Thiếu giống vật nuôi ở ĐBSCL: Dùng con thương phẩm làm giống

13/07/2015 09:20 AM |

Do thiếu giống vật nuôi, hầu hết các hộ nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), phải sử dụng chính con vật nuôi thương phẩm làm giống. Điều này, dẫn tới tình trạng cận huyết, suy thoái nguồn giống, chất lượng kém, trong khi cả vùng vẫn chưa có một trung tâm nhân giống vật nuôi nào.

Nội dung nổi bật:

- “Ở đây chúng tôi đâu có biết cần lấy nguồn tinh bò ở chỗ nào đâu, nên cứ để cho chúng tự phối giống với nhau. Vì vậy đôi lúc xảy ra tình trạng bò đực nhảy lung tung, bị cận huyết, nhưng nếu không như thế thì không biết lấy giống ở đâu”.

- Mỗi năm Cần Thơ vẫn phải nhập khoảng 10.000 con lợn giống. Hiện các cơ sở sản xuất, chăn nuôi chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu về lợn giống, 30% nhu cầu về vịt giống…

- Tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung xuất hiện nhiều điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên xảy ra tình trạng người dân thường sử dụng vật nuôi thương phẩm làm giống. Điều này gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là làm vật nuôi bị rối loạn sinh sản (không đẻ được, tỷ lệ sống thấp...), tình trạng cận huyết, suy giảm chất lượng nguồn gen...”


Khan hiếm giống bò, lợn

Nhà ông Lê Văn Nhỏ (phường Tân Phú, quận Cái Răng, TP.Cần Thơ) đang có đàn bò hơn 10 con, trong đó có nhiều con thuộc giống lai sind. Do ông muốn mở rộng đàn bò, nên mỗi khi đàn bò đẻ ra bê cái, ông thường giữ lại để nhân giống tiếp, cứ thế hết lứa này tới lứa khác.

Trong đàn bò của ông cũng có một con bò đực và thêm một vài con nữa của các hộ khác. Thường ông để cho đàn bò tự phối giống trong đàn với nhau hoặc cũng có khi chăn lẫn với đàn bò của hàng xóm, chúng cũng tự phối giống với nhau. Ông Nhỏ cho biết: “Ở đây chúng tôi đâu có biết cần lấy nguồn tinh bò ở chỗ nào đâu, nên cứ để cho chúng tự phối giống với nhau. Vì vậy đôi lúc xảy ra tình trạng bò đực nhảy lung tung, bị cận huyết, nhưng nếu không như thế thì không biết lấy giống ở đâu”.

Tình trạng “đực nhảy lung tung” diễn ra trên đàn lợn còn phổ biến hơn. Chị Nguyễn Thị Nho ở xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre, có đàn lợn khoảng vài chục con, cho biết: “Nhà tôi cũng có 2 con lợn nái dùng để gây giống, ở trong xã có một hộ nuôi con lợn đực chuyên để phối giống, tôi chỉ biết lấy giống ở đó. Để chủ động và nhân giống nhiều hơn, tôi còn dùng cả những con lợn con, cháu để lại gây giống và lại cho đi phối giống với con lợn đực kia”. Theo chị Nho, nếu không lấy giống từ con lợn đực đó, chị cũng không biết mua giống mới hay lấy nguồn tinh ở đâu nữa.

Theo Sở NNPTNT TP.Cần Thơ, địa phương này được định hướng trở thành trung tâm cung ứng giống vật nuôi cho các tỉnh ĐBSCL, nhưng mỗi năm Cần Thơ vẫn phải nhập khoảng 10.000 con lợn giống. Hiện các cơ sở sản xuất, chăn nuôi chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu về lợn giống, 30% nhu cầu về vịt giống… Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, theo lãnh đạo Sở NNPTNT Cần Thơ là do địa phương vẫn chưa xây dựng được trung tâm chuyển giao giống vật nuôi, công tác đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ công tác giống.

Về chất lượng giống vật nuôi, ông Trịnh Hùng Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Hậu Giang cho biết: “Tỉnh Hậu Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung xuất hiện nhiều điểm chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình nên xảy ra tình trạng người dân thường sử dụng vật nuôi thương phẩm làm giống. Điều này gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt là làm vật nuôi bị rối loạn sinh sản (không đẻ được, tỷ lệ sống thấp...), tình trạng cận huyết, suy giảm chất lượng nguồn gen...”.

Còn tại tỉnh Trà Vinh, theo thống kê, tỷ lệ đàn bò lai sind của tỉnh hiện chiếm trên 80% tổng đàn. Thế nhưng, do tầm vóc bò cái nền vẫn nhỏ nên khi thụ tinh hoặc phối giống với các giống bò tốt, tỷ lệ thịt cao như BBB, Drought Master... dễ gặp vấn đề về sinh sản.

“Trong khi việc nhân giống bò có chất lượng gặp khó khăn, thì giống bò nội ngày càng ít dần và có nguy cơ bị mất nguồn gen” - bà Nguyễn Ngọc Hài - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh cho biết. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng buôn bán, lưu thông giống vật nuôi không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng; các cơ sở sản xuất và kinh doanh giống được xây dựng tự phát...

Cần có trung tâm chuyển giao giống

Ông Nguyễn Khải Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho rằng: “Cục Chăn nuôi nên sớm đề xuất với Bộ NNPTNT cho phép đầu tư xây dựng trung tâm nuôi và chuyển giao giống vật nuôi cho thành phố để giải quyết nhu cầu chăn nuôi tại chỗ và từng bước tiến tới việc cung ứng giống vật nuôi cho cả vùng”.

Trong khi đó, theo ông Lê Thanh Tùng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Vĩnh Long, để nâng cao chất lượng con giống, tạo sản phẩm chăn nuôi an toàn từ gốc, vùng ĐBSCL rất cần một cơ quan, tổ chức trung gian làm nhiệm vụ kiểm định, chứng nhận chất lượng giống vật nuôi tại vùng và địa phương. Tổ chức này sẽ giữ vai trò kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng con giống; Đồng thời tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và các kiến thức cần thiết cho các cơ sở, sản xuất kinh doanh giống vật nuôi và các hộ nuôi khi có nhu cầu.

Một trong những nguyên nhân chính khiến công tác phát triển giống vật nuôi thời gian qua chưa được như kỳ vọng là do ngành chăn nuôi trong vùng chưa chú trọng đến xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau cho rằng: “Nếu sản xuất chỉ để tiêu thụ trong nước thì ít ai mặn mà với việc nâng cao chất lượng giống. Vì vậy, muốn vực dậy ngành chăn nuôi, trước hết phải hướng mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi để xuất khẩu. Công tác giống vật nuôi rất quan trọng, cần phải đầu tư căn cơ, thậm chí phải có những giải pháp đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL”.

Theo chiến lược giống vật nuôi đến năm 2020 do Cục Chăn nuôi đề ra, phấn đấu tỷ lệ thụ tinh nhân tạo cho đàn lợn nái từ 43-44% (năm 2015) tăng lên khoảng 60%; nâng tỷ lệ bò lai từ 52% lên 70%. Đối với giống gia cầm, tăng cường bảo tồn và phát triển nguồn gen giống gà, vịt nội quý hiếm, tạo các cặp lai phù hợp với phương thức nuôi tại các vùng miền. Đồng thời, chọn tạo và thuần các giống gà, vịt ngoại, cho năng suất cao.

Theo Huỳnh Xây

Cùng chuyên mục
XEM