm sạch cũng nhận định, các DN nước ngoài đưa ra kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối với số lượng lớn chẳng qua là để áp đảo tinh thần các DN nội. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã tuyên bố sẽ mở một loạt cửa hàng bán lẻ nhưng chỉ mở được vài cửa hàng rồi ngừng lại. Trong số các cửa hàng đó, có cửa hàng chỉ là quầy hàng rất nhỏ, chỉ bán thực phẩm ăn ngay, mở cửa một thời gian hoạt động không hiệu quả đã lẳng lặng đóng cửa.

Do vậy, các DN trong nước cũng không phải quá lo lắng, điều cốt yếu là cần phải tăng cường sự khép kín trong chuỗi cung ứng, tiết giảm chi phí để chạy đua cạnh tranh. Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty VISSAN, cho biết kế hoạch trong năm 2012 VISSAN sẽ mở 100 cửa hàng sản phẩm tại TPHCM và đến cuối tháng 8 đã có 95 cửa hàng được khai trương.

Hiện Công ty Ba Huân cũng đã có hơn 2.500 đại lý và điểm phân phối ở các siêu thị, chợ, điểm bán lẻ. Với nỗ lực xây dựng hệ thống phân phối, các DN nội vẫn còn rất nhiều cơ hội để khai thác thị trường trong thời gian tới.

Theo Yên Lam
Sài Gòn Đầu tư

tanhoa

Cùng chuyên mục
XEM